Bộ Công Thương khẳng định sẽ bảo đảm đủ điện trong năm 2019

Cập nhật, 15:24, Thứ Tư, 05/12/2018 (GMT+7)

Nhu cầu điện năng tăng cao cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nên để hóa giải nguy cơ thiếu điện cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra ngày 3/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến nhiệm vụ xây dựng Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Trong đó, Thủ tướng đặc biệt yêu cầu Bộ Công Thương phải có biện pháp bảo đảm đủ điện cho sản xuất, đời sống của người dân với thái độ cương quyết: “Không để thiếu điện trong năm 2019, nếu để mất điện, một số đồng chí sẽ mất chức”.

Áp lực từ nhu cầu điện tăng cao

Sở dĩ Thủ tướng đề cập đến chuyện thiếu điện dẫn đến nguy cơ sẽ phải cắt điện luân phiên là xuất phát từ một số thông tin cho thấy, nhu cầu tiêu thụ điện của các hộ tiêu dùng điện năm 2018 gia tăng đột biến.

Báo cáo mới nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ rõ, trong 10 tháng đầu năm 2018 sản lượng toàn hệ thống đạt 182,6 tỷ kWh, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN tháng 10 ước đạt 16,27 tỷ kWh, lũy kế 10 tháng năm 2018 ước đạt 159,3 tỷ kWh, tăng 9,78% so cùng kỳ năm trước.

Nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao gây nguy cơ thiếu điện và tạo áp lực cho nguồn cung điện ở Việt Nam những năm tới. (Ảnh minh họa)
Nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao gây nguy cơ thiếu điện và tạo áp lực cho nguồn cung điện ở Việt Nam những năm tới. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, do EVN phải khai thác tối ưu đồng thời thủy - nhiệt điện, đảm bảo yêu cầu cấp nước hạ du, đảm bảo mục tiêu tích nước cuối năm 2018 và chuẩn bị cung cấp điện cho mùa khô 2019, nhưng các hồ thủy điện khu vực miền Trung và miền Nam hiện tại nước về kém nên sản lượng huy động được thấp hơn kế hoạch dự kiến. 

Ngoài ra, theo dự báo nhu cầu tiêu thụ than sử dụng cho nhiệt điện trong nước năm 2019 đối với nguồn than do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cung cấp sẽ tiếp tục tăng cao. 

Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Tổng Giám đốc TKV cho biết, có rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo kế hoạch cung cấp than cho nhà máy điện, bởi các nhà máy điện thiếu các cam kết,

hợp đồng cung cấp than dài hạn và giá bán than cho điện thấp hơn giá thị trường gây ảnh hưởng lớn tới kế hoạch nhập khẩu than để phối trộn.

Hơn nữa, theo ông Trần Việt Anh, Trưởng ban Chiến lược, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện nhiều dự án trong Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh đang chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng cung ứng điện các năm tiếp theo.

Bảo đảm đủ điện năm 2019

Dự kiến năm 2019 sẽ là năm khô hạn cho nguồn thủy điện nên việc huy động các nguồn điện khí, nhiệt điện là rất lớn, và điều này tất yếu sẽ tăng chi phí sản xuất điện, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) dự báo rằng, tại một số thời điểm căng thẳng về nguồn điện trong năm 2019, ngành điện sẽ phải huy động thêm nguồn dầu và như vậy tất yếu chi phí sản xuất điện sẽ tăng cao hơn.

“Cục Điều tiết điện lực đã phải tính đến việc sử dụng dầu và than nhiều hơn cho sản xuất điện, từ đó đề nghị PVN, TKV cũng như các chủ đầu tư xây dựng các phương án cung cấp nhiên liệu phục vụ cho sản xuất điện để đảm bảo khả năng nguồn cung điện trong năm 2019 không bị thiếu hụt”, ông Tuấn cho biết.

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, “EVN sẽ cố gắng đảm bảo nguồn cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt trong năm 2019. Trong trường hợp phải huy động thêm nguồn nhiên liệu dầu để phát điện”, ông Tri nhấn mạnh.

Để làm tốt công tác cung ứng điện trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Phó Tổng Giám đốc TKV - ông Nguyễn Hoàng Trung đề xuất, cần sớm có chính sách giá đối với than pha trộn từ than nhập khẩu với than trong nước sản xuất để TKV và Tổng công ty Đông Bắc chủ động tính toán phương án nhập khẩu than, đảm bảo nhu cầu cho các nhà máy điện ngay từ đầu năm 2019.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, để đảm bảo an ninh năng lượng, đặc biệt là nguồn điện, thời gian tới cần rà soát lại các dự án điện, khí và than, trong đó cần chỉ rõ dự án nào chậm tiến độ để khắc phục ngay,

dự án nào chưa khởi động thì triển khai và kiên quyết phải giao nhiệm vụ, kế hoạch, giải pháp thực hiện để các đơn vị tháo gỡ khó khăn.

Về cung ứng than cho điện, ông Ngãi cho rằng, phải cân đối được tỷ lệ nguồn điện để từ đó có các giải pháp phù hợp. Riêng với cung ứng than, phải có chiến lược cho việc nhập khẩu than, đảm bảo có vốn lớn cũng như cơ sở hạ tầng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Đỗ Thắng Hải, có thực tế là nhiều hồ thuỷ điện ở miền Trung và Tây Nguyên đang xảy ra tình trạng khô hạn, mực nước thấp hơn mức trung bình nhiều năm làm ảnh hưởng đến việc chuẩn bị cho kế hoạch cung cấp điện năm 2019.

“Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN tính toán phương án cung ứng điện theo 4 kịch bản và cả 4 phương án cho thấy hệ thống đều bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh cùng nhu cầu của người dân trong năm 2019.

Trong một số trường hợp ngành điện sẽ phải huy động từ 2-7 tỷ kWh từ các nguồn điện dầu, dẫn đến giá thành điện có thể đắt hơn nhưng Bộ Công Thương khẳng định sẽ bảo đảm đủ điện trong năm 2019”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ./.

Theo VOV