Cứu người nuôi cá tra: vẫn là ẩn số!

Cập nhật, 07:18, Thứ Ba, 03/07/2012 (GMT+7)


Giá cá tra rớt tận đáy, người nuôi ngao ngán.

Giá cá tra rớt tận đáy, ngân hàng siết chặt tín dụng, doanh nghiệp thờ ơ… là thực tế ảm đạm của nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL hiện nay. Để “cứu” người nuôi cá tra, mới đây tại Vĩnh Long, Hiệp hội Thủy sản các tỉnh ĐBSCL, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã ngồi lại bàn bạc, tìm giải pháp. Song, các phương án đưa ra vẫn còn là những ẩn số…

Lỗ nặng

Sau khi chạm mốc 28.000 đ/kg hồi đầu tháng 4, thời gian gần đây giá cá tra nguyên liệu tại nhiều tỉnh thành ĐBSCL sụt giảm liên tục chỉ còn 20.000- 22.000 đ/kg, người nuôi lỗ từ 2.000- 4.000 đ/kg. Thậm chí, theo ông Hồ Văn Vàng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Vĩnh Long, mấy ngày gần đây có lúc giá cá đã rớt xuống còn 18.000 đ/kg, nhưng doanh nghiệp vẫn không mua. Theo tính toán của ông Hồ Văn Vàng: Hiện giá thành sản xuất cá tra nguyên liệu lên đến hơn 23.000 đ/kg, trong khi giá bán ra chỉ 18.000 đ/kg, trừ chi phí người nuôi lỗ từ 5.000- 6.000 đ/kg. Về phía nhà máy chế biến, ông cho rằng, mặc dù đã có nhiều ưu đãi từ Nhà nước như hoàn thuế giá trị gia tăng 5%, hỗ trợ vay vốn ưu đãi nhưng thay vì hỗ trợ cho người nuôi, các nhà máy này lại ép giá, chiếm dụng vốn. “Thực trạng hiện nay là xuất hiện một số nhà máy làm ăn gian dối như ngừng mua hoặc tổ chức hệ thống “cò” thu mua để ép giá nông dân”- ông Hồ Văn Vàng bức xúc.

Giải thích nguyên nhân giá thành tăng cao, ông Nguyễn Đức Thọ- Công ty TNHH Hùng Vương Vĩnh Long cho rằng, do con giống không chất lượng đã gây hao hụt đáng kể trong quá trình nuôi. Mặt khác, hiện giá thức ăn đã tăng cao, trong khi nhiều nhà máy không “gối đầu” như trước đây nên nông dân khó càng thêm khó. “Hiện nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản đã thành lập ào ạt nhưng thực sự mạnh để thu mua cá thì không bao nhiêu. Một bộ phận không nhỏ đã mua phá giá”- ông Thọ lo lắng.

“Hiến kế” với VFA, ông Hồ Văn Vàng cho rằng, cần học theo mô hình xuất khẩu cá hồi của Na Uy. Đó là nên thành lập trung tâm quản lý chất lượng cá tra; quản lý doanh nghiệp xuất khẩu; sớm ra đời nghị định quản lý và tiêu thụ cá tra… Bên cạnh, để đảm bảo công bằng trong việc hoàn thuế 5% (hiện nông dân không được hưởng), cần đưa khoản này vào quỹ phát triển cá tra Việt Nam.

Ông Trương Đình Hòe- Tổng Thư ký VASEP cho biết: Tháng 6 là tháng nghỉ hè nên dự báo tình hình xuất khẩu sẽ không mấy khả quan. Hiện thị trường Trung Đông chỉ còn một vài nhà nhập khẩu cá tra. Trong khi thị trường EU nhiều nhà nhập khẩu lớn muốn rút khỏi Việt Nam vì quá mệt mỏi bởi “mới mua hôm trước hôm sau đã lỗ”.

Tìm “phao” cứu cá tra

Hiệp hội Thủy sản các tỉnh ĐBSCL và VASEP đã thống nhất 2 gói hỗ trợ đề xuất trình Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét, đó là: Hỗ trợ lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp vay mua cá của nông dân nhưng ngân hàng sẽ là người đứng ra trả tiền trực tiếp cho nông dân nhằm gián tiếp hỗ trợ người nuôi và xây dựng giá sàn trong việc thu mua và xuất khẩu cá tra để người dân an tâm sản xuất. Đề xuất cũng nêu rõ, sẽ xác định giá tối thiểu nuôi cá tra bao gồm tiền nuôi cá, công nuôi và lợi thế, tài nguyên,... Đây được xem là “chiếc phao” nhằm vực dậy nghề nuôi cá tra thời gian tới.


Nhiều nông dân không thể tái đầu tư do ngân hàng siết tín dụng.

Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe cho rằng, nên đề xuất gói mua tạm trữ vì sẽ cải thiện giá cả hiệu quả hơn, giúp người nuôi ổn định tâm lý, yên tâm sản xuất. Kinh doanh cá tra phải là kinh doanh có điều kiện để sàng lọc lại doanh nghiệp, đảm bảo số lượng đầu mối nhất định. “Cốt tử” có 2 việc là giá và tiếng nói của cộng đồng người nuôi mạnh cỡ nào. Cần thống kê rõ ràng lượng cá tồn tại trong dân để giải quyết...

Ông Lê Chí Bình- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang cho rằng: Cần có sự đồng thuận và tiếng nói chung để giải quyết khó khăn và tính toán thật kỹ khi đưa ra giá sàn. Doanh nghiệp, nhà máy cần liên kết chặt chẽ với nông dân để không chỉ chia sẻ lợi nhuận với nông dân mà còn tăng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ông Trương Đình Hòe kết luận cuộc họp với khẳng định: “Sẽ bàn lại và trình với Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét các kiến nghị”; song chưa thể đưa ra một giải pháp cấp bách và cụ thể để “cứu” người nuôi cá tra ở ĐBSCL. Còn Hiệp hội Thủy sản các tỉnh ĐBSCL cũng tỏ ra khá ngao ngán vì “họp nhiều mà chưa giải quyết được bao nhiêu”. Vì vậy, lời giải về đầu ra cho cá tra vẫn còn là ẩn số.

Ông Trương Đình Hòe cho biết: 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu cá tra sang 120 thị trường trên thế giới, đạt giá trị 700 triệu USD, tăng 7,1% so cùng kỳ năm 2011. Riêng thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là EU đã giảm tới 10% về kim ngạch so với cùng kỳ do kinh tế của họ đều giảm; nhiều thị trường không mua dự trữ mà chỉ mua theo kiểu “cần tới đâu mua tới đó”.


Bài, ảnh: H.MINH-T.HIỀN