Truyện ngắn: Bồng bềnh mây trắng

Cập nhật, 22:05, Thứ Bảy, 09/10/2021 (GMT+7)

Hà Ngọc Trảng

Những chiếc máy gặt đập liên hợp đã rút đi hết, không còn tiếng động cơ ào ào trên đồng, im hẳn tiếng người lao xao, í ới, chỉ sót lại tiếng cằn nhằn quen thuộc của Út Đẹp lanh lảnh, dai dẳng.

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

“Số con nhỏ cực!”- Nhơn nghĩ thầm, vừa thấy tội vừa thương đứa em gái. Như con lật đật, miệng nói tay làm buông cái này bắt cái nọ, rốt cuộc ôm đồm, cả nghĩ hay lo mà thành ra luôn gánh vác mọi việc lớn nhỏ. Dáng mỏng manh lại xốc vác như đàn ông nên nhìn mà lầm. Hổng biết năng lượng ở đâu mà chưa bao giờ thấy nó thở than, bàn lùi trước mọi khó khăn. Hồi nhỏ, nó chỉ khóc, làm mình làm mẩy với anh Hai thôi.

- “Anh Hai ơi, đi về nè!”- tiếng hối của Út Đẹp cắt ngang luồng suy tưởng.

- “Út về trước đi, anh Hai ngồi chơi chút về”- nói xong, Nhơn ngả người ra trên bãi cỏ mềm, mặc kệ tiếng em gái cứ léo nhéo đằng xa.

- “Em đói bụng lắm rồi nghen”.

Giọng nó xa dần mà vẫn còn nghe léo nhéo, Nhơn phì cười, rồi tận hưởng một buổi chiều yên ả của riêng mình. Bao nhiêu lâu rồi mới thiệt sự bứt ra khỏi cái guồng máy quay cuồng công việc, công việc,… bao nhiêu lâu rồi mới thấy thiệt là thảnh thơi ngửa mình trên đồng vắng thế này. Mùi rơm rạ nồng nàn, mùi ngai ngái cỏ non chảy vào lồng ngực thiệt dễ chịu. Những bóng mây bồng bềnh trôi qua tán lá vừng xanh nõn, nắng đã dịu dàng hơn, gió mơn man thổi mấy cọng cỏ lai phai cọ trên da mặt, vừa nhột nhạt vừa thích thú. Những phút giây bình yên giữa không gian thuần khiết, những phút giây nghĩ chậm với thời gian.

Cho đến khi mặt trời sụp tối hẳn, tiếng côn trùng rền rẫm nghe ủ dột quá, Nhơn mới thong thả ngồi dậy đi về. Ai dè, Út Đẹp còn ngồi ngoài mé đường đợi anh Hai.

Nhơn sững lại: “Í trời chưa về nữa hả Út?”

- “Em về rồi hông lẽ Hai lội bộ à?”- rồi Út lầm bầm “đã dặn đi dặn lại, cho chị hai với mấy đứa nhỏ về chơi mấy ngày, xách mình không về hà, bực!”.

Tâm trạng đang lan man, lửng lửng, lơ lơ, nghe đứa em út nói, bỗng hơi chột dạ. Tội cho em chỉ được khúc hồi nhỏ là còn được nhõng nhẽo với anh Hai. Vừa chớm lớn đã toàn lo cho người khác, lo đến quên mất bản thân mình. Vẫn phải xốc vác gánh gồng như cột cái trong nhà, còn anh Hai thì vợ con đề huề hạnh phúc.

ð

Leng… keng… leng… keng

Cái chuông đồng của xe cà rem chú É, nhỏ xíu trên tay mà chú lắc lắc nó vang lảnh lót. Chiếc xe còn mút chỉ cà tha ở đằng khúc cua quẹo là con Út đã lính quýnh rồi: “Cà rem, cà rem tới, anh Hai”. Hổng biết chú É canh me sao mà ngày nào cũng vậy, khi chú vừa trờ tới trước cửa là đồng hồ luôn gõ bon một tiếng đĩnh đạc. Nội ngồi ngoáy trầu trên ván ngựa bao giờ cũng cười thong thả: “Đồng hồ chú É chạy đúng bon hén!”.

Y như rằng, con Út lót tót chạy lại ôm chân nội òn ĩ: “Nội, nội mua con cây cà rem”. Rồi thế nào nội cũng mắng: “Tổ cha mày, ăn cái giống gì mà ngày nào cũng ăn. Lạnh tẻo lạnh teo,…”. Nhưng thế nào nội cũng ngừng ống ngoáy, chậm rãi kéo vạt áo bà ba lên, lần mở cây kim tây gài cái áo túi trắng bên trong, móc từ trong cái bọc vải đỏ cột gút cho Út 5 đồng bạc khía. Không quên dặn “ăn bữa nay thôi đó. Kêu anh Hai dắt đi, còn biết thối tiền lại”. Con Út dạ rân, rồi líu quíu hối anh Hai chạy ra đường.

Cà rem chú É làm rất đặc biệt, tụi nhỏ bắt ghiền là phải rồi. Những cây cà rem đổ trong những ống thiếc tròn ngọt thanh thao mà lại có mùi thơm dìu dịu của nước cốt dừa, kèm những hột đậu đen thiệt to, mà hễ nhẩn nha nhai nó bùi ngận thấm thía làm sao. Bao giờ chú É cũng đậu xe dưới gốc xoài rồi lắc cái chuông thiệt dữ một hồi mới ngưng. Đám con nít túa ra như kiến, lao nhao, om sòm, vậy chớ chẳng mấy đứa có tiền mua chỉ bu đứng dòm.

Con Út tay nắm chặt đồng tiền giơ lên, bặm môi chen vô, miệng thì tía lia: “Bán con một cây, cây màu vàng, nhiều thiệt nhiều đậu. Bán con một cây…”. Chú É cũng lăng xăng theo tụi nhỏ: “Rồi, rồi, một cây màu vàng, đậu nhóc luôn, một đồng một cây, hê… hê… Ăn cà rem chú É mau lớn nghe con”. Anh Hai thường nhịn cho Út ăn. Nó ham ăn lắm, nhưng lâu lâu cũng bấm bụng cho anh cắn một miếng. Chú É rất vui, hay tán dóc với mấy đứa đã đời mới lắc cái chuông leng keng, chiếc xe đạp thủng thẳng rời đi…

Vô mùa cấy là Nhơn đi năn nỉ người ta cho nhổ mạ mướn, hồi đầu nhổ cả buổi mới được 1 tầm mạ, được trả 2 đồng. Quen rồi, nó nhổ ngày được 4- 5 tầm mạ như chơi, tiền rủng rỉnh, mặc sức cho Út ăn cà rem.

Cái thùng cà rem của chú É theo tụi nhỏ lớn dần lên, chú cũng chuyển qua chiếc xe đẩy bự tổ bố như cái nhà biết đi, treo tứ phía đủ thứ sắc màu, nào là kiếm nhựa, mặt nạ tề thiên, ông địa,… Chú bán kèm món đá bào si rô có chế thêm miếng sữa Ông Thọ lên trên. Con Út bắt đầu mê món đá bào, anh Hai thì mê mấy cuốn truyện tranh, nhưng chưa bao giờ dám mua.

Rồi mấy ngày liền con Út cũng chạy ra đứng bên chiếc xe đẩy chú É, mắt nó đắm đuối nhìn chú É bán đá bào, khi những dòng sữa đặc quẹo chảy trên ly đá bào bốc khói nó thèm thuồng nuốt nước miếng. Nhưng mặt buồn thiu, nó biểu anh Hai đừng mua, nó không thèm ăn nữa. Anh Hai không để ý cứ cắm đầu vô mấy cuốn truyện tranh đọc ké.

Bữa nay Út dõng dạc nói như ra lệnh: “Hai mua truyện đi, đọc ké hoài chú É hổng vui đâu”.

Nhơn quay lại nhìn Út bật ngật luôn: “Hả? Cuốn truyện mắc lắm đó Út!”.

- “Thì em cho anh Hai mua đó”- Út ngẩng cái mặt lên, hai gò má tròn ủm đỏ au thiệt thấy cưng.

Nhơn phì cười: “Làm tàng, tiền đâu mà cho Hai mua, hả?”.

Út trề môi: “Anh hai hổng thấy em nhịn đá bào mấy bữa hả. Dư tiền cho Hai mua truyện rồi”.

Cuốn truyện tranh Hằng Nga- Hậu Nghệ có giá 6,8 đồng là cuốn sách đầu tiên trong đời Nhơn đã mua từ tiền em gái nhịn ăn đá bào. Cũng là tiền của anh Hai, nhưng cái lòng can đảm nhịn thèm của em, Hai mừng mà muốn khóc luôn đó Út.

ð

Căn nhà sàn ba gian một chái xưa giờ vẫn vậy. Mỗi góc nhà luôn gợi nhớ lại từng chút, từng chút của một thời thân thương, má nhất quyết không cho cơi nới, thêm bớt gì cả. Nó vẫn y vậy mà sao mỗi lần về lại thấy rộng thêm ra. Có lẽ bởi giờ chỉ còn hai người phụ nữ trơ trọi. Má già đi sau trận tai biến, nửa bên người yếu hẳn, còn Út thì lở dở khi cả thời thanh xuân cũng bay biến theo những tháng năm dài cực nhọc, lo toan.

Hai anh em ngồi ngoài bờ sông lở, gió tràn trề mát rượi mặt sông đầy như ngóng trăng lên. Gợi nhớ một mùa trăng buồn bã khi ba mất đột ngột giữa lúc nước tràn đồng. Ngay khi anh Hai chuẩn bị đi học xa, ngay khi Út đang háo hức tập vở, quần áo mới để ra trường huyện học lớp 10. Vậy là hai anh em phải chiết ra một đứa nghỉ học. Cho đến giờ trong cái tủ đầy sách, vẫn còn cuốn truyện tranh Hằng Nga- Hậu Nghệ, đặt bên cạnh là cây viết máy hiệu Paker anh Hai để dành tiền thiệt lâu mua cho em gái mà chưa bao giờ nó có dịp dùng tới.

Út thì chả bao giờ so đo, mà anh Hai thì chưa bao giờ được thấy lòng thoải mái. Những gì đã qua và thời gian trước mặt, lẽ ra Út phải có được hạnh phúc của riêng mình. Hổng lẽ cả đời em chỉ sống bằng hạnh phúc của người thân. Rồi lần lượt người thân cũng rời xa em bằng cách này hay cách khác, rồi hổng lẽ em già đi trong cõi độc hành, mà lúc nào cũng giả đò cứng cỏi được sao!

- Út ơi, chuyến này anh Hai nói, em phải nghe lời nghen.

- Lúc nào Út hổng nghe lời anh Hai đâu?- Út nghiêng mặt nhìn anh.

- Ừa, chỉ trừ một chuyện hà…

- “Nhưng má đâu có chịu bỏ quê, dù lên ở với anh. Em cũng không ở xa má được. Thôi, anh đừng… cãi em”- Út Đẹp quyết liệt.

- “Hồi đó, đúng ra là anh phải nghỉ học lo cho em. Nhưng em đã giành gánh vác cái nhà này, hết nuôi nội giờ tới phần má già yếu…”- giọng Nhơn nhỏ dần, dường như tự vấn với mình, rồi cũng chính mình mắc kẹt trong mớ bòng bong.

- “Thôi, anh em mình mỗi người báo hiếu một cách. Anh ăn học tới nơi tới chốn, có gia đình hạnh phúc là má vui dữ lắm rồi. Anh cứ suy nghĩ nặng nề chi vậy”- Út cố gắng nói cho anh Hai gỡ được cái cục lấn cấn trong đầu hoài.

- “Phải chi anh em mình lại được như hồi nhỏ…”- Nhơn bùi ngùi nói. Trong khoảnh khắc, có tuổi thơ nào tràn đầy tiếng cười nắc nẻ của Út vừa trôi qua, khắc khoải nỗi lòng đọng lại những dấu răng non anh em cùng cắn chung cây cà rem chú É.

Bầu trời đã trở nên trong vắt, ánh sáng tràn trề, nhẹ nhõm trong đêm. Dòng sông đang chảy hay những cơn gió rùng mình cho mây trắng bồng bềnh trôi dưới đáy sông…