ĐÒN BẨY VỐN TÍN DỤNG CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Điểm tựa phải vững...

Cập nhật, 13:10, Thứ Năm, 28/11/2013 (GMT+7)

“Vốn tín dụng là đòn bẩy cho phát triển kinh tế. Nhưng đòn bẩy sẽ trở thành “đòn gánh” thậm chí là… “đòn thọt” nếu doanh nghiệp (DN) không có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả”- Tiến sĩ Lê Thẩm Dương- Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh (Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh) nhận định như trên tại hội thảo Hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL.

Xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả tạo điểm tựa vững chắc để DN tiếp cận và phát huy hiệu quả vốn tín dụng.


DN phải nỗ lực tự cứu mình

Lý giải điều này, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cho biết: Cái khó hiện nay là DN khó tiếp cận vốn tín dụng. Tuy nhiên, việc có được đòn bẩy này chưa chắc giúp được DN vượt qua khó khăn nếu bản thân DN không cải thiện trình độ quản lý, quy mô sản xuất cũng như phương thức liên kết sản xuất. Đây cũng là điểm tựa để DN tiếp cận vốn và phát huy hiệu quả sử dụng vốn tín dụng từ ngân hàng.

Thực tế cho thấy, sự thua lỗ, hoạt động cầm chừng trong thời gian dài đã khiến nhiều DN đánh mất điểm tựa và đang “ăn vào vốn tự có”, thu hẹp quy mô hoặc hoạt động cầm chừng để chờ cơ hội. Thậm chí, nhiều DN phải bán tài sản để trang trải các khoản nợ.

Theo thống kê, số lượng DN phải dừng hoạt động, giải thể năm 2012 của Vĩnh Long là 142 DN, riêng 9 tháng năm 2013 là 53 DN. Tuy nhiên, đây chỉ là số DN đã được thông báo đến cơ quan cấp phép, chưa kể số lượng DN đã tự giải thể, ngưng hoạt động nhưng DN không thông báo.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam- chi nhánh Vĩnh Long, doanh số cho vay đối với DN năm 2012 đạt 15.056 tỷ đồng, 9 tháng năm nay đạt khoảng 11.032 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 8/2013, toàn tỉnh có gần 3.400 DN đang hoạt động, trong đó có 919 DN đang có dư nợ với tổng số tiền 7.387 tỷ đồng (chiếm trên 51% tổng dư nợ toàn tỉnh). Trong đó lĩnh vực nông- lâm nghiệp, thủy sản có 87 DN với dư nợ đạt 1.921 tỷ đồng, chiếm 26% trong tổng dư nợ của DN.

Thực trạng trên cho thấy, doanh số cho vay đối với DN và số lượng DN tiếp cận vốn ngân hàng trong các năm còn rất ít, khoảng 27% số DN đang hoạt động. như vậy còn một số lớn DN chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng.

Nguyên nhân được xác định là do khả năng tài chính của DN còn nhiều hạn chế, nguồn vốn hoạt động của DN chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng. Có những DN gần như 100% vốn lưu động là vốn vay nên khi chính sách tiền tệ có những biến động thì DN gặp nhiều khó khăn.

Nhiều DN thua lỗ kéo dài, không có phương án vay vốn khả thi, không còn tài sản thế chấp nên không đáp ứng được điều kiện để vay mới.

Một số DN trước đây mở rộng quy mô sản xuất vượt quá tầm kiểm soát, sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư trung- dài hạn hoặc sử dụng vốn sai mục đích vào những lĩnh vực không chuyên sâu của DN dẫn đến rủi ro không thanh toán được nợ khi đến hạn làm phát sinh nợ xấu nên không tiếp cận được nguồn vốn mới.

Nhiều DN chưa thật sự chủ động, tích cực trong việc tìm kiếm giải pháp tự cứu mình mà còn trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các ngân hàng.

Liên kết giữa DN và người sản xuất trong khâu chế biến còn lỏng lẻo dẫn đến việc các bên đơn phương phá vỡ hợp đồng khi có sự biến động về giá trên thị trường, làm thiệt hại cho cả DN và người dân.

Củng cố điểm tựa, phát huy hiệu quả đòn bẩy

Bà Hồ Thị Thắm- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: DN cần sắp xếp tổ chức sản xuất phù hợp, không đầu tư dàn trải, chú ý công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường. Bên cạnh chú trọng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

Phía ngân hàng cần xem xét lại lãi suất, nới lỏng thủ tục cho vay tài sản thế chấp hoặc tín chấp… giúp DN có điều kiện cải tiến công nghệ, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nhất là đầu tư công nghệ sản xuất thân thiện môi trường.

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng- Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- chi nhánh Cần Thơ đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước quan tâm nhiều hơn trong việc mở kênh tín dụng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng.

Tăng thêm nguồn vốn trung và dài hạn giúp hình thành các cụm ngành sản xuất liên kết. Với khu vực nông nghiệp, cơ cấu vốn cần linh hoạt phù hợp với chu kỳ sản xuất, mở rộng cho vay với các nông hộ lớn, các trang trại đầu tư chế biến.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Diệp: Mỗi DN phải nỗ lực tự cứu mình bằng cách cơ cấu lại tài chính, tài sản, nâng cao khả năng quản trị kinh doanh, định hướng mô hình hoạt động phù hợp với khả năng, ứng phó tốt với thị trường và tránh được rủi ro cao. Đây là yếu tố cốt lõi để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của nợ xấu.

Chủ tịch cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về vốn, lãi suất, đánh giá mức độ tiếp cận vốn của các DN hoạt động trong các lĩnh vực chủ lực như nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản; thu mua, chế biến, xuất khẩu lương thực; hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ, liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…

Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, nông nghiệp là lĩnh vực sản xuất có nhiều rủi ro bởi thời tiết, thiên tai, dịch bệnh… nên cần có chính sách hỗ trợ hợp lý thông qua hoạt động bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm với các ngân hàng có hoạt động cho vay nông nghiệp. Đồng thời hỗ trợ địa phương trong vùng hình thành thị trường vốn bên cạnh nguồn vốn tín dụng của ngân hàng.


Bài, ảnh: LÊ SƠN