Chuyên gia Mỹ cảnh báo về thủy điện Trung Quốc ở Campuchia

Cập nhật, 07:42, Thứ Hai, 28/05/2018 (GMT+7)

Thủy điện đe dọa đến hệ sinh thái trên sông Mekong, ngăn chặn dòng cá di cư và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân sống bằng nghề đánh bắt cá.

Những tấm pin năng lượng mặt trời nổi ở Hoài Nam (Trung Quốc).
Những tấm pin năng lượng mặt trời nổi ở Hoài Nam (Trung Quốc).

Bà Claire Poelking- chuyên gia thuộc Tổ chức phi chính phủ MacArthur thuộc Viện Di sản thiên nhiên (NHI) của Mỹ đã có báo cáo về các hoạt động nghiên cứu của tổ chức này liên quan đến các dự án đập thủy điện của một số quốc gia dọc sông Mekong như Lào,Campuchia.

Theo đó, ngoài việc các đập thủy điện sẽ mang lại lợi ích về điện cho các quốc gia dọc sông Mekong thì chúng lại chính là những yếu tố phá hủy môi trường sống của các loài thủy sản.

“Trong khi các đập thủy điện là nguồn năng lượng có khả năng thay thế nhiệt điện than trong tương lai, chúng lại không thân thiện với môi trường.

Các đập thủy điện có thể phá vỡ và thậm chí phá hủy toàn bộ hệ sinh thái trên sông bằng cách ngăn chặn dòng chảy của trầm tích và chất dinh dưỡng, cũng như ngăn chặn quần thể cá di cư” - báo cáo của bà Claire Poelking viết.

Bà Poelking dẫn các ví dụ trên sông Xe Kong ở Lào, 7 thủy điện đang được nghiên cứu xây dựng. 6 điểm trong số đó nằm trong môi trường sinh sản của những loài cá di cư trên dòng chính con sông Mekong.

Các nghiên cứu thuộc Viện NHI cho rằng, ở Campuchia, đập Sambor được đề xuất có thể tàn phá sông Mekong bằng cách tạo ra một rào cản cho trầm tích, cá di cư xuống ĐBSCL và nuôi dưỡng chuỗi thức ăn của hồ Tonle Sap lớn, duy trì cuộc sống của 60- 80 triệu người.

Con đập này được Công ty Lưới điện Nam Trung Quốc thiết kế, trong đó có một hồ chứa rộng 620km2. Khi hoàn thành, đây sẽ là con đập lớn nhất từng được xây dựng trên sông Mekong, vượt qua đập Xayaburi ở Lào vốn bị các nhà môi trường phản đối trong nhiều năm qua.

Nghiên cứu cũng cảnh báo đập Sambor ở Campuchia sẽ trở thành rào cản ngăn chặn sự di chuyển của cá từ hồ Tonle Sap, đồng thời ngăn chặn trầm tích chảy xuống vùng hạ lưu, nơi đất nông nghiệp ở ĐBSCL bị phá hủy do xâm nhập mặn từ nước biển.

Thêm vào đó, khoảng 80 con cá heo Irrawaddy có nguy cơ tuyệt chủng khi trên các khu vực chúng dùng để trú ẩn vào mùa khô sẽ bị lấp đầy bởi trầm tích do đập Sambor làm tích tụ lại trên sông Mekong.

Chưa kể, việc xây dựng các đập thủy điện còn khiến trầm trọng thêm tình trạng hạn hán ở Đông Nam Á, một minh chứng là nạn hạn hán hồi năm 2016.

Thay vì tiếp tục phát triển dự án thủy điện trên dòng Mekong, nữ chuyên gia Mỹ cùng với nhóm các nhà khoa học năng lượng đã tìm ra cách có thể vừa đáp ứng được nhu cầu điện của quốc gia lại vừa đảm bảo được sinh thái.

Công trình nghiên cứu của tổ chức này đã chứng minh tính khả thi của giải pháp thay thế năng lượng tái tạo cho các đập thủy điện mà không ảnh hưởng tới môi trường cũng như hệ sinh thái trên sông Mekong.

Giải pháp được đưa ra là sử dụng hệ thống tích hợp các tấm năng lượng mặt trời nổi trên mặt nước. Đây cũng là cách mà Trung Quốc đang thực hiện trong dự án năng lượng mặt trời nổi ở Hoài Nam (tỉnh An Huy).

Giải pháp thay thế này đã chứng minh được mức độ vượt trội so với các đập thủy điện mới về chi phí, độ tin cậy và tránh rủi ro của nhà đầu tư.

Điều thú vị là ý kiến của tổ chức này đã làm thay đổi phần nào tầm nhìn của giới chức các nước về cách tiếp cận quy hoạch thủy điện và chấp nhận những hiến kế thay thế.

Thủ tướng Lào trước đó đã chỉ đạo một số bộ chấp nhận các khuyến nghị của NHI làm nền tảng cho quy hoạch về thủy điện của nước này.

Tổ chức phi lợi nhuận này đã có các nghiên cứu về giải pháp dùng tấm pin năng lượng mặt trời nổi ở nhiều con sông trên thế giới như Ayerawaddy và Salween ở Myanmar, nhánh Andean của sông Amazon, thượng nguồn sông Nile ở Ethiopia và hệ thống sông đầu nguồn Himalaya ở Nepal.

Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng thủy điện không nên được ưu tiên hơn các nguồn năng lượng tái tạo khác, chẳng hạn như năng lượng mặt trời hoặc gió, có tác động ít hơn một cách đáng kể lên hệ sinh thái.

ĐÔNG PHƯƠNG (Theo khoahoc.tv)