Kinh tế số Việt Nam và cú hích vật lý số

Cập nhật, 15:24, Chủ Nhật, 01/10/2023 (GMT+7)

Vật lý số sẽ là cú hích cho nền kinh tế số trong tương lai.
Vật lý số sẽ là cú hích cho nền kinh tế số trong tương lai.

Kinh tế số (KTS) Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong nền kinh tế quốc gia, nhưng với sự phát triển của công nghệ, các doanh nghiệp cũng đối mặt với thách thức phải đổi mới.

Bức tranh kinh tế số Việt Nam

Hòa cùng xu thế chung của thế giới, Việt Nam đã đẩy mạnh việc phát triển KTS. Mục tiêu vào năm 2025, KTS Việt Nam sẽ chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội và tăng lên 30% vào năm 2030.

Sau gần 4 năm, bức tranh KTS Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. Theo chia sẻ từ ông Trần Tuấn Anh- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, tại Diễn đàn Quốc gia phát triển KTS và xã hội số lần thứ I với chủ đề: “Mang nền tảng số đến hộ gia đình”, tỷ trọng đóng góp của KTS Việt Nam vào GDP ngày càng tăng, từ con số 11,91% năm 2021 lên 14,26% trong năm 2022. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ này đạt 14,96%.

Ngoài ra, theo báo cáo thường niên KTS e-Conomy SEA do Google và Temasek nghiên cứu, tốc độ tăng trưởng KTS Việt Nam năm 2022 lên đến 28%, dẫn đầu tại Đông Nam Á. Riêng trong năm 2022, hơn 1.400 doanh nghiệp số Việt Nam đã có doanh thu từ nước ngoài, tăng gần 20 lần so với năm 2021.

Trong KTS, thương mại điện tử chiếm hơn 60% giá trị. Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2022, tổng giá trị hàng hóa giao dịch của nền KTS Việt Nam chạm mốc 23 tỷ USD, tăng 28% so với năm trước. Trong đó, thương mại điện tử chiếm 14 tỷ USD, tức hơn 60%.

Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022 ghi nhận, có đến 74,8% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến, với các mặt hàng chủ yếu là quần áo, giày dép, mỹ phẩm (69%), đồ dùng gia đình (64%)…

Còn theo Báo cáo KTS Đông Nam Á của Google dự báo, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển trong năm mới, đạt mức 39 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 sau Đông Nam Á. Tổng doanh thu từ KTS ước đạt 57 tỷ USD năm 2025.

Kinh tế số Việt Nam nói chung và thương mại điện tử nói riêng đang có sự phát triển mạnh mẽ.
Kinh tế số Việt Nam nói chung và thương mại điện tử nói riêng đang có sự phát triển mạnh mẽ.

Vật lý số- cú hích cho kinh tế số

Những con số đó cho thấy việc nâng cao giá trị thương mại điện tử, đặc biệt việc tạo ra trải nghiệm phong phú, hấp dẫn hơn cho khách hàng là yêu cầu cấp thiết của những doanh nghiệp tham gia KTS.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, ranh giới giữa thế giới vật lý và thế giới kỹ thuật số ngày càng trở nên mờ nhạt, làm nảy sinh khái niệm mới- phygital (vật lý số).

Theo chuyên trang Maxicus, về cốt lõi, phygital hướng tới việc tạo ra cầu nối giữa thế giới vật chất và thế giới kỹ thuật số để mang lại trải nghiệm tích hợp và toàn diện. Phygital có khả năng biến đổi cách mọi người tương tác với thế giới vật chất.

Nó có thể được áp dụng cho nhiều ngành công nghiệp, từ bán lẻ và khách sạn đến chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Ví dụ: trong ngành bán lẻ, trải nghiệm phygital có thể được sử dụng để tạo ra trải nghiệm mua sắm được cá nhân hóa, kết hợp liền mạch giữa thế giới vật lý và kỹ thuật số. Do đó, nó đã thúc đẩy các thương hiệu đưa ra những cải tiến có thể thu hút khách hàng trải nghiệm sản phẩm mà không cần đến cửa hàng.

Theo báo cáo của Leta đưa ra năm 2021, thế giới có hơn 4,8 tỷ người dùng internet, nhiều quốc gia có tỷ lệ người dùng từ 90% trở lên như Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Đức, Hà Lan… Đó là điều kiện rất tốt cho KTS nói chung và vật lý số nói riêng bùng nổ hơn trong tương lai. Leta dự đoán trong 15-20 năm tới, KTS sẽ chiếm 50% GDP toàn cầu, đạt mức từ 100.000-200.000 tỷ USD.

Trên thế giới, một số thương hiệu hàng đầu thế giới như Nike, Dolce & Gabbana, Tiffany & Co. và nhiều công ty khác đã tạo ra những sản phẩm và trải nghiệm phygital độc đáo. Xu hướng này đang tiếp tục lan rộng và chắc chắn trong tương lai gần sẽ trở nên gần gũi tại Việt Nam, tạo nên một cú hích trong thương mại điện tử nói riêng và KTS nói chung.

VY ANH (theo LĐO)