Nguy hại từ đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc

Cập nhật, 05:11, Thứ Sáu, 02/10/2020 (GMT+7)

 

Đồ chơi trẻ em “trắng thông tin” còn xuất hiện nhiều.
Đồ chơi trẻ em “trắng thông tin” còn xuất hiện nhiều.

Màu sắc bắt mắt, mẫu mã đẹp, đặc biệt giá cả rất rẻ, chỉ từ vài ngàn đồng cho đến vài chục ngàn đồng, đồ chơi trẻ em không có nguồn gốc vẫn xuất hiện rất nhiều trên thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn không ít phụ huynh và trẻ em mua những mặt hàng này mà không quan tâm đến sức khỏe, độ an toàn.

Đồ chơi trẻ em “trắng” thông tin

Đồ chơi trẻ em có tác dụng giúp trẻ giải trí, tiêu khiển, phát triển kỹ năng, vận động, giúp kích thích não bộ phát triển.

Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, vẫn còn xuất hiện nhiều loại đồ chơi “n không”: không nguồn gốc, xuất xứ, không phụ đề tiếng Việt, không hướng dẫn sử dụng, không hạn dùng, không phân biệt lứa tuổi cho trẻ,...

Ghi nhận tại nhiều chợ, nhất là ở các chợ nông thôn, các loại đồ chơi sặc sỡ, không tem mác được tiểu thương bày bán khá nhiều. Nổi bật phải kể đến các loại búp bê, kiếm, súng, viên phát sáng,... mà hầu hết các mặt hàng này có giá “rẻ bèo” và đều không có nhãn mác.

Trong khi một số loại có chữ Trung Quốc trên bao bì hoặc in trực tiếp trên sản phẩm dòng chữ “Made in China”, còn phần lớn là đồ chơi “trắng” thông tin khiến người tiêu dùng không thể biết nguồn gốc, xuất xứ.

Trong vai người mua, hỏi mua súng nhựa tại chợ thị trấn Cái Nhum (Mang Thít), chúng tôi được cô chủ tiệm đon đả giới thiệu súng màu đen có giá 30.000đ đang được bày bán.

Khi thấy súng không có tiếng Việt chỉ có vài dòng tiếng Trung Quốc, hỏi có hàng trong nước sản xuất không thì cô chủ tiệm trả lời “loại này nhiều người mua, bán chạy lắm”. Hỏi cách chơi như thế nào thì cô khó chịu trả lời “bán chứ có chơi đâu mà biết, mua rồi tự nghiên cứu”.

Khi bày tỏ thái độ lo ngại hàng không rõ nơi sản xuất, không có thông tin trên sản phẩm và hỏi mua sản phẩm khác trong nước sản xuất thì cô chủ tiệm bực dọc: “Ở đây toàn đồ vậy thôi, giá rẻ có mấy chục ngàn đồng, con nít chơi vài ngày bỏ rồi, chứ ai quan tâm được đến chất lượng, ảnh hưởng thế nào. Mua được thì mua, không mua được thì thôi”.

Tiểu thương lơ là nguồn gốc để dễ bán, trong khi không ít phụ huynh “dễ” cách lựa chọn hơn bởi không quá chú trọng đến độ an toàn cho trẻ mà chỉ xem giá rẻ, kiểu dáng thế nào, màu sắc bắt mắt hay không.

Đang dẫn con đi mua đồ chơi, anh Lê Văn Hưng (xã Chánh An- Mang Thít) nói: “Trẻ em chơi vài ngày là chán, mua chi mắc, chắc cũng không ảnh hưởng gì nên tôi thấy cái nào con thích thì mua, rẻ là được”.

Thời gian qua, ngành chức năng đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển, mua bán sản phẩm đồ chơi trẻ em độc hại nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng.

Ông Lê Thanh Phong- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh- cho biết: Thời gian qua, kiểm tra trên khâu lưu thông và tại các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn tỉnh, Cục Quản lý thị trường đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển hàng hóa nhập lậu, không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, trong đó có nhiều mặt hàng là đồ chơi trẻ em.

Cẩn trọng khi chọn đồ chơi cho trẻ

Ngành chức năng tiêu hủy nhiều đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Ngành chức năng tiêu hủy nhiều đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo ngành chức năng, đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng hoặc những đồ chơi không qua kiểm định bị coi là nguy hiểm, vì chúng thường được sản xuất từ nhựa tái chế được bơm tẩm chất phụ gia, chất tạo màu công nghiệp.

Trong đó, nhóm đồ chơi độc hại thường tập trung vào những nhóm như đồ chơi phát sáng, chạy pin, đồ chơi vũ khí, đồ chơi bằng bông, các loại miếng dán,...

Những đồ chơi này ngoài làm bằng chất liệu tái chế còn trộn thêm hạt nhựa công nghiệp, chất phụ gia, màu công nghiệp, có nhiều chất hóa học, kim loại nặng, rất độc hại. 

Nếu sử dụng trong thời gian dài, những chất này xâm nhập vào cơ thể bằng cách tiếp xúc qua da, đường miệng, hoặc thông qua đường hô hấp sẽ khiến trẻ dễ mắc các nguy cơ về ngộ độc, rối loạn chức năng hay vô sinh hoặc thậm chí có thể bị ung thư.

Để ổn định thị trường đồ chơi trẻ em, nhất là trong các dịp lễ, tết, ông Lê Thanh Phong cho biết: Tết Trung thu, bên cạnh mặt hàng bánh trung thu thì ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng đồ chơi trẻ em.

Phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em; đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng; đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực nhập lậu; kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và các quy định khác của pháp luật trong quản lý mặt hàng đồ chơi trẻ em.

Bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng chức năng, người tiêu dùng cũng cần thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng, không vì ham mua đồ chơi rẻ mà làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Khi chọn đồ chơi cho con trẻ, phụ huynh nên lưu ý tới nhãn mác, xuất xứ, thành phần của sản phẩm. Tốt nhất là bằng gỗ.

Nếu là nhựa thì cần phải kiểm tra xem nó có chứa các kim loại nặng như asen, chì, thủy ngân,... gây hại cho trẻ hay không. Nên chọn các thương hiệu đồ chơi uy tín, chất lượng.

Trong trường hợp sau khi tiếp xúc với các loại đồ chơi trẻ có dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn, mẩn ngứa,... phụ huynh cần ngừng ngay việc cho con chơi những món đồ chơi đó và cho trẻ đến các cơ sở y tế khám nếu các dấu hiệu không thuyên giảm, tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

 Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN