Phân hữu cơ nhiều lợi ích

Cập nhật, 06:37, Thứ Năm, 30/06/2022 (GMT+7)

 

Thử nghiệm hiệu quả của phân hữu cơ vi sinh trên các loại rau.
Thử nghiệm hiệu quả của phân hữu cơ vi sinh trên các loại rau.

Phân hữu cơ được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu cho nền nông nghiệp sạch hay nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, quy trình ủ phân hữu cơ đơn giản từ mụn dừa và bã mía không chỉ tăng năng suất rau màu còn giúp giảm hơn 50% phân hóa học, tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận.

Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp

Theo ngành nông nghiệp, hàng năm lượng phụ phẩm nông nghiệp thải ra là rất lớn như xác bã thực vật trong trồng trọt, phân chuồng trong chăn nuôi, hoặc phụ phẩm của ngành chế biến,… Để tận dụng nguồn phụ phẩm này thì phương pháp ủ phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng là rất thiết thực.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, cho biết: “Phân hữu cơ được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu cho nền nông nghiệp sạch hay nông nghiệp hữu cơ. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 20% người dân áp dụng phân hữu cơ vào sản xuất.

Trước đây người dân chủ yếu sử dụng phân hữu cơ truyền thống, nhưng hiện nay việc sử dụng phân hữu cơ công nghiệp (gồm hữu cơ khoáng, hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học) đã phổ biến hơn”.

Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 1/12/2021 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2030, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: nâng tỷ lệ diện tích cây trồng có áp dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh lên 40%. Đến năm 2030, nâng tỷ lệ diện tích cây trồng có áp dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh lên 90%.

Theo một số nông dân, sử dụng nhiều phân hóa học làm đất bạc màu, áp lực sâu bệnh ngày càng gia tăng.

Trong khi đó, sử dụng phân hữu cơ từ mụn dừa cho hiệu quả tốt, năng suất cây trồng, rau màu cao; đến thời điểm thu hoạch, lá cây vẫn còn xanh, chứng tỏ đất vẫn còn chất dinh dưỡng nuôi cây và lá.

Tuy nhiên, phân hữu cơ vi sinh chỉ mới được sản xuất trong nhà máy hoặc một vài cơ sở lớn, giá thành cao. Chính vì vậy, việc tận dụng phụ phế phẩm nông nghiệp tạo phân hữu cơ vi sinh bằng các quy trình đơn giản là cần thiết.

Ngoài ra, phân hữu cơ vi sinh còn được xem là một trong những giải pháp được sử dụng rộng rãi nhằm cải tạo đất, góp phần giảm lượng phân bón và tăng năng suất cây trồng
hiện nay.

Phân hữu cơ từ mụn dừa- bã mía

Hướng dẫn nghiên cứu về quy trình để sản xuất phân hữu cơ kết hợp từ mụn dừa và bã mía, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh- Giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, cho biết trong những năm gần đây, đã có nhiều nghiên cứu nhằm xây dựng quy trình sản xuất phân hữu cơ và phân hữu cơ vi sinh từ nhiều nguồn phế phẩm khác nhau: gồm có phối trộn bùn thải bia và bùn thải thủy sản; phân hữu cơ sử dụng mụn dừa; phân hữu cơ vi sinh sử dụng bùn bã mía,…

Bên cạnh đó, các phế phẩm như mụn dừa còn được dùng làm viên nén để ươm hạt. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu về quy trình đơn giản để sản xuất phân hữu cơ kết hợp từ mụn dừa và bã mía cũng như các ứng dụng liên quan.

Phân hữu cơ được sản xuất từ mụn dừa- bã mía.
Phân hữu cơ được sản xuất từ mụn dừa- bã mía.

Vì vậy, mục tiêu của nghiên cứu này là xây dựng quy trình ủ phân hữu cơ đơn giản từ mụn dừa và bã mía, đồng thời khảo sát hiệu quả của phân hữu cơ trong sản xuất rau dền đỏ và rau diếp cá trong điều kiện nhà màng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh cho biết thêm, phân hữu cơ vi sinh từ mụn dừa- bã mía có thể thay thế lượng đất mà vẫn đảm bảo năng suất và có thể tiết kiệm đáng kể lượng phân vô cơ cho cây trồng trong việc sản xuất rau sạch và rau hữu cơ và vẫn đảm bảo chất lượng nông sản.

Bên cạnh đó, vai trò của phân hữu cơ là hết sức quan trọng trong việc cải tạo đất canh tác. Khả năng nhân rộng quy trình ủ phân hữu cơ từ mụn dừa và bã mía cho người nông dân là khả thi.

Do quy trình đơn giản, nguyên liệu dễ tìm và tiết kiệm chi phí. Sản phẩm phân hữu cơ sau khi ủ giúp tiết kiệm đáng kể phân hóa học mà vẫn đảm bảo năng suất cho cây trồng.

Về định hướng khuyến khích nông dân áp dụng phân hữu cơ trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Liêm, cho biết: Trước áp lực giá phân bón tăng, người dân đã mạnh dạn sử dụng phân hữu cơ hơn.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường tuyên truyền người dân tận dụng rơm rạ, rác mục, Trichoderma… để ủ phân hữu cơ, giúp tiết kiệm chi phí, thân thiện môi trường hơn. Theo đó, tỷ lệ người dân sử dụng phân hữu cơ sẽ tăng hơn nữa.

* Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, bón phân hữu cơ đem lại nhiều lợi ích như: Tăng sự phát triển vi sinh vật trong đất, do đó tăng cường sự khoáng hóa chất hữu cơ có sẵn trong đất, cung cấp cho rễ cây được nhiều chất dinh dưỡng. Làm cấu trúc đất xốp hơn, nâng độ pH, độ ẩm trong đất được giữ lại lâu hơn, giúp cho bộ rễ phát triển dễ dàng và bảo vệ đất chống xói mòn, tích lũy mùn, nâng cao độ phì nhiêu của đất. Cây trồng được bón phân hữu cơ sẽ chống chịu với sâu bệnh tốt hơn, có phẩm chất ngon, tồn trữ được lâu. Giảm chi phí sản xuất, không gây ô nhiễm môi trường, an toàn cho người sử dụng.

* Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, để sản xuất phân hữu cơ kết hợp từ mụn dừa và bã mía sử dụng phương pháp ủ xếp lớp có xới đảo với khối ủ 0,5m3. Cụ thể, các khối ủ được thực hiện trong hộc ủ bằng cách dùng tấm bạt bao quanh giữ cố định bằng khung sắt, tỷ lệ phối trộn được xác định phù hợp cho mụn dừa và bã mía là tỷ lệ 50:50 và 40kg phân trùn quế. Ngoài ra, tro và trấu cũng được bổ sung với tỷ lệ 1- 2%. Phân ure cũng được bổ sung 1- 2 kg/khối ủ. Chế phẩm sinh học EM với liều lượng 300- 400ml chế phẩm/khối ủ/lần.

Các chỉ tiêu được theo dõi như: nhiệt độ, độ ẩm, độ pH, chiều cao của đống ủ, màu sắc của phân, độ chính của phân bằng phương pháp plant test. Trong đó, nhiệt độ được xác định bằng thiết bị đo cầm tay, thiết bị đơn giản và tiết kiệm. Nhiệt độ tăng nhanh ở giai đoạn đầu và giảm dần khi đống ủ đã chín. Không nên để nhiệt độ tăng quá 65OC vì sẽ tiêu diệt các vi sinh vật có lợi. Vi sinh vật cần độ ẩm để phát triển. Mức ẩm lý tưởng là 40- 60%.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Các tin khác: