Truyện ngắn: Chiếc quai nón

Cập nhật, 16:54, Chủ Nhật, 12/09/2021 (GMT+7)

 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Cùng ngồi nghỉ chân trên bờ ruộng sau gần ba giờ băng qua mấy cánh đồng ngập nước, xã đội phó Năm Đô xem đồng hồ rồi chỉ giang cây trước mặt nói với Ba Hà:

- Bây giờ đã gần mười một giờ đêm, bà con ở xóm mình định về chắc đã ngủ hết rồi. Giang cây kéo dài đó là ranh giới bước vào xã mình, anh nhớ kỹ khoảng trống không thấy cây là đồn Cống Số Một. Còn hai ngọn cây cao nhất đứng song song là của hai cây sao bên hông đình làng. Nhà của Ba Lé ở bên phải đình, cả hai đều nằm cặp con lộ liên xã cách đồn khoảng bảy trăm thước, chút nữa mình sẽ tới đó.

Cùng xuất thân là đội viên du kích, Ba Hà rất thích cách làm việc của Năm Đô. Đó là mẫu người làm nhiều hơn nói, rất thông thạo địa hình trong xã và một số vùng xung quanh lại là một chi ủy viên của chi bộ xã có một số cơ sở mật tại địa phương.

Lần này là chuyến công tác đầu tiên của Ba Hà về xã để thực hiện một kế hoạch đặc biệt của chi ủy, do vừa mới được Huyện ủy chỉ định về xã làm bí thư chi bộ thay người bí thư vừa mới hy sinh. Do không là người tại chỗ nên anh rất cần một người như Năm Đô cùng đi. Đoàn đi gọn như vậy để nếu gặp thuận lợi thì họ sẽ bám lại xã vài ngày để nắm kỹ tình hình.

Trên bản đồ, đây là xã nằm ở cuối huyện lại sát nách một yếu khu quân sự của địch nên là xã yếu nhất bị địch lấn chiếm từ cuối năm 1968. Để tồn tại, thời gian qua cán bộ và du kích xã phải chịu cảnh “ly hương” sang ở nhờ tại các lõm giải phóng của xã bạn để đêm đêm đột nhập về xã nhà củng cố cơ sở và gầy dựng lại các phong trào.

Do không trực tiếp bám địa bàn và gần với dân nên lực lượng bổ sung cho xã không bù được số người mất đi vì nhiều lý do, mà điển hình là sự hy sinh của người bí thư tiền nhiệm của Ba Hà trong một lần trở về xã.

Nhớ lại lời truyền đạt của Bí thư Huyện ủy khi giao nhiệm vụ mới cho mình, Ba Hà biết Huyện ủy sẽ dồn sức cho xã khó này với cố gắng tạo một sự thay đổi tích cực mà khởi đầu là chọn một chính trị viên xã đội của một xã mạnh như anh thay thế người vừa hy sinh để làm “đầu tàu” cho địa phương- một người mà theo yêu cầu của Huyện ủy là đã qua công tác quân sự và có khả năng tập hợp quần chúng trong tình hình hiện tại. Nhìn giang cây mờ sương trước mặt, hai tiếng “đầu tàu” bất giác làm Ba Hà nghe lòng mình nặng trĩu…

Nép mình vào cây bình bát ven bờ một cái đìa cá, cái đích đến đầu tiên trong chuyến công tác đêm nay là nhà của Ba Lé đang ở trước mắt. Y đang làm toán trưởng phòng vệ dân sự của ấp này và là người mà Năm Đô nhắc đến khi nãy.

Nhà đó chỉ cách cái đìa này và thửa ruộng cặp con lộ liên xã khoảng hơn trăm thước về hướng cái đồn Cống Số Một. Ba Hà không ngạc nhiên khi Năm Đô cho biết vợ chồng Ba Lé từ lâu là người tin cậy của anh ấy ở xã vì anh từng có một cơ sở mật là trưởng ấp của địch khi còn công tác ở xã nhà.

Năm Đô kề tai Ba Hà cho biết tình hình có vẻ thuận lợi vì ngọn đèn ám hiệu trên bàn thờ nhà Ba Lé đang cháy sáng rồi cả hai cẩn thận kiểm tra lại khẩu cạc- bin của riêng mình. Sau khi nhắc Ba Hà giữ khoảng cách bám theo sau để yểm trợ, Năm Đô lẹ làng mở khóa an toàn khẩu súng khom mình đi tới…

Khi Ba Hà vừa vượt qua con mương áp sát bờ lộ, anh thấy rất rõ Năm Đô đã đến trước nhà Ba Lé. Thình lình ở cổng nhà đó rộ lên nhiều loạt súng tiểu liên làm Năm Đô nẩy người lên rồi ngã vật ra đất, không bắn trả được phát đạn nào.

Tiếp theo có nhiều tiếng la lớn “Việt cộng! Việt cộng!” vang lên hỗn loạn, rồi như từ dưới đất chun lên một toán lính tràn ra mặt lộ bắn như vãi đạn về hướng mấy thửa ruộng. Ba Hà chỉ kịp rướn người lên nã chừng nửa băng đạn vào bọn lính thì bỗng nghe cánh tay cầm súng của mình đau nhói làm khẩu súng rơi xuống đất, rồi một cái trượt chân tiếp đó khiến anh té xuống con mương lộ.

Anh biết có chuyện không bình thường đã xảy ra nhưng tình hình thì không thể khắc phục vì mình đã bị thương, thêm cái trượt chân khiến anh không thể nhặt lại khẩu súng mà bọn lính thì đã tràn tới, cách tốt nhất là thoát nhanh khỏi nơi này. Anh quyết định không quay lại hướng xuất phát là nơi có nhiều cây cối mà nương theo con mương lộ đầy nước bò về hướng đồn địch một đoạn rồi ém mình dưới một đám cỏ mọc tràn ra mặt nước.

Từ nơi đó, Ba Hà nghe rất rõ tiếng bọn lính reo mừng vì đã hạ tại chỗ một kẻ địch thu đến 2 súng và đốc thúc nhau tìm “thằng” còn lại. Kinh nghiệm chiến đấu và một chút may mắn đã cứu Ba Hà, vì nếu anh không chọn hướng đi về phía đồn địch khá trống trải, tức ngược với suy nghĩ của nhiều người thì có lẽ anh không thoát được sự truy lùng của bọn lính ngay sau đó.

Mang cái cảm giác bất lực trĩu nặng đến tận cùng khi chứng kiến bọn lính reo hò kéo về đồn trước mắt có mang theo xác của đồng chí mình để sáng hôm sau báo công lãnh thưởng, Ba Hà trở lại bờ đìa dùng răng và cánh tay còn lại xé tay áo bị thủng vì vết đạn để băng vết thương, may mắn là xương tay không bị gãy nhưng nó có vẻ không nhẹ.

Sau khi dùng dây rừng treo cánh tay bị thương lên cổ, Ba Hà quyết định trở về căn cứ trước khi trời sáng theo các đánh dấu là những ngọn cây ở các giang cây của chuyến đi được Năm Đô dẫn đường.

Bước thấp bước cao vượt qua một con kinh và hai cánh đồng rộng đầy nước, bây giờ trước mặt Ba Hà không xa lại là một giang cây thấp. Ngồi xuống mặt ruộng, anh căng mắt cố tìm những đọt cây mà mình đánh dấu.

Tất cả đều lạ lẫm, không phải đợi đến lúc đó mà ngay lúc qua được cánh đồng đầu tiên và gặp con kinh chặn trước mặt, Ba Hà đã ngờ ngợ mình lạc đường. Anh biết trong tình huống trời đang về sáng nếu cứ đi tiếp rất dễ gặp hiểm nguy nên quyết định tìm một nơi an toàn.

Giang cây đó hóa ra chỉ là một hàng cây trâm bầu thấp mọc chen nhau trên bờ một lạch nước. Đi dọc theo bờ lạch này một đoạn khá xa, Ba Hà bắt gặp một ngôi nhà lá nhỏ nằm biệt lập bên bờ lạch có cửa chính hướng về một hàng cây nữa nằm chéo góc với một bờ đi khá dài cũng có nhiều cây trâm bầu dẫn vào ngôi nhà này.

Ngồi bên chiếc xuồng đang được kê lật úp sau nhà, kiểu dáng nó cho Ba Hà biết từ lúc quay về, gần như mình đã rẽ ngược lại hướng lẽ ra phải đi và lạc qua một vùng tranh chấp mà theo kiểu nói của bọn anh là địch mạnh hơn ta. Bây giờ cũng chỉ còn cách tự trấn an là nếu gặp tình huống xấu nhất thì chiếc xuồng úp này cũng có thể giúp anh làm một “phép ẩn thân”, có vẻ không tệ lắm.

Trời sáng dần, trong nhà có tiếng bước chân rồi le lói ánh sáng của một ngọn đèn dầu. Qua kẽ vách lá gần cửa sau của ngôi nhà, Ba Hà thấy một người đàn bà lớn tuổi ngồi trên bộ ván kê bên cạnh cái hầm nổi tránh pháo đang lặng lẽ têm trầu.

Một lúc sau, từ căn buồng nhỏ một cô gái trẻ bước ra vừa đi vừa cột gọn lại mái tóc dài ngang lưng. Có tiếng bà già hỏi cô gái có định mua gì thêm để sáng làm đám giỗ cho ba của cô. Cô gái cười cười trả lời: “Má tính hết rồi còn hỏi”. Nghe câu trả lời của cô gái, Ba Hà thoáng mừng thầm, vậy là nhà họ chỉ có hai mẹ con.

Càng ngồi yên suy tính, Ba Hà càng thấy khổ sở với bầy muỗi đói đánh hơi máu từ vết thương đang vây quanh nên xua tay đuổi. Vô tình tay anh chạm mạnh vào vách lá đánh rẹt một tiếng khá to làm bà già giật mình cất tiếng hỏi: “Ai đó?” Biết mình đã bị lộ, Ba Hà đành đánh bạo trả lời: “Con, con đây!”

Ra mở cửa sau, bà già bất ngờ khi nhìn thấy bộ dạng thảm hại của Ba Hà đã kêu lên thảng thốt: “Bây sao vậy?” Rồi như một phản xạ, bà kéo anh vào trong nhà. Cô gái cũng ngạc nhiên tiến đến bên bà mẹ nhìn anh chằm chằm.

Thái độ của hai mẹ con, nhất là việc cho anh vào nhà của họ làm Ba Hà tạm yên tâm. Anh thành thật nói lên tình cảnh của mình và xin họ giúp đỡ. Hình như có một chút đắn đo nhưng rồi bà già kéo anh đến ngồi trên bộ ván và hối cô gái nổi lửa nấu nước để rửa vết thương cho anh.

May mắn là nhà của họ cũng như nhiều nhà khác trong thời buổi chiến tranh này đều có chuẩn bị sẵn vài loại bông băng và thuốc cần thiết để đề phòng các rủi ro do bom đạn gây ra nên việc xử lý vết thương của cô con gái dành cho Ba Hà khá thuận lợi. Bà già còn bắt anh phải thay cái áo bị mất một tay lấm lem máu và bùn đất bằng một cái áo sơ mi trắng thơm mùi long não.

Nhận ra sự băn khoăn của Ba Hà khi mặc chiếc áo, lúc lột hộ vỏ cái bánh ít bảo anh ăn đỡ đói vì anh chỉ còn một tay lành lặn, bà già cho biết: “Bánh này là bánh để cúng giỗ ông nhà tui sáng nay. Còn cái áo bây mặc là của thằng Ba con trai tui đang ở với anh Hai nó ngoài đồn dân vệ đầu ấp này. Sáng nay, giỗ ba chắc chắn tụi nó sẽ về đây, nhưng bây đừng lo, tụi nó là con tao như đứa con gái này, khi đó bây cứ vào hầm tránh pháo để lánh mặt…”. Sự nhập nhằng tiếng xưng hô giữa “tui” và tiếng “tao” nghe gần gũi của bà già càng giúp Ba Hà thêm yên lòng…

Đúng như lời của bà chủ nhà, khi nhang đèn của các mâm cúng giỗ sáng hôm ấy sắp được đốt lên thì hai đứa con trai của bà cùng nhóm bạn của họ kéo về. Nhìn sắc phục, anh biết họ đều là lính dân vệ. Ngồi trong hầm tránh pháo, Ba Hà cố theo dõi họ vui vẻ thù tạc nhau.

Trong các câu chuyện rời rạc, anh biết thêm người con lớn của chủ nhà là một trưởng đồn, các người còn lại đều là lính của anh ta. Anh chú ý nhất là câu chuyện của một người trong bọn họ nói về cuộc đụng độ giữa anh và Năm Đô với toán lính dân vệ của xã bên cạnh đêm qua.

Quan trọng là lời anh ta nhận định đó là “một cú ăn may”, bởi toán lính dân vệ đó sau khi ăn nhậu ở nhà dân còn say lửng cửng đang chuẩn bị kéo về đồn thì mấy tay Việt cộng “tới số” ở đâu đi ngang qua… Ba Hà thật bất ngờ khi nghe được câu chuyện, nếu sự thật như vậy thì đây có thể là sơ hở của Năm Đô và Ba Lé, chẳng có sự phản bội nào…

HỒNG ĐÀO