Chuyển đổi số tạo động lực cho đổi mới sáng tạo

Cập nhật, 23:11, Chủ Nhật, 22/05/2022 (GMT+7)
 Người trẻ ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất và quảng bá để sản phẩm đi xa hơn.
Người trẻ ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất và quảng bá để sản phẩm đi xa hơn.

Trong xây dựng mô hình và triển khai hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), tỉnh Vĩnh Long xác định rõ mục tiêu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, nâng cao năng suất và chất lượng cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong đó, chuyển đổi số là động lực thúc đẩy ĐMST.

Thương mại điện tử trở thành xu thế

Theo ông Nguyễn Văn Giới- Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, nhằm hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt đề cương, tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện đề tài: “Xây dựng mô hình và triển khai hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tỉnh Vĩnh Long”. Qua đó, xác định rõ mục tiêu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, làm nền tảng hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ĐMST, nâng cao năng suất và chất lượng cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh, nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất tổng hợp TFP và GRDP hàng năm ở Vĩnh Long.

Ông Nguyễn Văn Giới khẳng định, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp của cả nước nói chung cũng như của Vĩnh Long nói riêng gặp rất nhiều cản trở và thách thức, đã có những thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động của đại dịch sẽ khiến giao dịch số tăng mạnh. Trong bối cảnh hiện tại, việc chuyển đổi số và nâng cao giá trị là giải pháp nhằm nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hoàng Đức- Trưởng Phòng Marketing Công ty CP Đầu tư công nghệ Abaha, Giảng viên Digital Marketing tại TP Hồ Chí Minh đã đến Vĩnh Long chia sẻ kiến thức về chuyển đổi số và thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Theo ông, sau dịch COVID-19, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ vì người tiêu dùng đã thay đổi hành vi, trở nên quen thuộc với việc mua sắm online. Doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD, chiếm 7% tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước, và dự đoán tăng lên 35 tỷ USD, chiếm 10% vào năm 2025. Tỷ lệ người dùng Internet mua sắm online tăng từ 77% năm 2019 lên 90% năm 2021.

“Lợi ích của việc chuyển đổi số trong kinh doanh là tối ưu nguồn lực, giảm chi phí, tăng doanh thu, lợi nhuận; tăng cường sự liên kết giữa các phòng ban; duy trì và tạo thêm lợi thế cạnh tranh. Đồng thời chuyển đối số sẽ cải thiện trải nghiệm của khách hàng và xây dựng mối liên hệ với khách hàng tốt hơn…”- ông Nguyễn Hoàng Đức chia sẻ.

Tăng cường ĐMST, phát triển nhân lực cho nền kinh tế số

Tỉnh Vĩnh Long đã hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ nhanh, mở rộng thị trường. Cùng với thị trường truyền thống tại chợ, một số nông dân cũng đã chủ động tìm hướng kết nối, bán sản phẩm qua các kênh online, sàn giao dịch thương mại điện tử. Bà Nguyễn Thị Minh Yến- Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hậu Thành (xã Long An- Long Hồ) cho biết: “Từ năm 2020, HTX cung ứng loại gạo huyết rồng. Trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, HTX cũng đã tham gia đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử. Nhờ tiếp cận kênh online mà chúng tôi kết nối với khách hàng nhanh hơn, tiện lợi hơn, quảng bá sản phẩm dễ dàng hơn. Vừa qua tại Festival lúa gạo được tổ chức tại Vĩnh Long, gạo huyết rồng của HTX đạt giải 3 trong hội thi gạo ngon thương hiệu Việt. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường quảng bá trực tuyến để khách hàng biết đến sản phẩm nhiều hơn”.

Trong hội thảo trực tuyến “Thương mại điện tử trong thời kỳ công nghệ số” do Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh Phân hiệu Vĩnh Long phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức, TS. Thái Kim Phụng- Khoa Công nghệ Thông tin- Kinh doanh cho rằng: Thông qua nhu cầu thị trường, cần nhiều hơn nữa chuyên viên giỏi có nền tảng công nghệ thông tin, cơ sở lập trình, cơ sở dữ liệu, dịch vụ mạng Internet, và nền tảng về kinh doanh thương mại như: quản trị học, marketing căn bản, quản trị chuỗi cung ứng, luật thương mại điện tử, bảo mật thương mại điện tử…

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa khởi động “Sáng kiến ĐMST Mekong” nhằm tăng cường ĐMST và phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế số và Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư ở khu vực ĐBSCL. Theo đó, sáng kiến này hỗ trợ đào tạo 500 học viên khu vực ĐBSCL về các kỹ năng chuyển đổi số và thương mại điện tử, mở ra cơ hội việc làm mới và cung cấp cho khu vực một lực lượng lao động đã được trang bị các kỹ năng số. Chương trình còn cung cấp miễn phí dịch vụ điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu cho 1.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa ĐMST và khởi nghiệp; xây dựng 500 website miễn phí cho người dân và doanh nghiệp để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm vùng ĐBSCL trên nền tảng số…

Trong thời điểm hiện nay, chuyển đổi số là động lực thúc đẩy ĐMST. Nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, tạo điều kiện để người trẻ mạnh dạn đổi mới trong cách làm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ số, góp sức xây dựng quê hương.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ