Chuyển giao công nghệ bào chế vắc xin ngừa COVID-19: Việt Nam tự tin

Cập nhật, 15:28, Thứ Bảy, 15/05/2021 (GMT+7)

Chuyên gia khẳng định, nếu được chuyển giao công nghệ mRNA bào chế vắc xin ngừa COVID-19, Việt Nam hoàn toàn tự tin có thể làm được.

Bỏ bản quyền vắc xin ngừa COVID-19 sẽ đem lại cơ hội lớn cho Việt Nam và các quốc gia khác trong việc sản xuất và chủ động nguồn vắc xin.
Bỏ bản quyền vắc xin ngừa COVID-19 sẽ đem lại cơ hội lớn cho Việt Nam và các quốc gia khác trong việc sản xuất và chủ động nguồn vắc xin.

Truyền thông quốc tế mới đây dẫn lời ông Kidong Park- đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam- cho biết: WHO đang xem xét đề xuất của một nhà sản xuất chưa xác định ở Việt Nam muốn trở thành một trung tâm công nghệ vắc xin mRNA ngừa COVID-19 trong nước.

Trước đó, đại diện Bộ Y tế cũng cho biết đã làm việc với WHO xin được nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 ưu việt trên thế giới- công nghệ mRNA. Đây là công nghệ mà Moderna, Pfizer/BioNTech dùng bào chế vắc xin ngừa COVID-19.

PGS.TS. Nguyễn Văn Sái- nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Thái Bình- khẳng định Việt Nam hoàn toàn tự tin về khả năng sản xuất vắc xin nếu được chuyển giao công nghệ.

Vướng mắc lớn nhất hiện nay để Việt Nam cũng như các nước nhận chuyển giao công nghệ bào chế, sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 chính là bản quyền. Vì lợi nhuận, các hãng dược không muốn từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin ngừa COVID-19.

“Bản quyền vắc xin khiến nước giàu tiếp cận được, còn nước nghèo thì không. Việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin ngừa COVID-19 sẽ giúp các quốc gia được tiếp cận với vắc xin một cách công bằng. Tôi cho rằng, bản quyền vắc xin chỉ nên được đề cập sau khi việc tiêm chủng được thực hiện rộng rãi trên toàn cầu và dịch bệnh được ngăn chặn. Các quy tắc thương mại phải linh hoạt trong những tình huống khẩn cấp và đại dịch COVID-19 là một tình huống khẩn cấp như vậy”- PGS.TS. Nguyễn Văn Sái nêu rõ.

Một tín hiệu đáng mừng là nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ đã tuyên bố ủng hộ tạm thời bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin ngừa COVID-19. Cùng với thông tin WHO đang xem xét đề nghị được chuyển giao công nghệ mRNA, PGS.TS. Nguyễn Văn Sái tin rằng Việt Nam sẽ có cơ hội để sản xuất vắc xin, chủ động được nguồn vắc xin, đồng thời có thể chia sẻ với các quốc gia khó khăn khác.

Ông cũng tự tin khẳng định, nếu được chuyển giao công nghệ mRNA, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng làm được, thậm chí làm tốt công việc sản xuất vắc xin. Cho tới nay, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đủ năng lực về công nghệ, kỹ thuật, phương tiện, máy móc, con người và nguyên liệu bào chế trong sản xuất vắc xin.

Trước đó, Việt Nam đã sản xuất được 11/12 loại vắc xin sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, sản xuất được nhiều loại thuốc đòi hỏi công nghệ cao. Việt Nam cũng đã xuất khẩu vắc xin sang một số nước như Ấn Độ, Sri Lanka, Hàn Quốc, Đông Timor theo thỏa thuận song phương.

Năm 2015, Bộ Y tế đã đón nhận giấy chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin Việt Nam (NRA) đạt chuẩn quốc tế, được trao bởi WHO. Với cơ hội này, Việt Nam đã trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới được công nhận NRA và có điều kiện xuất khẩu vắc xin.

Hiện nay, Việt Nam cũng đang quá trình thử nghiệm 3 loại vắc xin ngừa COVID-19 và được kỳ vọng có thể xuất khẩu.

“Sản xuất vắc xin không chỉ đòi hỏi công nghệ, máy móc, thiết bị mà còn cả những hóa chất để bào chế. Nhiều quốc gia giỏi về công nghệ nhưng hóa chất để bào chế vắc xin nhiều khi phải nhập khẩu. Bản quyền vắc xin khiến việc nhập khẩu khó khăn, giá cả đắt đỏ. Do đó, nếu bản quyền ấy được bỏ tạm thời, vắc xin ngừa COVID-19 sẽ được sản xuất hàng loạt với giá thành rẻ hơn”- PGS.TS. Nguyễn Văn Sái nhận xét.   

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, GS.TS. Phạm Gia Khải- nguyên Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương- cho biết, chưa quốc gia nào khẳng định mình sản xuất được vắc xin ngừa COVID-19 tốt nhất vì SARS-CoV-2 xuất hiện nhiều biến thể mới. Nếu Việt Nam được chuyển giao công nghệ mRNA, ông khẳng định đó là điều rất tốt.

Liên quan đến bản quyền vắc xin ngừa COVID-19, ngày 13/5, tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã kêu gọi các nước chia sẻ thông tin, miễn trừ bản quyền để sớm phổ biến vắc xin ngừa COVID-19 rộng rãi ở tất cả các nước trên thế giới.

Ngoài nguồn cung cấp vắc xin nhập khẩu, Việt Nam đang thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước và vắc xin do Việt Nam sản xuất dự kiến sẽ được sử dụng trong năm 2022 để chủ động nguồn vắc xin, bảo đảm nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế, chủ động ứng phó khi có các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai.