Nâng cao giá trị nông sản từ việc chuyển hướng tư duy sang kinh tế nông nghiệp

Kỳ cuối: Chuyển hướng tư duy sang kinh tế nông nghiệp

Cập nhật, 16:48, Thứ Năm, 07/07/2022 (GMT+7)

(VLO) Muốn phát huy tiềm năng và để nâng cao giá trị nông sản, ngành nông nghiệp cần có chiến lược toàn diện, đồng bộ, trong đó, cần thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thì hàng nông sản mới ngày càng nâng cao được giá trị gia tăng.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thì hàng nông sản mới ngày càng nâng cao được giá trị gia tăng.

Bán giá trị chứ không bán giá cả

Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những điểm nghẽn khiến nông sản khó cạnh tranh trên thị trường là thiếu sự liên kết, hợp tác để phát triển sản xuất các loại nông sản có chất lượng cao. Bởi phần lớn nông sản ở ĐBSCL xuất khẩu thô nên chưa hấp dẫn thị trường nước ngoài.

Chất lượng nông sản không đồng đều do thiếu kho bảo quản. Công nghệ chế biến còn lạc hậu. Tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng cao còn thấp. Công tác xúc tiến thương mại của vùng cũng chưa thực sự chuyên nghiệp…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan từng đánh giá: Hiện nay, nông sản Việt Nam hầu như là sản phẩm thô, chỉ 20- 30% sản phẩm thông qua chế biến, tỷ lệ này rất thấp.

Trong khi đó, Đài Loan có gần 80% nông sản thông qua chế biến mới bán ra thị trường. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp phải so sánh 2 con số nói trên giữa 2 nước, từ đó có phương án chủ động chế biến nông sản tạo ra giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, sẽ giải được bài toán cung vượt cầu, giảm áp lực cho nông dân thường gặp cảnh “trúng mùa rớt giá”. Mục tiêu đeo đuổi của ngành nông nghiệp thời gian tới đó là, nâng cao tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng. Chúng ta bán giá trị, chứ không phải bán giá cả nữa.

Trong khi đó, việc tổ chức liên kết sản xuất- chế biến và tiêu thụ còn lỏng lẻo. Cơ chế, chính sách chưa đủ hấp dẫn các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư vào chế biến nông- lâm- thủy sản.

Đánh giá về vướng mắc trong việc nâng cao giá trị nông sản tỉnh nhà, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, cho rằng: Hiện nay sản xuất nông nghiệp Vĩnh Long phần lớn còn nhỏ lẻ, hạn chế về cơ giới hóa và chế biến nên phần lớn nông sản vẫn đang xuất khẩu thô, giá trị mang lại không cao.

Song song đó, hội nhập kinh tế cũng đồng nghĩa với việc nông sản Việt Nam phải cạnh tranh với nông sản các nước khác, không chỉ ở thị trường quốc tế mà ngay tại thị trường nội địa.

Cùng với đó, kinh tế càng phát triển thì người tiêu dùng càng đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng, quy trình sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm. Hơn nữa, trình độ chế biến, năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam còn hạn chế so với nhiều nước.

Quảng bá tốt, nâng tầm vị thế nông sản

Để nâng cao giá trị nông sản, theo ông Nguyễn Văn Liêm, trước hết là phải nói đến tiêu chuẩn chất lượng, nông sản phải ngon, hạ giá thành sản phẩm.

Thứ hai là phải sản xuất theo quy trình đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm về quy trình sản xuất, bón phân, tỉa trái, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật.

Bên cạnh, phải đảm bảo sản xuất chất lượng đồng đều, trong đó, sản phẩm loại 1 phải đạt số lượng nhiều; đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định như có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận tiêu chuẩn an toàn, để đáp ứng thị trường trong và ngoài nước.

“Song song đó, để nâng giá trị, ngoài bán tươi thì nông sản phải qua chế biến. Ví dụ như sản phẩm loại 1 thì có thể xuất khẩu ở dạng tươi, còn loại 2, loại 3 thì đưa sang khâu chế biến. Bởi chế biến có nhiều lợi thế là nâng cao giá trị gia tăng, tạo được việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, nông dân cần áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật để gia tăng năng suất, giảm một số chi phí không cần thiết như bón phân cân đối, đúng kỹ thuật, hạn chế phun thuốc trừ sâu lúc chưa cần thiết, làm sao có được sản lượng nhiều nhất với chi phí bỏ ra thấp nhất.

Đồng thời, chú trọng vấn đề về tiếp thị, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, xúc tiến thương mại để thị trường biết đến sản phẩm ngày càng nhiều hơn, để người tiêu dùng nhận biết được giá trị, lợi ích khi dùng sản phẩm”- ông Nguyễn Văn Liêm phân tích.

Không chỉ vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần thiết phải có sự liên kết hình thành những vùng sản xuất tập trung dưới hình thức hợp tác xã hoặc trang trại, gia trại. Phải có sự đồng thuận của “bốn nhà”.

Trong đó, Nhà nước, nhà khoa học đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch vùng chuyên canh, hướng dẫn kỹ thuật cho nhà nông trồng loại nào là phù hợp, cách thức bảo quản ra sao nhằm tăng tỷ lệ nông sản đạt tiêu chuẩn tốt, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà sản xuất về thông tin, kinh phí trong việc xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để phát huy hết thế mạnh sẵn có.

Thực tế từ địa phương, ông Lê Duy Minh- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành (Bình Tân), cho rằng: “Bình Tân có vùng nguyên liệu khoai lang rất lớn, nhưng hiện chỉ có Công ty TNHH Đông Phát Food chế biến sản phẩm từ củ khoai như: khoai lang sấy, mứt khoai lang. Chỉ có liên kết sản xuất- chế biến thì nông dân mới yên tâm bảo vệ vùng nguyên liệu lâu dài”.

Có thể thấy, muốn giải quyết bài toán nâng giá trị cho nông sản, cách hiệu quả nhất là kết hợp những nhà đầu tư có vốn lớn với doanh nghiệp có kinh nghiệm trong ngành chế biến và tổ chức sản xuất theo mô hình hợp tác xã, cánh đồng lớn, đồng thời nâng cao năng lực chế biến nông sản.

Khi đó, nông dân liên kết được bao tiêu sản phẩm, doanh nghiệp có nguồn vốn xây dựng nhà máy, mua sắm thiết bị mở rộng chế biến và đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao.

Đặc biệt, Nhà nước đóng vai trò kết nối và điều tiết để công nghiệp chế biến nông sản phát triển đúng định hướng, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

* Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)

Để phát triển kinh tế vùng ĐBSCL, cần tận dụng lợi thế nguồn hàng hóa nông sản, việc tập trung tăng cường liên kết vùng, tạo điều kiện thông thương hàng hóa nông sản là vấn đề cấp bách, để giúp kinh tế vùng phát triển nhanh hơn bằng lợi thế vốn có của vùng.

* Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT

Bên cạnh hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản vùng ĐBSCL, tăng cường liên kết vùng chặt chẽ hơn, đòi hỏi nông dân phải thay đổi phương thức sản xuất bằng cách ứng dụng công nghệ cao thì nông sản mới ngày càng nâng cao giá trị gia tăng.

Đời sống người nông dân cải thiện theo. Đặc biệt, việc hình thành các trung tâm đầu mối kinh doanh nông sản ở ĐBSCL sẽ là một yếu tố quan trọng trong kế hoạch tổng thể thu gom, tổng hợp các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản tại địa phương. Gia tăng giá trị sản phẩm thông qua phát triển các trung tâm chế biến, công nghệ cũng như kết hợp với các dịch vụ và các ngành công nghiệp khác.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG