Khơi thông giải phóng mặt bằng, thúc đẩy giải ngân

Cập nhật, 13:49, Thứ Năm, 11/08/2022 (GMT+7)
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công các tháng đầu năm 2022 tiếp tục tăng.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công các tháng đầu năm 2022 tiếp tục tăng.

(VLO) Theo BCĐ Xây dựng cơ bản (XDCB) tỉnh, 7 tháng đầu năm 2022, mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng nhưng còn thấp so yêu cầu. Theo đó, cần quyết liệt khơi thông giải phóng mặt bằng (GPMB), thúc đẩy giải ngân.

Giải ngân đạt hơn 38%

7 tháng qua, UBND tỉnh, BCĐ XDCB tỉnh, các ngành, UBND cấp huyện tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt hơn công tác GPMB, điều chỉnh dự án, thiết kế bản vẽ thi công- dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thi công, giải ngân các dự án…

Theo đó, kế hoạch vốn giao đầu năm (không kể vốn Trung ương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia) là hơn 4.110 tỷ đồng.

7 tháng đầu năm, đã thực hiện đạt 39,36%, giải ngân đạt 38,29%, tăng 9,6% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh kế hoạch gần 2.428 tỷ đồng, giải ngân 49,79%; nguồn ngân sách Trung ương kế hoạch hơn 1.682 tỷ đồng, giải ngân 21,7%.

Tuy nhiên, theo BCĐ XDCB tỉnh, giải ngân kế hoạch vốn còn thấp so yêu cầu, có 11 dự án chuyển tiếp chưa giải ngân, 51 dự án chuyển tiếp giải ngân dưới 50%; nhiều dự án chuyển tiếp thi công chậm, kéo dài; còn 7 dự án chưa phê duyệt/điều chỉnh thiết kế thi công- dự toán.

Riêng trong tháng 7 không có dự án khởi công thêm. Đáng lưu ý là thời tiết những tháng cuối năm sẽ bất lợi trong triển khai các dự án.

Do đó, BCĐ XDCB tỉnh yêu cầu các ngành, UBND cấp huyện cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn, nhất là dự án sử dụng vốn Trung ương, dự án chuyển tiếp giải ngân chậm, chưa giải ngân.

Các chủ đầu tư thực hiện nhanh công tác lập, thẩm định, trình phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công- dự toán; lựa chọn nhà thầu đối với các công trình chưa khởi công; làm việc với các nhà thầu để tháo gỡ từng khó khăn vướng mắc cụ thể.

Bên cạnh, các ngành, UBND cấp huyện thực hiện nhanh công tác thẩm tra, thẩm định phương án GPMB, thiết kế bản vẽ thi công- dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu để khởi công các dự án (gồm 12 dự án kế hoạch đầu năm và 14 dự án giao vốn giữa năm).

Cùng với đó, chủ trì, phối hợp giải quyết kịp thời, hiệu quả những khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; xử lý cán bộ, công chức gây cản trở trong thực hiện các thủ tục, triển khai và thanh toán kế hoạch vốn.

Đồng thời, UBND cấp huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác GPMB, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn đối với từng dự án, trường hợp cụ thể theo thẩm quyền; tổ chức cưỡng chế đối với những trường hợp không chấp hành sau khi đã thực hiện và giải quyết các thủ tục theo đúng quy định.

Mặt khác, rà soát cắt giảm kế hoạch vốn đối với những dự án đến ngày 30/8/2022 chưa giải ngân, chưa đủ thủ tục để giao kế hoạch vốn, chưa khởi công để bổ sung cho các dự án giải ngân nhanh, cần bổ sung vốn.

Đẩy nhanh tiến độ

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp- PTNT (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho biết, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đến hết tháng 7 đạt hơn 25% do một số công trình mới tổ chức bàn giao mặt bằng, một số công trình chuẩn bị hoàn thành, một số công trình hiện còn vướng mặt bằng.

Ông Nguyễn Thành Vinh- Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp- PTNT cho biết, ngành đã tổ chức họp với các đơn vị thi công rà soát, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, yêu cầu lập lại tiến độ thi công chi tiết, tăng cường thiết bị, nhân lực, vật tư… đẩy nhanh tiến độ thi công; lập bảng cam kết tiến độ, khối lượng, giải ngân vốn bố trí cho từng công trình.

Đồng thời, tăng cường phối hợp với các địa phương tập trung tháo gỡ các công trình có vốn lớn còn vướng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Ông Nguyễn Thanh Cần- Chủ tịch UBND TX Bình Minh cho biết: “Cố gắng đến cuối năm nay đạt tỷ lệ giải ngân trên 95%. Còn các công trình chuẩn bị cho năm 2023 thì đã chuẩn bị cơ bản”.

Ông Võ Quốc Thanh- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nếu các địa phương khơi thông được GPMB thì giải ngân sẽ đạt cao. Theo đó, cần phân công nhiệm vụ từng lãnh đạo chỉ đạo kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc từ sớm từ xa, đảm bảo giải ngân đạt trên 95%.

Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt, làm việc cụ thể với nhà thầu 5 tháng còn lại thi công bao nhiêu, thời gian, tiến độ, sử dụng bao nhiêu vốn…

Ông Lê Quang Trung- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá, kết quả thực hiện công tác XDCB 7 tháng đầu năm khá tích cực, cho thấy nỗ lực lớn.

Tuy nhiên, ông lưu ý, số hộ chưa bàn giao mặt bằng còn quá lớn, trong khi lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, một số UBND huyện chưa quyết liệt. Do vậy, cần khắc phục ngay những yếu kém, hạn chế. Ông nhấn mạnh: “Không có mặt bằng thi công thì chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm, có mặt bằng mà không thi công thì chủ đầu tư chịu trách nhiệm.

Có mặt bằng tới đâu thì có thiết bị thi công tới đó”. Ngoài ra, khẩn trương và tập trung thực hiện quy trình vận động, tổ chức cưỡng chế để bàn giao mặt bằng, nhất là những công trình chuyển tiếp, những công trình vốn Trung ương, vốn ODA.

Nhanh chóng bồi hoàn GPMB các công trình dự án của năm 2022. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp, chủ động, kịp thời tham mưu đề xuất tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ về khối lượng, về giải ngân, đặc biệt chú ý các công trình trọng điểm chào mừng các ngày lễ lớn…

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN