Truyện ngắn

Kỳ cuối: Mối tình quê

Cập nhật, 19:34, Chủ Nhật, 06/03/2022 (GMT+7)

NGUYỄN LINH

Thương đã ngủ. Chị Tím nhìn ra sân, nghe tiếng mèo gọi bạn tình rờn rợn trong đêm mà lòng như se lại. Con Thương mười bốn tuổi, tuy tính tình còn con nít nhưng nó đã gần là một cô thiếu nữ rồi còn gì. Không bao lâu nữa nó cũng sẽ lấy chồng. Căn nhà lúc ấy chị không hình dung nổi nó sẽ trống trải ra sao. Chị nhớ tới Đông, cả tuần nay không thấy Đông ghé nhà. Trước đây, khi thì con cá, mớ rau làm con Thương nhảy cẫng lên vì sung sướng và chị cũng cảm thấy như là một mái ấm gia đình. Cả tuần nay bình trà lạnh ngắt vì khách nhà chị có ai ngoài Đông.

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Chị nhớ lại lần biết Đông đầu tiên hồi đám cưới con Xuyến con bác Sáu. Đêm xuất giá hôm đó chị ca bài vọng cổ “Con gái của mẹ”, ai cũng khen. Mấy bà, mấy cô bỏ bếp chạy lên tấm tắc, con Xuyến thì nước mắt rưng rưng. Đông lúc đó nhìn chị không chớp mắt. Chị ngó Đông, anh bẽn lẽn ngó lảng qua chỗ khác. Chị cười: “Cái anh chàng đẹp trai, mê gái mà nhát như thỏ đế!”. Sự nhút nhát, thiệt thà của Đông ngày nào giờ vẫn vậy, không giống gã thanh niên họ “Sở” lắm lời đường mật, chuyện tình cảm thì như diễn tuồng, diễn khéo đến độ chị nhận không ra nên mang khổ vào thân, hại ba má và làm xấu hổ luôn cả người thân.

***

Đò Kinh Mới ghé vào bến, người đàn ông trắng trẻo bước lên bờ, nhìn quanh một hồi rồi quẹo vô sân nhà chị Tím.

- Cháu gái ơi, cho chú hỏi thăm đây có phải là nhà của cô Tím không vậy?

Thương lúc đó đang bó rau nhút thành từng lọn chuẩn bị sáng mai ra chợ bán, nghe hỏi thăm liền ngước lên:

- Dạ phải! Ủa, hình như chú là… là nghệ sĩ Thanh Nhân?

Ông khách cười, nụ cười làm Thương nhớ liền:

- Phải rồi, con nhớ rồi, chú là Thanh Nhân. Chèn ơi, ở ngoài chú cũng trẻ, đẹp hổng thua trên sâu khấu. Mà, chú kiếm má con có chuyện gì? Má đang hái dưa leo sau hè.

Thương bỏ chạy như con sóc, gấp gáp, không kịp mời khách vô nhà nghỉ, và cũng không kịp nhìn thấy niềm vui xen lẫn ngỡ ngàng trên gương mặt của ông khách.

Chị Tím vào nhà, ráng kiềm lòng để đối diện với sự thật, cái sự thật mà mười mấy năm nay chị muốn chôn kín trong lòng. Đôi lúc chị muốn nói hết cho con hiểu, mà nó biết làm gì người cha không xứng đáng. Nhưng dẫu sao sự thật vẫn là sự thật, con lớn rồi, chị nghĩ nó có quyền được biết người đã tạo ra nó. Chị mời khách vô nhà, ngồi ở bộ ngựa, bình thản, xa lạ như chưa từng quen biết. Chị biểu con pha trà mời khách rồi ra sau hè chơi để người lớn nói chuyện. Thương đi, chị Tím đặt thẳng vấn đề nhằm kết thúc sớm cuộc hội ngộ gượng ép, không mấy gì vui vẻ này. Trước tiên, Thanh Nhân xin lỗi chị chuyện hồi xưa vì lúc đó anh mới vừa được khán giả biết đến. Người vợ và đứa con là rào cản tương lai đang rộng mở. Vẫn cái luận điệu như thuở nào, hắn nói nhiều, biện bạch nhiều lắm. Chị Tím không muốn nghe, chỉ muốn biết ý đồ của hắn trong buổi gặp gỡ này mà thôi. Cuối cùng, Thanh Nhân cầu xin chị cho anh nhận lại con, đứa con mà mười mấy năm trước anh đã nhẫn tâm chối bỏ. Vợ anh, cô con gái cưng của ông bầu đoàn tỉnh, người đã nâng bước anh thành nghệ sĩ được nhiều người ngưỡng mộ, cho tới bây giờ vẫn chưa sanh cho anh một đứa con nào…

Nãy giờ, Thương lén núp sau vách. Nó biết nghe lén chuyện người lớn là xấu nhưng vì quá hâm mộ Thanh Nhân nên cố tình rình xem “thần tượng” đã nói chuyện gì với má. Không ngờ nó lại biết được một sự thật quan trọng trong đời nó. Nó sắp khóc. Nên vui hay nên buồn? Nó hổng biết. Chỉ biết lấy hết can đảm, cứng rắn để nước mắt không chảy dài giống như má nó.

Chị Tím sau khi nghe những lời ấy, bao lời lẽ cay đắng nhất, thậm tệ nhất chất chứa trong chị bao năm qua như muốn tuôn ra ngay. Con Thương là khúc ruột của chị, là niềm vui, nguồn sống của chị bấy nay. Ai đã từng chứng kiến cảnh chị có thai hoang làm ba má buồn rầu mà chết, dòng họ rẻ rúng, chòm xóm chê cười thì mới hiểu hết nỗi đau của chị nếu bắt phải xa con. Nhưng giấy làm sao gói được lửa? Thanh Nhân muốn nhìn con, chị có cản cũng không được. Trước sau gì nó cũng biết. Thôi thì để tự chị nói với con rồi tùy nó quyết định. Tỷ như nó nhận lại ba rồi ham giàu thì kể như đời chị vô phước. Nghĩ vậy, chị Tím liền bước xuống nhà sau, nhìn quanh quẩn mà không thấy con, chị kêu mấy tiếng. Thương đang núp bên hè, giật mình chạy lẹ ra ao rau nhút rồi giả bộ dạ thiệt lớn trước khi bước vô nhà, đứng ở mép bộ ngựa. Thanh Nhân ngó nó trân trân. Chị Tím nói với con, nói bằng cái giọng run run, đứt quãng:

- Thương à, từ nào tới giờ con... sống với má. Má thương con… thương bao nhiêu chắc con đã biết. Bữa nay, má cho con biết một sự thật, người này là… là…

- Là Thanh Nhân, nghệ sĩ Thanh Nhân. Con biết rồi. Ổng ca hay lắm!

Thương ngắt lời má gọn hơ rồi quay qua Thanh Nhân:

- Chú ngồi chơi, nói chuyện với má. Để con chạy đi mua nước đá về làm đá chanh mời chú uống. Nãy giờ con quên, trời này mà uống nước trà thì nóng lắm.

Nó quay đít chạy te xuống bến, bơi xuồng đi mất, không kịp để má nó nói một câu nào. Thương đi mua nước đá, nhưng không bơi ra quán mà ngược trở vô ngọn. Càng lạ hơn là nó ghé lại nhà Đông. Thấy anh đang tưới cải, nó kêu lớn:

- Chú Đông ơi! Bây giờ chú ra nhà con, má nhắn công chuyện gấp lắm.

Anh Đông ngừng tay:

- Ừ, con về trước đi! Còn chừng chục liếp nữa, tưới xong rồi chú ra sau.

Thương nhăn mặt cố suy nghĩ, đôi mắt tròn xoe, chớp chớp:

- Chú ra liền mới được. Má nói nhức đầu, uống hai viên thuốc rồi mà hổng hết. Mà, coi bộ má đau dữ lắm, hết lăn qua thì lăn lại. Má khóc làm con sợ quá chừng.

Đông giật mình, thảy cái thùng vòi xuống đất:

- Vậy mà hổng cho chú biết sớm. Thôi, đi liền! Đi liền mới được!

Đông chạy xuống bến, hối con bé rồi chụp lẹ cây dầm bơi muốn hổng kịp thở: “Trời đất, gấp kiểu này mà còn gặp nước ngược”. Thương nhìn hai bên bờ thấy bông lau trắng đang đùa giỡn trong gió như vẫy tay chào đón người thân.

Xuồng cặp bến. Ngồi trước mũi nên Thương nhanh chân nhảy lên bờ. Rồi bằng giọng mừng rỡ, nó gọi lớn:

- Má ơi, ba đi ruộng mới về tới nè! Có cơm cho ba ăn chưa?

Đông chưng hửng: “Ủa, con nhỏ này… bữa nay má nó bệnh mà nói chơi kỳ vậy?”. Chị Tím từ trên nhà nhìn xuống cũng không khỏi ngạc nhiên: “Bữa nay con Thương bày cái trò gì mà nói chuyện lạ đời vậy cà?”.

Đông bước vô nhà thấy chị Tím tỉnh queo, định hỏi tội con Thương nhưng chợt nhận ra người khách nên gật đầu chào. Thanh Nhân chưa kịp gật đầu lại thì con Thương đã lẹ miệng hơn:

- Thưa ba, đây là chú Nhân, nghệ sĩ Thanh Nhân, bạn của má. Chú ghé nhà mình nãy giờ.

Thương hồi hộp liếc qua chị Tím một cái rồi tiếp:

- Còn đây là... ba của con, người mà ngoài má ra con thương nhất trên đời. Ba con mới đi ruộng về. Ba cực lắm, hổng được trắng trẻo, nhiều tiền, ca hay, diễn giỏi và nổi tiếng như chú đâu.

Chắc Thương còn muốn nói nữa, nói thiệt nhiều nhưng bỗng nhiên nó chạy tới ôm chầm lấy chị Tím và khóc nức nở.

Là một nghệ sĩ, Thanh Nhân đoán được là con bé đang diễn tuồng. Vở tuồng không có đạo diễn, không phải tập tuồng. Nó đang diễn bằng tình cảm chân thật, bằng con tim. Nhưng... khi nhìn nó diễn, tim anh chợt nghe đau nhói.

***

Rời Kinh Mới. Từ dưới đò nhìn ngược ra sau, căn nhà đơn sơ của mẹ con chị Tím đã xa ngút ngàn. Lúc này, Thanh Nhân đã ngẫm ra một điều: Hạnh phúc không chỉ là tiền tài danh vọng ở chốn phồn hoa đô hội mà có thể bắt nguồn, sinh sôi ở những nơi rất dân dã, với những con người lam lũ, nghèo vật chất nhưng giàu tình người. Và Thương, đứa con gái của anh đã giúp anh ngộ ra được chân lý- một chân lý mà anh thường diễn trong các vở tuồng trên sân khấu- tiền bạc, địa vị không thể mua được tình thâm.