Để nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP

Cập nhật, 05:17, Thứ Sáu, 08/07/2022 (GMT+7)

 

Các sản phẩm OCOP được nhiều người ưa chuộng, tin dùng.
Các sản phẩm OCOP được nhiều người ưa chuộng, tin dùng.

(VLO) Không ít doanh nghiệp (DN) cho rằng, trong khó khăn và thách thức lại chính là cơ hội để DN sáng tạo, tìm ra lối đi riêng và bứt phá. Trong đó, sản phẩm (SP) đạt chứng nhận OCOP được xem là “thước đo” khẳng định chất lượng, thương hiệu đến người tiêu dùng.

Quan tâm phát triển SP OCOP

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long- Nguyễn Thanh Hà, TP Vĩnh Long được đánh giá là nơi có nhiều tiềm năng về phát triển SP OCOP, dựa vào lợi thế về sản xuất, dịch vụ sẵn có.

“Bước đầu, Chương trình OCOP đã mang lại kết quả tích cực, khuyến khích, khơi dậy sự sáng tạo, chuyển giao công nghệ trong sản xuất thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến công; nhiều SP đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã bao bì đẹp, đáp ứng yêu cầu thị trường”- ông Hà cho biết.

Nhiều cơ sở, DN cho rằng: Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến cuộc sống của người dân gặp khó khăn, gây trở ngại cho hoạt động của DN. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức lại chính là cơ hội để DN sáng tạo, tìm ra lối đi riêng và bứt phá.

Trong đó, SP đạt chứng nhận OCOP được xem là “thước đo” khẳng định chất lượng, thương hiệu đến người tiêu dùng. Và qua tham gia Chương trình OCOP, nhiều DN đã nhận được những lợi ích, từ đó, cải tiến trong việc phát triển thị trường, thương hiệu SP và quản trị điều hành.

Anh Phạm Thành Đạt- Công ty TNHH Tân Thành Mê Kông (TP Vĩnh Long), chia sẻ: “Tôi nhận thấy rằng SP truyền thống đã được khẳng định thương hiệu cũng nhờ chương trình OCOP.

Nhờ đó, SP có thể mở rộng thị trường, thêm kênh phân phối và từng bước tiến xa hơn. Bằng chứng là, ngày càng có nhiều SP, đặc sản truyền thống như bún, nem chua, bánh phồng khoai lang tím, rau câu, trang trí thủ công mỹ nghệ,... đã “góp mặt” trên các kệ hàng của siêu thị, cửa hàng bách hóa”.

Ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long, chia sẻ: Chương trình OCOP đã giúp DN có thể khai thác được những lợi thế, tiềm năng của địa phương, từ đó tiết kiệm được các khoản chi phí trong sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, theo ông Nam, việc thực hiện Chương trình OCOP cũng gặp một số khó khăn nhất định. Trong đó, nhiều chủ thể DN còn băn khoăn về giải pháp đầu ra cho SP OCOP, chính sách mới về hỗ trợ các SP đạt chứng nhận OCOP trong giai đoạn tiếp theo, vẫn còn một số cơ sở, DN chưa hiểu được lợi ích khi tham gia OCOP.

Nhà nước hỗ trợ, DN chủ động

Thấu hiểu nỗi băn khoăn của DN về đầu ra cho SP OCOP, thời gian qua, UBND TP Vĩnh Long phối hợp cùng các đơn vị có liên quan tổ chức những buổi xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, liên kết với các DN, nhà phân phối tại các tỉnh- thành lân cận và TP Hồ Chí Minh... để tìm thị trường mới cho SP OCOP.

Từ đó, giúp DN khẳng định và phát triển thương hiệu SP. “Với mục tiêu tăng khả năng cạnh tranh thị trường trong nước, mong muốn vươn xa thị trường ngoài nước, thời gian qua, địa phương cũng phối hợp hỗ trợ đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để nâng tầm SP OCOP, tập trung hỗ trợ phát triển thương hiệu, cải tiến bao bì, thời hạn bảo quản cho SP”- ông Hà cho biết thêm.

Doanh nghiệp nỗ lực, từng bước phát triển, mở rộng thị trường.
Doanh nghiệp nỗ lực, từng bước phát triển, mở rộng thị trường.

Là đơn vị phối hợp cùng Vĩnh Long hỗ trợ cơ sở, DN thực hiện các tiêu chuẩn chứng nhận, giám định, ông Nguyễn Quốc Huy- chuyên gia Công ty CP Chứng nhận và Giám định Quốc tế ISOCERT, cho biết: “Thời gian qua, các sở, ban, ngành tỉnh đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động không chỉ đối với các chủ thể đã đạt chứng nhận OCOP mà còn đặc biệt quan tâm, tổ chức tập huấn đối với các chủ thể DN có mong muốn tham gia Chương trình OCOP. Đây là nguồn trợ lực rất lớn giúp DN trẻ có nhận định đúng đắn về định hướng sản xuất kinh doanh”.

Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của ngành chức năng, đòi hỏi mỗi DN cũng phải “tự thân vận động” chứ không thể chỉ trông chờ vào hỗ trợ.

Theo anh Phạm Thành Đạt, bản thân mỗi DN cần phải xây dựng ngay cho mình chiến lược thị trường, chiến lược phát triển trong hội nhập; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào sản xuất kinh doanh; mở rộng liên kết, liên doanh giữa các DN,...

Theo chuyên gia Nguyễn Quốc Huy, điều kiện ban đầu để DN đưa các SP OCOP ra thị trường thương mại là DN phải khẳng định được chất lượng của SP và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Riêng đối với các SP đã đạt chứng nhận OCOP thì chủ thể DN phải hiểu rõ thị trường tiêu thụ, lựa chọn thiết kế bao bì, nhãn mác phù hợp với phân khúc khách hàng của từng SP.

Bên cạnh, DN cần quan tâm đến vấn đề quảng bá thương hiệu SP, đảm bảo người thực hiện công tác truyền thông phải có mức độ hiểu biết nhất định về SP, viết nên câu chuyện SP thực tế và đặc trưng.

* Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT

Ngành nông nghiệp cũng đã có những chính sách hỗ trợ các chủ thể đạt chứng nhận SP OCOP. Đồng thời, DN cần chủ động tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm để đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thương hiệu đến các đối tác, từ đó có những điều chỉnh về phương án sản xuất kinh doanh phù hợp.

* Ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long

DN mong muốn các cấp, các ngành tổ chức thêm nhiều hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm để DN có cơ hội giao lưu học hỏi kinh nghiệm. Mặt khác, do mỗi địa phương có những nét đặc thù riêng, nên các chủ thể DN cần quảng bá thương hiệu SP OCOP kết hợp với mô hình du lịch cộng đồng, tận dụng các lợi thế bản địa để gia tăng giá trị cho SP OCOP. Bên cạnh đó, mỗi chủ thể DN có những định hướng khác nhau trong phát triển SP OCOP nên không thể đánh đồng nhu cầu hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, kế hoạch kinh doanh, mô hình quản trị...

Bài, ảnh: THẢO LY- THẢO TIÊN