Đẩy mạnh giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Cập nhật, 10:53, Thứ Năm, 25/08/2022 (GMT+7)

 

Chỉ số PCI của tỉnh năm 2021 giảm, tuy nhiên vẫn có một số chỉ số thành phần được đánh giá tích cực (ảnh minh họa).
Chỉ số PCI của tỉnh năm 2021 giảm, tuy nhiên vẫn có một số chỉ số thành phần được đánh giá tích cực (ảnh minh họa).

(VLO) Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 của Vĩnh Long đã giảm 17 bậc so với năm 2020. Nhìn nhận các nguyên nhân khách quan, chủ quan, tỉnh đã tích cực đưa ra các giải pháp để cải thiện chỉ số này, cũng như từng bước hình thành, hoàn thiện các chỉ số đo lường khác…

PCI giảm 17 bậc

Theo UBND tỉnh, nguyên nhân khách quan dẫn đến chỉ số PCI giảm là do năm 2021, các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19, các quy định nghiêm ngặt và các chính sách hạn chế dịch bệnh khiến nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị cản trở.

Mặt khác, đối với các gói hỗ trợ chủ yếu là miễn, giảm thuế và phí cho các DN nên các DN không có doanh thu, lợi nhuận hoặc bị phá sản không tiếp cận được hỗ trợ… Đồng thời những giải pháp, chính sách hỗ trợ của Trung ương chưa đủ sức đáp ứng mong đợi và nhu cầu của DN.

Bên cạnh, tỉnh cũng đã nhìn nhận có những nguyên nhân chủ quan. Mặc dù, tỉnh đã ban hành chỉ thị điều hành nâng cao chỉ số thể hiện quyết tâm cải thiện PCI của tỉnh, nhưng một số sở, ban, ngành tỉnh và địa phương thiếu kiểm tra, sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả thực hiện.

Một số đơn vị chưa có kế hoạch cụ thể trong việc thực hiện chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc xây dựng kế hoạch thực hiện còn chung chung và chưa được lãnh đạo đơn vị quan tâm sâu sát.

Ngoài ra, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ở một số lĩnh vực ban hành chậm, thiếu đồng bộ, một số nội dung còn chồng chéo, bất hợp lý, số lượng văn bản nhiều, thay đổi thường xuyên, đặc biệt là các văn bản về đất đai,… nên DN khó nắm bắt kịp.

Doanh nghiệp Vĩnh Long giới thiệu sản phẩm trong một chương trình kết nối cung cầu.
Doanh nghiệp Vĩnh Long giới thiệu sản phẩm trong một chương trình kết nối cung cầu.

Vai trò và hoạt động của các hội, hiệp hội DN chưa phát huy tốt, chưa thể làm cầu nối giữa DN và cơ quan quản lý nhà nước nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN.

Tuy nhiên, Vĩnh Long cũng có một số chỉ số thành phần được VCCI đánh giá tích cực, cần phát huy. Theo Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ- Võ Thị Thu Hương, một số điểm tích cực của Vĩnh Long như gánh nặng chi phí thời gian thực hiện thủ tục hành chính giảm, chính sách hỗ trợ DN và các chỉ tiêu nổi bật của chỉ số thành phần gia nhập thị trường đứng đầu ĐBSCL,...

“Dù vậy, Vĩnh Long còn một số điểm cần cải thiện như tính minh bạch, các chỉ số thành phần cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động, tính năng động và tiên phong của chính quyền, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự...”- bà Hương phân tích.

Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Chủ tịch UBND tỉnh- ông Lữ Quang Ngời: Vĩnh Long cũng đặc biệt quan tâm và không ngừng chỉ đạo triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Đây là chỉ số được đánh giá qua 8 chỉ số nội dung gồm: Tham gia người dân ở cấp cơ sở, công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường, quản trị điện tử.

Để tiếp tục cải thiện chỉ số PCI của tỉnh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, thu hút nhiều nhà đầu tư đến Vĩnh Long, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND, ngày 1/7/2022 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện PCI.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời, các giải pháp là tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, tập trung bám sát các giải pháp chủ yếu đã được tỉnh đề ra; đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong giải quyết khó khăn, hỗ trợ, phát triển DN; tăng cường tính minh bạch, giảm chi phí không chính thức, tạo cạnh tranh bình đẳng cho DN.

Đồng thời tăng cường gặp gỡ, đối thoại, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của DN; hỗ trợ DN, khuyến khích DN khởi nghiệp sáng tạo.

“Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện cần xem việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm về kết quả cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên lĩnh vực, địa bàn quản lý.

Hàng quý, 6 tháng, năm có sơ kết, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện những nội dung được giao”- Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Võ Thị Thu Hương kiến nghị để cải thiện PCI 2022 và những năm tiếp theo, Vĩnh Long cần tiếp tục phát huy các chỉ số thành phần đạt điểm số tốt hơn qua các năm; tập trung vào các chỉ số liên quan đến điều hành môi trường thực hiện chiến lược quốc gia và các chính sách liên quan hỗ trợ phục hồi kinh tế sau COVID-19.

“Đặc biệt, DN nhỏ và vừa cần quan tâm đến hoạt động kiểm tra khi nhận các chính sách liên quan hỗ trợ phục hồi kinh tế. Đồng thời quan tâm kiến nghị chính sách giảm lãi suất, chi phí có thể giảm tạm thời trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động”- bà Hương chia sẻ.

Theo kết quả công bố PCI năm 2021 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỉnh Vĩnh Long đạt 65,43 điểm và đứng vị trí thứ 23 của cả nước, đã giảm điểm và thứ hạng (giảm 17 bậc) so với năm 2020. Trong khu vực ĐBSCL, Vĩnh Long xếp hạng 6, đứng sau các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An, An Giang và Bến Tre. Từ kết quả khảo sát điều tra cho thấy cộng đồng DN cảm nhận, đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh của tỉnh vẫn còn một số mặt chưa tốt, thể hiện ở các lĩnh vực có chỉ số thành phần giảm điểm số hoặc giảm thứ hạng.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY