Tiếp thị "mát mẻ" tại siêu thị: Điện máy Trần Anh có thể bị phạt tới 40 triệu đồng

Cập nhật, 17:09, Thứ Sáu, 29/04/2016 (GMT+7)

Theo luật sư Trương Anh Tú, các tổ chức có hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam có thể bị phạt tiền cao nhất lên tới 40.000.000 đồng.

Sự kiện chiều ngày 28/4 diễn ra tại siêu thị Điện máy Trần Anh (địa chỉ số 18 đường Phạm Hùng, Hà Nội) là một trong những sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều người đánh giá đây là những “chiêu trò” quảng cáo hoặc “chơi trội” quá mức dẫn đến việc quảng cáo vi phạm thuần phong mỹ tục

Liên quan đến sự việc, trao đổi với PV Pháp luật Plus sáng nay, luật sư Trương Anh Tú - Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Trong chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh thì quảng cáo, tiếp thị là một khâu rất quan trọng đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

Quảng cáo càng độc đáo, càng mới lạ, đánh được vào thị hiếu của người tiêu dùng thì sản phẩm sẽ càng tiêu thụ nhiều, do đó, sẽ không ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều quảng cáo, tiếp thị khác thường, thậm chí đi “lệch” khỏi những chuẩn mực đạo đức cũng như quy định của pháp luật. Vụ việc diễn ra tại siêu thị điện máy Trần Anh có lẽ cũng là một trong những trường hợp đi lệch này.

"Theo quy định tại Điều 8, Luật quảng cáo năm 2012 thì những hành vi sau đây bị cấm trong hoạt động quảng cáo: “3. Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam. 4. Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.” Theo truyền thống của đất nước ta, khỏa thân hoặc mặc đồ lót tại nơi công cộng, nơi hội họp đông người … là những hành vi phản cảm," Luật sư Tú cho biết.

Theo luật sư, hành vi này đã từng trong danh sách bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định khoản 1 Điều 10 Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 với mức Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng. Mặc dù việc xử phạt đối với hành vi này đã được bãi bỏ trong nghị định 163/2013/NĐ-CP nhưng cũng không thể phủ nhận rằng mặc đồ lót, khỏa thân nơi công cộng là một hành vi không đẹp, trái với thuần phong, mỹ tục của nước ta.Do đó,những cô gái trong trang phục “không thể hở hang hơn”, tiếp đón, tư vấn tại siêu thị điện máy Trần Anh chiều ngày 29/4 vừa qua nhằm mục đích để bán sản phẩm là một hình thức quảng cáo nhưng hành vi quảng cáo này lại thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống văn hóa, đạo đức.

Siêu thị Trần Anh
Siêu thị Trần Anh "chơi trội" có thể bị phạt rất cao (ảnh M,H).

Luật sư Trương Anh Tú cũng cho biết: Tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 51, Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo: “4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: c) Quảng cáo có nội dung tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em; d) Quảng cáo có nội dung trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.”

Bên cạnh vi phạm quy định về quảng cáo thì hành vi mặc trang phục phản cảm còn thể hiện cho cách ứng xử thiếu văn minh tại nơi công cộng. Hà Nội là thủ đô của đất nước, vốn nổi tiếng với nét thanh lịch, duyên dáng từ ngàn xưa. Hiện nay, Đảng và Nhà nước, các tổ chức đang cố gắng tuyên truyền xây dựng, giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội.

Luật Thủ đô năm 2012 cũng đã quy định trách nhiệm của người dân “6. Người dân Thủ đô có trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tích cực tham gia xây dựng chính quyền, nếp sống văn minh, thanh lịch, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô”. Do đó việc mặc đồ lót của các cô gái tại siêu thị điện máy Trần Anh đã ít nhiều ảnh hưởng đến cả nỗ lực xây dựng nếp sống văn minh thanh lịch này.

Chúng ta hiểu rằng: người sản xuất, kinh doanh bao giờ cũng đặt lợi nhuận lên hàng đầu, việc tiêu thụ sản phẩm là sự sống còn trong hoạt động này tuy nhiên cũng không vì thế mà bỏ quên lợi ích của cộng đồng, của chính người tiêu dùng. Quảng cáo là một hành vi gây ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm, quan trọng hơn nó có thể gây tác động trực tiếp đến tâm sinh lý của con người đặc biệt là đối với trẻ em và ảnh hưởng đến chính hình ảnh của các hãng sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, các tổ chức cá nhân cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng.

Theo PL+