Chăn nuôi sử dụng chất cấm có thể bị phạt tù

Cập nhật, 13:59, Thứ Sáu, 08/04/2016 (GMT+7)

Chợ chiều trước Khu công nghiệp Hòa Phú, hàng ngàn công nhân đổ xô mua cá, thịt, rau… sau giờ làm việc. Chen lấn mua rồi vội vã lên xe về nhà trọ hối hả nấu bữa cơm tối.

Họ không có nhiều tiền và thời gian để lựa chọn món hàng tươi nhất, ngon nhất, mà chỉ mua cho… có ăn là được! Vậy nên khó có thể bảo đảm món rau thịt đó có đảm bảo sức khỏe chồng con, gia đình mình hay không?

Thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày có an toàn? Đó là một câu hỏi mà bất kỳ bà nội trợ nào cũng luôn tự đặt ra mỗi ngày khi xách giỏ đi chợ, nhưng cũng thật khó trả lời, bởi hiện nay chúng ta đang “sống chung” với nó.

Làm sao không lo âu cho được, vì gần như ngày nào trên báo đài cũng nhan nhản thông tin thực phẩm bẩn. Nào là thịt heo chứa chất cấm tạo nạc, cá biển ướp urê, rau củ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cao… Nghe mà rùng mình, hồi hộp từ ngoài chợ lên tới bàn ăn.

Hiện nay tình trạng lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi quá nhiều. Ngành chức năng cũng thừa nhận, việc mua bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi càng trở nên tinh vi, khó phát hiện, các chế tài xử phạt còn thấp, không đủ sức răn đe, nên một số cơ sở chăn nuôi vì lợi nhuận vẫn tiếp tục sử dụng chất cấm.

Nhưng đáng mừng là tới đây, theo các quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi) có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016, các hành vi dùng chất cấm, ngay cả khi chưa xác định được hậu quả nghiêm trọng, sẽ bị phạt tù từ 1- 5 năm. Nếu có tình tiết tăng nặng, hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi có thể xử phạt tù lên đến 20 năm.

Hy vọng với việc nâng cao khung hình phạt, cùng các biện pháp quản lý chặt chẽ quy trình nhập khẩu và sử dụng chất thuộc nhóm beta-agonist, tình trạng sử dụng chất tạo nạc cấm sẽ được kiểm soát.

Bido2_40.com