Nhiều giải pháp, quyết tâm phục hồi kinh tế

Cập nhật, 17:27, Thứ Năm, 10/02/2022 (GMT+7)

 

Doanh nghiệp đã dần phục hồi và đi vào sản xuất kinh doanh ổn định.
Doanh nghiệp đã dần phục hồi và đi vào sản xuất kinh doanh ổn định.

(VLO) Bằng sự quyết tâm, đồng hành của chính quyền địa phương các cấp, tình hình khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) đã và đang đi vào hoạt động ổn định. Năm 2022, với nhiều nhiệm vụ trọng tâm đặt ra, tỉnh đã lên kế hoạch và có nhiều giải pháp, quyết tâm phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Lên kế hoạch phục hồi

Do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư- Võ Quốc Thanh, tỉnh đã tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện bảo đảm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Từng bước phục hồi tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2021 và tạo tiền đề thuận lợi cho những năm tiếp theo.

“Tỉnh cũng chuẩn bị tốt các điều kiện và triển khai thực hiện giải pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế- xã hội gắn với bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo kịch bản thích ứng an toàn với diễn biến của dịch bệnh.

Hỗ trợ các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh các điều kiện cơ bản nhằm từng bước khắc phục những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động; khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh…”- ông Võ Quốc Thanh chia sẻ.

Theo kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, có 3 giai đoạn: giai đoạn 1 từ ngày 30/11/2021 đến 31/12/2021, các cấp, các ngành triển khai các kế hoạch, phương án khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng ngành, lĩnh vực, địa phương phù hợp với cấp độ nguy cơ ở từng địa bàn.

Giai đoạn này, toàn tỉnh đã chuyển sang trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; cấp độ dịch của tỉnh là cấp độ 2, trong tỉnh không có địa bàn vùng đỏ (cấp 4).

Giai đoạn 2 từ ngày 1/1- 30/6/2022, tỉnh đã cơ bản kiểm soát tốt được dịch bệnh; cấp độ dịch của tỉnh là cấp độ 1, trong tỉnh không còn địa bàn vùng cam (cấp 3) và vùng đỏ (cấp 4); 100% người lao động trên địa bàn tỉnh đã được tiêm vắc xin mũi 2.

Giai đoạn 3 sau ngày 1/7/2022 sẽ mở rộng các hoạt động sản xuất, phục hồi hoàn toàn các hoạt động thương mại, dịch vụ. Cấp độ dịch của tỉnh là cấp độ 1, người dân trong tỉnh đã được tiêm vắc xin mũi 2 và một số đã tiêm mũi 3.

Nhiều giải pháp, rất quyết tâm

Dự báo tình hình năm 2022 vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ còn nhiều khó khăn, áp lực lạm phát, rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng.

Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên đã đạt một số kết quả khả quan nhưng vẫn còn những hạn chế cần khắc phục do nguy cơ kinh tế sẽ chậm phục hồi, suy giảm tăng trưởng nếu dịch bệnh không được kiểm soát hiệu quả.

Đồng thời, thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, tác động ngày càng nặng nề trên các mặt của đời sống kinh tế- xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Trung nhấn mạnh, trước những khó khăn, thách thức đó, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long cam kết sẽ đồng hành cùng DN, tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội trong năm 2022 và những năm tiếp theo, giúp các DN phục hồi hoàn toàn hoạt động sản xuất kinh doanh, thích ứng với tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay.

Phó Chủ tịch cũng cho biết, tỉnh sẽ tăng cường đối thoại, lắng nghe nguyện vọng của DN để tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.

Triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh sau khi dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, đảm bảo mục tiêu kép: phòng chống dịch và tạo điều kiện cho DN hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn.

“Thực hiện kịp thời theo quy định các chính sách, chương trình hỗ trợ về tiền tệ, tín dụng, an sinh xã hội đối với người dân, các thành phần kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt là gói phục hồi kinh tế- xã hội mà Quốc hội vừa thông qua như: gia hạn, giãn, hoãn các khoản phải nộp của DN về thuế, tiền thuê đất; giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí, lệ phí, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi... dành cho DN”- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Trung chia sẻ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Trung: Năm 2022, tỉnh sẽ tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao từng chỉ số thành phần trong các Bộ chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án chuyển đổi số và dịch vụ đô thị thông minh giai đoạn 2021- 2025, định hướng 2030; thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tinh giản đến mức tối thiểu các thủ tục hành chính. Đồng thời, tuyên truyền, hỗ trợ, khuyến khích người dân, DN đổi mới hoạt động kinh doanh, giao dịch thương mại theo hướng trực tuyến, điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Đồng thời chú trọng các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước để tận dụng tốt các cơ hội phát triển, nhất là thời cơ dịch chuyển các dòng vốn đầu tư sang các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, rà soát lại tình hình thực hiện các dự án, xác định khó khăn, vướng mắc của từng dự án để kịp thời giải quyết và tháo gỡ. Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nhằm kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm, nâng cao sức cạnh tranh, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY