Phát huy bản sắc đô thị sông nước

Cập nhật, 06:13, Thứ Tư, 05/05/2021 (GMT+7)

(VLO) Vai trò của sông rạch đối với các đô thị (ĐT) ngày càng được nhìn nhận, nhiều ĐT trong cả nước đã và đang định hướng phát triển quay mặt ra sông, nương theo sông, chú trọng bảo tồn cảnh quan sông nước…

Tại Vĩnh Long, tất cả các ĐT tự hào có nhiều sông rạch bao quanh và hầu hết đều có sông lớn chảy qua. Theo đó, hiện các ĐT của tỉnh được định hướng phát triển hiện đại, phát huy thế mạnh, bản sắc vùng sông nước.

Trong tương lai, đô thị Vĩnh Long sẽ được phát triển theo hướng đô thị xanh.
Trong tương lai, đô thị Vĩnh Long sẽ được phát triển theo hướng đô thị xanh.

Hệ thống ĐT phát triển mạnh mẽ

Vui mừng trước sự phát triển của nơi mình sinh sống, ông Nguyễn Chánh Tông (khóm Đông Thuận, phường Đông Thuận- TX Bình Minh) xởi lởi: “So với khi mới giải phóng, bộ mặt TX Bình Minh ngày nay đã có sự đổi thay rất lớn.

Về giao thông, trước chỉ có một số tuyến đường chính như QL1A, Hương lộ 37 (nay là QL54), còn lại đa số là đường đất, mùa mưa lầy lội, đi lại rất khó khăn.

Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay, các tuyến đường lớn nhỏ tại các phường được đan hóa, nhựa hóa nên đi lại dễ dàng”.

Thuận lợi về đường bộ lẫn đường sông nên TX Bình Minh có thể giao lưu phát triển kinh tế với các tỉnh- thành, thu hút đầu tư… để ngày càng phát triển.

Ông Đoàn Thanh Bình- Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh- cho biết, sau giải phóng, tỉnh Vĩnh Long lúc đó còn rất nhiều khó khăn do phải tập trung ổn định tình hình chính trị, kinh tế, xã hội… Do đó, phát triển ĐT chủ yếu trên nền hiện trạng quy mô nhỏ.

Thời điểm này, toàn tỉnh chỉ có 1 thị xã là TX Vĩnh Long và 5 trung tâm huyện (chưa phải là thị trấn) gồm: Long Hồ, Vũng Liêm, Bình Minh, Tam Bình và Trà Ôn; chưa có Mang Thít và Bình Tân. Không gian kiến trúc, cảnh quan hạ tầng ĐT chưa có định hướng, chưa có quy hoạch. Diện mạo ĐT còn bề bộn, bất cập…

Đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã quy hoạch và hình thành hệ thống ĐT trên toàn tỉnh, gồm: ĐT trung tâm vùng tỉnh là TP Vĩnh Long (loại II), ĐT trung tâm tiểu vùng phía Nam là TX Bình Minh (loại III), ĐT trung tâm tiểu vùng phía Đông là ĐT Vũng Liêm (loại V) và 5 ĐT trung tâm hành chính của 5 huyện còn lại (loại V).

Trong đó, sự kiện TP Vĩnh Long trở thành ĐT loại II và TX Bình Minh thành ĐT loại III trực thuộc tỉnh là dấu mốc quan trọng, là thành tựu, kết quả nỗ lực phấn đấu không ngừng. Đồng thời, là niềm vinh dự, tự hào của toàn đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long.

“Việc được công nhận ĐT là tiền đề, động lực phát triển cho 2 ĐT nói riêng và từ đó tạo sự lan tỏa cho các ĐT khác trong toàn tỉnh Vĩnh Long nói chung phát triển theo đúng định hướng Chương trình phát triển ĐT tỉnh Vĩnh Long đã được phê duyệt.

Đồng thời, góp phần tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các khu vực theo hướng tăng khu vực dịch vụ, công nghiệp xây dựng và giảm dần khu vực nông nghiệp nhờ vào quá trình ĐT hóa”- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời khẳng định.

Phát huy bản sắc đô thị sông nước

Nhấn mạnh cấu trúc định cư ĐT ĐBSCL theo dạng “thành thị nông thôn” hay “ĐT nông nghiệp” tạo nên bản sắc đặc trưng vùng sông nước, KTS. Phạm Thị Nhâm và ThS. KTS Nguyễn Xuân Anh (Viện Quy hoạch ĐT nông thôn quốc gia) cho biết, yêu cầu ĐT hóa vùng ĐBSCL trong định hướng quốc gia là bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước, gìn giữ hệ sinh thái đa dạng sinh học và thích nghi với BĐKH.

Đồng thời, phát triển ĐT- nông thôn vùng ĐBSCL hiện đại, duy trì giá trị văn hóa lối sống sông nước miệt vườn và nâng cao chất lượng môi trường sống trong các khu định cư ĐT- nông thôn.

Ông Đoàn Thanh Bình cho biết, khai thác cảnh quan sông nước, đặc biệt là tạo khác biệt, hấp dẫn riêng để thu hút du lịch là vấn đề luôn được tỉnh quan tâm.

Theo đó, các dòng sông từng bước được cải tạo, di dời nhà trên sông. Khi phát triển ĐT sẽ giữ lại tối đa các con sông, kinh rạch và đất cây xanh, đất nông nghiệp ven sông tạo mạng lưới cây xanh và mặt nước liên tục trong ĐT.

Chẳng hạn, tuyến kè sông Cổ Chiên dài hơn 9.000m, bắt đầu từ cầu Mỹ Thuận đến cầu Cái Cá đã cơ bản hoàn thành. Hiện trên tuyến kè này đã và đang được xây dựng một số công trình điểm nhấn như công viên cây xanh, hồ nước có biểu tượng chín rồng, vườn tượng bằng đá…

Theo đó, biến khu vực ven sông Cổ Chiên thành trục du lịch, xây dựng trọng điểm du lịch khác biệt so với các thành phố khác trong ĐBSCL. 

Trước đó, công trình kè sông Cổ Chiên khu vực Phường 1 đã được xây dựng, tiếp đó là đoạn kè sông Cổ Chiên khu vực Phường 5 đã hoàn thành, cùng với đó, dự án đê bao chống ngập TP Vĩnh Long- khu vực sông Cái Cá qua Phường 1, Phường 2 và Phường 3 đang được triển khai…

Tuy nhiên, ông Đoàn Thanh Bình cho hay, sau này, ven sông rạch không phải chỉ làm kè mà còn có những giải pháp “mềm” để tạo sự gần gũi thân thiện, giao tiếp giữa sông và bờ, giữa con người với dòng sông như cây xanh, thảm cỏ, cảnh quan kết hợp công viên…

Trong đó, theo định hướng phát triển đến năm 2035, TP Vĩnh Long hướng đến trở thành thành phố xanh ven sông- thành phố trọng điểm giao lưu doanh nghiệp- con người- thiên nhiên- văn hóa lịch sử địa phương, phát triển xanh, bền vững bên dòng sông Cổ Chiên với 3 định hướng chính là hình thành ĐT nông nghiệp, ĐT du lịch và ĐT có môi trường sống chất lượng cao, giàu văn hóa, công trình phúc lợi công cộng, đảm bảo an toàn, yên tâm, cư dân khỏe mạnh.

Còn TX Bình Minh- ĐT ven sông Hậu cũng được xác định phát triển không gian ĐT theo mô hình ĐT ven sông, cấu trúc ĐT tập trung với các trục xuyên tâm, hướng tâm và vành đai mở kết nối cảnh quan đặc trưng sông nước, vườn cây ăn trái.

“Trong tương lai, ĐT Vĩnh Long sẽ được phát triển theo hướng ĐT xanh. Nghĩa là phát triển đảm bảo hài hòa giữa phát triển ĐT, an sinh xã hội và môi trường. Theo đó, các cấp, các ngành tập trung quan tâm để làm sao khai thác cảnh quan sông nước, đặc biệt là tạo đặc trưng riêng thu hút du lịch”- ông Đoàn Thanh Bình khẳng định.

Tỉnh định hướng thị trấn Trà Ôn là ĐT loại IV- phát triển năng động, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc sông nước ở cửa ngõ phía Đông Nam của tỉnh. Cụ thể, không gian ĐT được định hướng hình thành các không gian cây xanh dọc bờ sông, kết hợp các hoạt động văn hóa, giải trí tạo bản sắc riêng của khu vực. Khai thác hệ thống mặt nước hiện có như sông, rạch theo giải pháp đào, nạo vét kinh rạch kết hợp làm đường ven sông tạo cảnh quan… Bên cạnh, hình thành dải cây xanh công viên bờ sông tạo nên tuyến du lịch cảnh quan dọc sông Hậu và sông Trà Ôn. Trong đó, trục cảnh quan dọc sông Hậu, sông Măng Thít định hướng thuận lợi phát triển du lịch sinh thái, phù hợp kiến trúc nhà vườn, nhà biệt thự kết hợp cảnh quan sông nước quy hoạch đất phát triển theo dự án…

Bài, ảnh: SÔNG HẬU