Truyện ngắn

Cuộc tình non nước

Cập nhật, 22:10, Chủ Nhật, 17/12/2017 (GMT+7)

HUỲNH NGỌC ẨN 

“Cha sanh cửa ải Nam Quang, mẹ sanh Cà Mau chót mũi. Tôi mở mắt chào đời trên đỉnh núi mà chân núi thì mọc từ đáy biển khơi. Tôi lớn lên giữa biển và trời mênh mông bát ngát. Bạn đứng gần tôi thì ít mà bạn lượn trên không thì đông vô số kể, dập dìu sau mỗi buổi hoàng hôn”.

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Kể rằng:

Cha mẹ tôi là đôi uyên ương chung mái trường đại học, thường kể cho nhau nghe sắc màu gấm vóc của giang sơn, trao đổi nhau ý tưởng về nét đẹp của quê hương mà hai người chưa một lần được bước chân ngắm thử: miền quan ải núi non hùng vĩ, cuối đồng bằng biển mặn ngập cá tôm, “ước ao sao mình bên cạnh sớm hôm cùng tô điểm cho quê hương Tổ quốc”!

Niềm ao ước ấy nội ngoại tôi hay được, liền đưa ra kế hoạch “chung thân”. Nội ra lệnh: “Thằng ni thì cứ việc đi mần, con nớ phải làm dâu nhà mụ”!

Ngoại thối thoát: “Ý này không đủ tốt. Bọn nhà này chỉ một gái mà thôi, làm việc thì làm việc đủ đôi, hết giờ phải có con có rể về nhà tui mới chịu”.

Cha mẹ tôi giập bầm vì chữ hiếu, chịu chia lìa vì nội ngoại đều quá thương, chẳng ai phụ ai mà lệ ngập dòng tương, nơi sở làm cố giấu dạ tư lương, làm sao để chu toàn nhiệm vụ.

Đang tấn thối lưỡng nan, cha mẹ tôi gặp được người bạn cũ đang vui vẻ trong quân ngũ ngoài đảo xa. Họ hàn huyên tâm sự với nhau mới biết được cảnh tình cha mẹ tôi thật vô cùng thảm não. Bạn kề tai hiến kế, cha mẹ tôi sáng mắt lắng nghe. Sau khi đắn đo suy nghĩ từ vui đến buồn, đắc chí rồi ủ dột, cha mẹ tôi chọn con đường bạn vẽ:

- Vậy muôn sự nhờ anh, chẳng những con đường sự nghiệp công danh được tiếp nối, mà bổn phận mình cũng được vẹn hiếu tròn trung!

Bạn của cha kể tiếp:

- Vì thân côi mà tôi chọn lấy nghĩa vụ ngoài hải đảo xa xôi, nhưng đó lại là con đường đưa tôi đến cuộc sống hoàn hảo nhất.

Cha mẹ tôi vui lây với bạn, niềm tự tin rực sáng cả cõi lòng:

- Chúng tôi được anh hướng dẫn, anh vừa là bạn, cũng vừa là thầy, mai sau gia đình chúng tôi được sum vầy, ơn anh biết lấy chi đền trả?

- Thôi thôi khách sáo quá, lo thu dọn kịp lên đường. Sau chuyến này, lâu lắm tôi mới được trở vào bờ, đừng để lỡ.

Sau khi xin chuyển việc, cha mẹ tôi cùng viết chung một bức thư, sao ra làm hai bản y nhau gởi cả cho nội và ngoại, rồi theo bạn ra đi.

Một hôm, ông bà nội tôi từ “biên thùy” phía Bắc vào tìm ngoại tận chót mũi miền Nam. Vừa gặp nhau, bà nội bi thương gào khóc:

- Anh chị ơi! Con Thắm nhà chị, thằng Nhuần nhà tôi đã nghỉ việc đi đâu mất rồi. Chúng tôi đến tận nơi hỏi thăm mới biết, cả hai đều chuyển việc vùng xa. Có thơ của chúng nó đây nè! Sao chúng nó không cần cưới hỏi chớ!

- Chúng tôi cũng có đây! Mà dường như thơ của anh chị giống y như của chúng tôi vậy cà!

- Đúng rồi! Trời ơi! Sao thế này?

Bà ngoại tôi cũng như nội, gào khóc như nhau, thật là… tâm đầu ý hợp.

Hai ông thì so hai bức thơ lại cùng đọc:

“Ba má ơi!

Chúng con chọn giải pháp này để tròn câu hiếu thảo tuy không phải ngay bây giờ. Đất nước đang cần sức mạnh của tuổi trẻ chúng con hiện có.

Chúng con phải kịp thời đáp ứng cho tròn nợ áo cơm với xã hội, ơn Tổ quốc chúng con xin báo bổ một đôi phần. Tình cảm riêng tư của chúng con biến thành sự hợp lực càng thêm vững mạnh trong công vụ. Xin ba má cố nén lòng chờ đợi ngày chúng con về đem lại tin vui.

Giặc đến nhà, trẻ già cũng phải đối mặt. Thà nơi chốn biên cương chúng con giữ chặt bờ cõi, tuy phải nhớ thương mòn mỏi trông chờ nhưng đất nước yên bình, ba má được kéo dài tuổi thọ”.

Ông nội, ông ngoại vỡ lẽ!

- Thôi bà ơi! Đừng khóc nữa, chúng nó “đăng lính” rồi, tận ngoài hải đảo xa xôi lận. Bà nín đi, để tui mua chiếc máy bay điều khiển từ xa, tui bấm nút cho bà qua thăm nó!

Thế là một trận cười nhỏ cho tạm khuây.

***

Bây giờ tôi đã là một thiếu niên, lần đầu tiên được ba má đưa về thăm nội ngoại. Có hai cặp già vừa thấy ba chúng tôi liền nhìn sững, trố mắt lom lom mà chẳng mở nổi ra lời:

- Ủa! Phải thằng Nhuần, con Thắm đây không?

Ba ôm chầm bà nội, má ôm chặt lấy bà ngoại. Còn hai ông thì túm siết tôi đến ngộp. Khi buông ra, hai ông đồng hỏi:

- Ủa ai đây? Chú em nào dễ thương vầy nè?

Ba vội vàng xá xá các ông bà:

- Con xin lỗi ba má, đây là con trai của chúng con. Vì hoàn cảnh, con chưa đưa được cháu về thăm ông bà nội ngoại. Nó là Hải Âu.

Tôi tự nhiên “cử hành đại lễ”, lạy nội ngoại mỗi người một lạy ra mắt. Tôi cảm thấy mắt mình bị mờ đi vì xúc động. Cuộc hội ngộ này như giấc mộng non tiên, phong cảnh lạ mà người cũng lạ, mối quan hệ càng mới mẻ vô cùng.

Tôi có cả ông bà nội ngoại như tôi hằng mơ ước khi xem trong sách vở hoặc nghe người kể chuyện về quyến thuộc thân bằng. Tôi từ bỡ ngỡ này sang ngạc nhiên khác khi hàng xóm càng lúc càng đông, cả chánh quyền địa phương cũng đến chúc mừng ngày tương hội.

Nhất là cha mẹ tôi cứ bị trêu bằng đủ thứ lời hay ý đẹp rằng “Đôi uyên ương này khôn quá là khôn, sẵn tổ yến nhào vô “đẻ trộm” rồi mang con về tạ lỗi với ông bà! Quả là khó bắt chước dữ!” Mãi lo tíu tít vui mừng, chẳng ai nhớ tới giờ khởi động của bao tử. Tôi gập người xuống ôm bụng, bà vội vàng xuýt xoa:

- Cháu cưng của bà! Con đau bụng hả? Cha mẹ mầy hư, cho con ăn bậy gì mà nó đau bụng vậy hả?

- Dạ không phải đau. Con đói ngoại ơi! Bao tử “vận hành” mà con không có “vật tư” bỏ vào cho nó nghiền. Đau quá!

Bà nội nóng ruột quát:

- Ê thằng Nhuần! Cháu tao nó nói cái gì thế?!

- Nó đòi ăn đó mẹ ơi!

- Ờ! Tưởng gì. Bà quên mất.

Thế là nào bánh tét, thịt kho, dưa hấu, canh hầm giò heo... Ôi! Vô số kể, bà tới tấp bày ra dẫy đầy.

Thì ra ông bà nội đã nhường cơ ngơi của mình cho dòng họ, dời vào Nam nhận đất của ông bà ngoại nhường cho. Hai sui gia nương tựa nhau từ lúc nhận được thơ giã biệt của cha mẹ tôi, cùng nén lòng chờ đợi.

Thắm thoát đã hết hạn thưởng xuân, ngày thi hành nghĩa vụ nối tiếp giờ đây đã đến. Bà nội lên tiếng trước cảnh tỉnh ba má tôi:

- Chúng mầy đi để cháu lại cho tao. Sẽ có lúc tụi mầy nhờ nó bưng lư hương làm hướng dẫn viên nhàn du nghĩa địa!

Tôi giật thót người cho cả hai đều sợ, nhưng sợ nhất là nỗi nhớ mẹ cha, tôi chưa từng một giây phút rời xa!

- Không được đâu má, nó đang chuẩn bị thi hết cấp, việc học hành không gián đoạn được đâu. Nhất là trong tổ chức chánh quyền nó “bị lọt mắt xanh” của các chú các bác nặng lòng ưu ái, đã sắp đặt sẵn nhiệm vụ tương lai cho nó rồi!

Chuyện nổi lên rôm rả tuôn ra với những chiến công, những thành tích, những nhiệm vụ cao cả, những nhu cầu đóng góp cần thiết cho việc chống xâm lăng.

Những tràng dài giải thích để các ông bà già buông tay cho con cháu mình tung hoành phỉ chí.

Bị cuốn theo dòng thác sôi nổi chuyện trò, các cụ vui vẻ tiễn đưa chúng tôi cùng những lời dặn dò đủ kiểu:

- Cháu cưng của bà ơi! Ráng học giỏi làm hay nghe cháu! Bọn chúng nó có đến quấy phá, cháu “rủa” nó chứ đừng lấy đá chọi nó chi cho phí của! Cháu đừng để mất cho dù là một hòn sỏi nhỏ cũng không nên!

- Dạ con xin ghi nhớ lời bà.

Những bàn tay vẫy dần dần lùi xa!