Khởi nghiệp theo hướng đi riêng

Cập nhật, 07:12, Thứ Sáu, 03/12/2021 (GMT+7)

 

Từ 3 hồ nuôi lúc đầu, đến nay gia đình ông Dũng phát triển lên 25 hồ ươm lươn giống và nuôi lươn thịt.
Từ 3 hồ nuôi lúc đầu, đến nay gia đình ông Dũng phát triển lên 25 hồ ươm lươn giống và nuôi lươn thịt.

Trong khi người dân ở xứ cù lao chuyên về trồng cây ăn trái hoặc mai vàng thì có những người lại chọn cho mình hướng đi riêng, có người khởi nghiệp nuôi lươn, người khởi nghiệp ươm cây hoa giống, đã tạo thêm những mô hình kinh tế đa dạng cho xứ cù lao. Dù thành công hay gặp khó khăn, mọi người vẫn yêu thích và tiếp tục đi trên con đường mà mình đã chọn.

Từ trồng mai chuyển sang nuôi lươn

Đến Làng Mai vàng Phước Định (xã Bình Hòa Phước, Long Hồ), trong khi những hộ dân nơi đây đang ăn nên làm ra từ cây mai vàng, thì ông Nguyễn Văn Dũng- ấp Phước Định 2 lại quyết định khởi nghiệp nuôi lươn không bùn. Ông đã chuyển những gốc mai vàng mà mình từng chăm chút đem trồng nơi khác và tận dụng toàn bộ 200m2 đất cạnh nhà để gắn bó với con lươn.

Hỏi về quyết định “táo bạo” này, ông Dũng cho biết, cách nay 3 năm, ông được một chủ trại lươn giống khuyến khích phát triển mô hình nuôi lươn, người này đã hỗ trợ kỹ thuật và tặng cho ông 4.000 con lươn giống (tương đương 10 triệu đồng). Nắm bắt cơ hội, ông Dũng mua thêm 3.000 con giống và phát triển nghề nuôi lươn từ đây.

Lúc đầu, ông Dũng xây 3 hồ nuôi thử nghiệm (ngang 2m, dài 3m), thấy hiệu quả, ông phát triển dần đến nay được 25 hồ. Hiện, ông đang nuôi hơn 50.000 con lươn thịt lớn nhỏ. Ông Dũng kể, những năm trước đây, người dân chủ yếu nuôi lươn từ nước sông, do có độ mặn muối nên lươn dễ bị nấm, bệnh… Đó là lý do nhiều người từ chối nhận hỗ trợ chuyển đổi mô hình nuôi lươn thương phẩm.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ông Dũng chuyển sang khoan giếng nuôi, khác với nước sông, nước giếng có độ mặn khoáng, lươn không còn bị ghẻ, nấm như trước mà rất sạch bệnh, cho hiệu quả kinh tế cao, nên hiện nay nhiều hộ dân trong xã cũng chuyển sang nuôi lươn không bùn.

Theo ông Dũng, thời gian nuôi lươn từ nhỏ cho đến khi xuất bán khoảng 12- 14 tháng. Con trai rất siêng năng, biết chạy đầu này, đầu kia học hỏi, lo thức ăn, thuốc men, tìm mối lái và làm lươn giống… nên đã giúp cho ông rất nhiều. Công việc của ông Dũng chủ yếu là thay nước và cho lươn ăn, “không có làm gì nặng nhưng cũng phải làm tối ngày”- ông Dũng cười tươi.

Dẫn chúng tôi tham quan các hồ nuôi lươn, bà Võ Thị Nga- vợ ông Dũng chỉ cho biết: “Lươn này tới gần tết là thu hoạch, còn hồ này thì vài tháng nữa…”. Rồi bà chỉ vào 3 thau lươn giống và cho biết: “Thấy vậy chứ trong đó chứa hơn 10.000 con, trị giá hơn 30 triệu đồng. Còn lươn thịt hiện đang có giá 110.000 đ/kg, cầm chắc là có lời…”.

Bà Nga cũng làm bài toán nhẩm, so với trồng mai, nghề nuôi lươn cũng đem đến thu nhập khá không kém. Nuôi lươn thì bình quân 12 tháng thu hoạch, mình nuôi chuyền nên cứ có tiền xài. Còn mai thì vô chừng, tùy sở thích, nhu cầu người mua, nên phải “thuận mua vừa bán” thì mới có thu nhập.

Đam mê ươm cây giống

Về làm dâu ở xã Hòa Ninh (Long Hồ)- nơi được biết đến là vùng chuyên canh cây ăn trái, nhưng bà Trần Thị Tuyết Nhung- ấp Hòa Quý lại cùng chồng chọn cho mình hướng đi riêng. Đó là phát triển nghề ươm cây hoa giống và lấy tên là Vườn hoa Thủy Phong.

Gắn bó với nghề ươm hoa giống từ những năm thập niên 90 của thế kỷ trước. Vợ chồng bà Nhung cũng trải qua nhiều thăng trầm, có thời điểm “hoa tươi bị bông vải đánh gục”, nhưng cũng có khi rất “ăn nên làm ra”…

Chúng tôi đến Vườn hoa Thủy Phong cùng lúc ông Đoàn Văn Thu- ấp An Thới (xã An Bình, Long Hồ) đến mua cây hoa giống cát tường và mãn đình hồng, rồi lỉnh khỉnh mua thêm chậu về trồng hoa. Ông Thu cho biết: Sắp tới tui còn trở lại mua thêm các loại hoa hướng dương, cây bá biện (vạn thọ ta) và vạn thọ Pháp… Năm nào tui cũng mua về trồng 40- 50 chậu hoa để chơi tết. Mình chăm sóc, thấy cây hoa phát triển mỗi ngày rất vui, xem đây là món ăn tinh thần.

Bà Nhung cho biết, người dân ở 4 xã cù lao của huyện Long Hồ tới đây mua cây hoa giống về trồng chơi tết rất nhiều. Bà còn có một số mối quen trong và ngoài huyện và các tỉnh lân cận như Đồng Tháp, Tiền Giang… Khách đến mua hoa cũng rất đa dạng, có người mua cây đã vô bầu sẵn, cũng có người cứ lấy 100 cây vô một bó rồi về tự bầu. Tất nhiên giá sẽ rẻ hơn.

Ngoài bán hoa tại vườn, ngày tết bà Nhung còn đem hoa ra chợ Hòa Ninh bán, bình quân khoảng 2.500 chậu lớn nhỏ các loại. Tuy nhiên, cũng có năm khách tới mua cây giống nhiều, bị hụt số lượng hoa định vô chậu tết, nhưng bà cũng “bán luôn để giữ mối”, “năm đó tôi chỉ đem hơn 1.000 chậu hoa đi bán, hoa ít, bán hết sớm nên được về ăn tết sớm”- bà Nhung cười tươi.

Tuy nhiên, năm nay bà Nhung có chút lo lắng do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên “cứ đắn đo mãi, tới giờ vẫn chưa quyết định số lượng bao nhiêu”- bà Nhung nói và chỉ vào các giàn bông đang trống: Mọi năm các giàn bông này được trồng lắp đầy, nhưng bây giờ giảm rất nhiều, giảm cả số lượng và mặt hàng hoa.

Đến tìm mua cây vạn niên tùng và hoa mồng gà về trồng, ông Nguyễn Văn Khá- ấp An Thới (xã An Bình) cho biết: “Năm rồi tôi mua hơn 300 cây hoa, nhưng năm nay kinh tế eo hẹp nên giảm lại còn vài chục cây thôi”.

Khách đến mua cây giống tại vườn hoa của bà Nhung.
Khách đến mua cây giống tại vườn hoa của bà Nhung.

“Mọi năm, tới thời điểm này mỗi ngày có hơn chục khách tới mua cây giống, nhưng nay mỗi ngày chỉ có vài người, lượng khách giảm đi rất nhiều và số lượng hoa được mua cũng rất ít”- bà Nhung cho biết và chia sẻ: Bán hoa tết cần vốn đầu tư và công sức rất nhiều. Vô vụ tết, nhiều đêm tôi thức trắng, có lúc ngủ 1 đêm được vài tiếng đồng hồ. Ươm cây hoa giống và trồng hoa tết đòi hỏi phải tỉ mỉ và có sự đam mê mới đeo theo nghề được.

Có thể thấy, trong hoạt động khởi nghiệp luôn có những người chọn cho mình hướng đi riêng, và dù thành công hay gặp khó khăn, mọi người vẫn yêu thích và tiếp tục đi trên con đường mà mình đã chọn.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI