Để làm giàu bền vững với khoai lang

Cập nhật, 14:07, Chủ Nhật, 16/05/2021 (GMT+7)

Bình Tân được mệnh danh là “vương quốc khoai lang” với vùng trồng chuyên canh 13.000 ha/năm, sản lượng khoảng 350.000 tấn/năm. Bao đời bám rễ, giúp nhiều nông dân ăn nên làm ra, cây khoai lang không chỉ thể hiện khát khao làm giàu bền vững của nông dân mà còn được xác định là cây trồng chủ lực của huyện Bình Tân và của tỉnh Vĩnh Long. Dù vậy, bài toán sản xuất và tiêu thụ khoai lang còn nhiều trăn trở.

Nhìn từ thực tế sản xuất, tiêu thụ khoai lang để thấy “nhiều nét lớn” trong bức tranh chung về nông sản thế mạnh địa phương, của vùng và cả nước đặt ra nhiều vấn đề cần những giải pháp căn cơ, bền vững. Đó là, làm thế nào để người nông dân làm giàu bền vững với khoai lang?

Kỳ 1: Khi tôi lớn lên đã thấy… khoai ngoài rẫy

Vợ chồng chú Bảy Sáng- một trong những hộ trồng khoai lâu năm ở kênh Mười Thới đi thăm đồng.
Vợ chồng chú Bảy Sáng- một trong những hộ trồng khoai lâu năm ở kênh Mười Thới đi thăm đồng.

“Khi tôi lớn lên đã thấy khoai ngoài rẫy”- ông Nguyễn Hoàng Anh- Chủ tịch UBND xã Tân Thành (Bình Tân) nói vậy khi bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về “kênh Mười Thới- vùng trồng khoai nức tiếng xưa nay”. Trải qua bao thăng trầm, cây khoai lang đã hiện diện, đồng hành và gắn bó với người dân xứ rẫy qua những tháng năm đời người.

Về “vùng trồng khoai nức tiếng xưa nay”

Chúng tôi đến kênh Mười Thới, giăng giăng những ruộng khoai “thẳng cánh cò bay” với màu xanh mướt mắt. Trước đây con kênh này thuộc xã Tân Quới. Qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, đến nay kênh thuộc địa phận ấp Tân Mỹ, Tân Dương (xã Tân Thành) và ấp Tân Phú (xã Tân Bình).

Theo người dân xứ rẫy, kênh Mười Thới là vùng trồng khoai có tiếng từ miền Tây tới Sài Gòn, nói tới khoai Mười Thới (khoai Tân Quới) là “người ta mê”. Đặc biệt, “đâu trúng thì trúng cũng không bằng Mười Thới, đâu lỗ nhiều chứ khoai Mười Thới hiếm khi bị lỗ”- ông Nguyễn Hoàng Anh nói vậy và cho biết thêm, một phần do đất mỡ gà, lại thêm nông dân “kinh nghiệm đầy mình” và còn do trồng đất nhà nên đỡ chi phí đầu tư. Đa phần nông dân ở đây là trồng khoai lâu năm, “nối dây” từ đời này sang đời kia, không ít hộ đã trồng khoai ba đời và rất nhiều trong số đó đã trở thành tỷ phú.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, hàng năm, sau khi xong vụ lúa (tháng 11- 12 âl) thì cuốc khoai, đến tháng 4- 5 âl thì thu hoạch. Lúc đầu, nông dân chủ yếu trồng khoai lang trắng. Về sau, có khoai bí đường đỏ, bí đường xanh, Như Ngọc…

Năm 2020, Tân Thành có 1.850ha khoai, phổ biến mỗi hộ trồng 6- 10 công, trong đó “người trồng nhiều nhất xã là anh Dũng khoai với hơn 110 công”- Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết và thông tin thêm: kênh Mười Thới xưa giờ vẫn trồng một vụ khoai- một vụ lúa, nhưng có thay đổi là xưa trồng lúa mùa rồi mới tới khoai, nay thì trồng khoai trước: “Những năm gần đây, cứ giữa tháng 10 qua đầu tháng 11 âl, bà con tận dụng phù sa sau khi xả lũ để trồng khoai”.

“Quê gốc ở xã Thành Lợi, sát kênh Miễu Bà”, ông Phùng Văn Phúc (sinh năm 1965)- chuyên viên Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân cho biết: trước giải phóng, cây khoai lang được trồng đầu tiên ở xã Tân Quới. Đến năm 1980, khoai vẫn được trồng với diện tích nhỏ, tập trung ở tuyến kênh Câu Dụng (kênh Miễu Bà) và kênh Mười Thới. Cây khoai phát triển mạnh những năm 1995- khi có giống mới tím Nhật, nhưng chủ yếu được trồng ở bờ kênh hoặc xen trong vườn, rầm rộ nhất là khi hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, khép kín (khoảng năm 2007) và khi “khoai đi được ra nước ngoài” thì bà con đưa khoai xuống ruộng.

Đến vùng trồng tập trung

Nhấp ngụm nước dừa xua tan cái nóng, ông Phan Ngọc Sáng (Bảy Sáng), sinh năm 1950, ở ấp Tân Dương (xã Tân Thành)- một trong những hộ trồng khoai lâu đời ở kênh Mười Thới nhớ lại: “Từ thời cha tui đã có trồng khoai, tui làm quen với khoai từ năm 12 tuổi…”. Ký ức về “buổi đầu trồng khoai” như ùa về, ông kể: Hồi xưa, bà con chủ yếu qua Cồn Sơn bứt dây khoai gài tự mọc ngoài bãi về trồng. Thu hoạch lúa mùa xong thì cuốc khoai, chủ yếu ở dạt đất mẫu của kênh Mười Thới. Ông Tám Bụng Sinh là người cuốc trước, rồi mọi người gầy ra cuốc sau. Mỗi hộ chỉ cuốc tối đa 2 công đất. Lúc đó, bà con trồng khoai bí đế- củ dài đẹp lắm!

“Một số hộ trồng khoai để thay đổi bộ rễ, trồng lúa lại rất trúng”- ông Bảy Sáng kể và cho biết: “Lúc đó, chưa có máy xới, nông dân trồng khoai phải cuốc đất đặc, mỗi công cần 10- 12 người cuốc. Tới lúc dở khoai thì rong dây, đánh mép một bên rồi giựt giồng ra, lụm khoai đựng vô thúng giê, thúng giạ rồi vác vai hoặc đội đầu đem vô. Bà con hàng xóm làm dần công với nhau”.

Lúc đầu, bà con trồng khoai năng suất không cao do lấy cọng dây khoai dài quá (cỡ 2- 3m/dây). Thời gian sau, chuyển sang lấy củ giâm ra để trồng trên bờ mô khổ qua. Dần dần, xẻ mương nhỏ, cứ mỗi bờ 5 tầm thì xẻ một cái mương, dây khoai cắt khoảng 2,2 tấc trở lại, 1 công trồng khoảng 1,8- 2 muông (cỡ 90 hom).

Khoai lang còn tạo nhiều việc làm cho người dân.
Khoai lang còn tạo nhiều việc làm cho người dân.

Nhắc đến chuyện tưới khoai, ông Bảy Sáng khom lưng chỉ vào cổ, vợ ông Bảy nói vui: “ổng gánh nước tưới khoai riết “nổi ụ chai” vậy đó”. Sáng hai vợ chồng tưới khoai xong thì đi trồng, cuốc khoai thuê, về lại tưới. “Làm tới nỗi áo không kịp khô nhưng vẫn không hiệu quả. Sau rút kinh nghiệm tưới 1 lần cho thiệt ướt, có đủ độ ẩm dây không hư, lên chồi nhiều, rễ nhiều thì cho củ nhiều, năng suất mới cao”- ông Bảy Sáng nói- “trước đây, xứ này hộ nghèo nhiều lắm, từ khi cây khoai lang bén rễ thì đời sống bà con đi lên rõ rệt”.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân, khoai lang tím Nhật chiếm 90% diện tích, còn lại là khoai đỏ, khoai sữa và khoai trắng. Khoai lang được trồng nhiều nhất ở xã Tân Thành (1.600- 1.800 ha/năm), kế tiếp là Thành Trung, Tân Hưng…

Ông Trương Thành Dãnh- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết, diện tích trồng khoai lang của Bình Tân khoảng 13.000ha/năm, sản lượng 350.000 tấn/năm. Với điều kiện canh tác thuận lợi như thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, nông dân trồng khoai có kinh nghiệm và kỹ thuật, sản xuất quy mô tập trung, Bình Tân cũng là một trong những địa phương có diện tích trồng khoai lớn nhất cả nước.

Chủ tịch UBND huyện Bình Tân- Nguyễn Văn Tập: 

 

“Lợi thế của huyện là có nguồn nước sông Hậu dồi dào, người dân cần cù, chịu thương chịu khó…”. Đến nay, Bình Tân có số lượt nông dân được tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc, nông dân sản xuất giỏi toàn quốc nhiều nhất tỉnh.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI