Sản phẩm địa phương tìm đường ra thế giới

Cập nhật, 14:30, Thứ Năm, 14/04/2016 (GMT+7)

“Phát triển bao bì sản phẩm hướng đến xuất khẩu và kênh bán hàng” là chủ đề của buổi họp mặt hội viên CLB Sản phẩm đặc trưng ĐBSCL được tổ chức vừa qua. Tại đây, nhiều doanh nghiệp rất quan tâm đến việc xuất khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài.

Sản phẩm của Vĩnh Long đến với người tiêu dùng Campuchia.
Sản phẩm của Vĩnh Long đến với người tiêu dùng Campuchia.

Công ty TNHH Vạn Đạt (TP Hồ Chí Minh) là một doanh nghiệp chuyên cung cấp sản phẩm cá ba sa tẩm gia vị sang thị trường Trung Quốc.

Là người có nhiều kinh nghiệm thâm nhập thị trường này, bà Phan Gia Mẫn- Giám đốc công ty cho biết: Bước đầu để bán được sản phẩm, doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu thị trường, đặc biệt là nghiên cứu hành vi của các doanh nghiệp và thói quen tiêu dùng của người dân Trung Quốc.

 Nếu là nông sản thực phẩm thì nghiên cứu cả khẩu vị của người bản xứ để bán hàng hiệu quả hơn. Việc nắm bắt được những thông tin này sẽ giúp doanh nghiệp có phương án cung cấp hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường.

Doanh nghiệp cùng ngành nghề cần liên kết chặt chẽ với nhau đặc biệt là khi ra thị trường nước ngoài, ưu tiên sử dụng những sản phẩm, dịch vụ của nhau để nâng đỡ nhau cùng trụ vững và phát triển trên đất khách.

Theo bà Phan Gia Mẫn, thị trường Trung Quốc hiện đang chuộng sản phẩm cà phê, hạt ngũ cốc sấy giòn,… Tuy nhiên, đây không phải là sản phẩm thế mạnh của ĐBSCL.

Hiện nay, sản phẩm ngó sen đông lạnh đang được người tiêu dùng Trung Quốc tìm kiếm từ thị trường Việt Nam. Nếu doanh nghiệp có thể có khả năng cung cấp sản phẩm này thì tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là rất lớn. Nhưng cũng lưu ý rằng, hiện ngó sen đông lạnh khó có thể bảo quản lâu và khi rã đông lại không giữ được phẩm chất như ban đầu, do đó cần đầu tư công nghệ để đáp ứng nhu cầu này.

Liên quan đến vấn đề bảo quản sản phẩm xuất khẩu, ông Đinh Công Hoàng- Chủ nhiệm Tổ hợp tác Tàu hủ ky Mỹ Hòa (TX Bình Minh) cho rằng hiện tổ hợp tác cũng gặp khó trong việc bảo quản sản phẩm tàu hủ ky để xuất khẩu bởi sản phẩm chỉ có thể tồn trữ không quá nửa tháng.

Cục Sở hữu trí tuệ đã công nhận nhãn hiệu tập thể “Tàu hủ ky Mỹ Hòa- Bình Minh”. Hiện làng nghề truyền thống này của Vĩnh Long có 34 hộ đang theo nghề. Mỗi ngày sản xuất khoảng 3 tấn tàu hủ ky gồm nhiều loại như: tàu hủ miếng lớn, tàu hủ ky cọng khô, cọng non, tàu hủ ky ướp muối,…

Tàu hủ ky là nguyên liệu để làm nhiều món ăn cả chay lẫn mặn lạ miệng nên “Tàu hủ ky Mỹ Hòa” được thị trường miền Tây, miền Đông Nam Bộ ưa chuộng. Ông Đinh Công Hoàng bày tỏ mong muốn mở rộng thị trường cho sản phẩm tàu hủ ky vào các siêu thị và xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp An Giang cho biết, hàng thủ công mỹ nghệ ở An Giang rất đa dạng, nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp An Giang chỉ có thể giao dịch biên mậu với doanh nghiệp Trung Quốc chứ chưa tìm được đối tác phân phối.

Để chủ động tìm kiếm thị trường ngoài nước, nhiều doanh nghiệp đã tham gia các buổi kết nối giao thương, hội chợ triển lãm để mở rộng kênh phân phối.

Ông Nguyễn Chí Thiện- Chủ Cơ sở sản xuất tương Phước Khang (Phường 3- TP Vĩnh Long) phấn khởi cho biết: Thông qua hội chợ triển lãm thương mại tại tỉnh Kampong Speu (Campuchia) vừa qua, sản phẩm tương Phước Khang đã được người tiêu dùng Campuchia đón nhận rất tích cực, qua đó cơ sở cũng đã tìm được đầu mối tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới.

Hội chợ triển lãm thương mại Kampong Speu 2016 vừa diễn ra từ ngày 15- 19/3, có 4 doanh nghiệp Vĩnh Long tham gia với các mặt hàng như: khoai lang, nước chấm, trứng muối, bánh kẹo và rau an toàn. Đây cũng là lần thứ 4 liên tiếp các doanh nghiệp của Vĩnh Long tìm kiếm đối tác, trao đổi thông tin, xúc tiến thương mại, hợp tác và xây dựng phát triển thị trường.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ĐBSCL giới thiệu sản phẩm, bà Phan Gia Mẫn gợi ý các doanh nghiệp hội viên CLB Sản phẩm đặc trưng ĐBSCL có thể gửi sản phẩm mẫu để Vạn Đạt giới thiệu đến khách hàng nước ngoài thông qua showroom của công ty tại TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, thông qua hệ thống thương mại điện tử của doanh nghiệp cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp ĐBSCL ứng dụng công nghệ này.

Ông Nguyễn Phương Lam- Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, Chủ nhiệm CLB Sản phẩm đặc trưng ĐBSCL cho biết, sắp tới hệ thống thương mại điện tử sẽ đầu tư và ứng dụng để hỗ trợ hội viên mở rộng kênh bán hàng và tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn.

Bên cạnh những nỗ lực quảng bá thương hiệu, cải tiến bao bì, nhãn mác sản phẩm cũng như đẩy mạnh kết nối giao thương, mở rộng kênh phân phối, giới thiệu sản phẩm… thì việc ứng dụng thương mại điện tử sẽ là cầu nối giúp sản phẩm địa phương tiếp cận với người tiêu dùng trong và ngoài nước dễ dàng hơn.

 

 

Bà Geraldine Pasqual- cố vấn Tổ chức tư vấn tình nguyện Australia: Để có thể mở rộng sang thị trường nước ngoài, doanh nghiệp cần đến sự hỗ trợ của tư vấn pháp lý để đảm bảo việc tuân thủ luật pháp của nước nhập khẩu.

 

Theo đó, doanh nghiệp và bộ phận tư vấn pháp lý cần liên tục cập nhật các thay đổi trong luật của thị trường các nước. Đối với ngành hàng thực phẩm thì bộ phận tư vấn khoa học cũng cần cập nhật các vấn đề về sức khỏe và yêu cầu dinh dưỡng.

 

Bên cạnh, cần quản lý tốt nguồn lực để đáp ứng được chi phí của việc thực hiện những tiêu chuẩn cho xuất khẩu.

 

Bài, ảnh: LÊ SƠN