Blog thị trường

Mía đường lại đứng ngồi không yên

Cập nhật, 21:41, Thứ Sáu, 21/09/2018 (GMT+7)

Ngành mía đường được nhận định đang bước vào giai đoạn khó khăn nhất trong 15 năm trở lại đây và là thời kỳ khó khăn thứ hai kể từ khi ngành được thành lập.

Kết thúc năm tài chính 2017- 2018, hàng loạt doanh nghiệp mía đường công bố những con số ảm đạm về tình hình hoạt động kinh doanh của mình. Có thể nói, năm 2018, lịch sử lặp lại khi ngành mía đường đang ở điểm trũng với khó khăn chồng chất.

Trong khi nhiều công ty mía đường đồng loạt công bố doanh số suy giảm, thì số liệu của Bộ Nông nghiệp- PTNT cũng cho thấy, tồn kho của ngành mía đường đang ở mức cao ngất ngưởng. Nếu niên vụ 2015- 2016, có giai đoạn tỷ lệ tồn kho lên tới 70% thì trong niên vụ 2016- 2017, tình trạng tồn kho vẫn tiếp diễn theo chiều hướng xấu. Tình trạng dư cung kèm cầu yếu đã khiến tiêu thụ đường gặp khó khăn, giá bán sụt giảm.

Còn theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trên thị trường thế giới, giá đường trắng tháng 7/2018 giảm 17,75 USD/tấn so với tháng trước đó, xuống 317,85 USD/tấn (trong khi mức trung bình các năm 2016 là 498,13 USD/tấn, năm 2017 là 432,07 USD/tấn). Nguyên nhân giá đường giảm mạnh được cho là sản lượng đường sản xuất toàn cầu niên vụ vừa qua tăng 10,3%, cao hơn so với mức tăng 2% của nhu cầu tiêu thụ.

Dự báo cung cầu cho thấy, niên vụ tới, nguồn cung đường trong nước còn tiếp tục dư thừa, trong khi nguồn cung đường trên thế giới vẫn còn thừa gần 7 triệu tấn, vì vậy việc khôi phục của giá đường có thể sẽ chậm.

Trước sức ép cạnh tranh trong hội nhập, theo các nhà chuyên môn, các nhà máy đường cần có nhìn nhận, đánh giá chính xác thị trường để có kế hoạch sản xuất, tiêu thụ hợp lý trong thời gian tới. Cùng với mặt hàng đường cát, khuyến khích các nhà máy đa dạng hóa sản phẩm; nhanh chóng quy hoạch lại đồng mía, thực hiện cơ giới hóa, áp dụng máy móc để tiết giảm sức lao động và chi phí.

Bido2_40.com