Tháng 10, thưởng thức sâu tre nướng mộc

Cập nhật, 05:22, Thứ Ba, 24/10/2017 (GMT+7)

Chúng tôi đến thăm anh Phạm Văn Crới (62 tuổi, trú tại thôn Éo, xã Ba (Đông Giang) ở Quảng Nam). Trong lúc “trẻ thời đi vắng, chợ thời xa”, anh cầm liềm ra bụi tre lồ ô sau nhà tìm bắt món ngon đãi khách.

Anh Crới khoe chiến lợi phẩm.
Anh Crới khoe chiến lợi phẩm.

Anh rúc giữa cụm tre lồ ô già, thoáng chốc đã mang ra những ống tre lồ ô có nhiều con sùng màu trắng đang ngoe nguẩy.

Anh Crới cho hay, loại sâu (sùng) này chỉ sinh sống trong ống tre lồ ô đến cuối tháng 10 dương lịch rồi hóa thân thành loài bướm theo lỗ thoát ra ngoài.

Người Cơ Tu gọi con này là con reng. Dấu hiệu nhận biết những cây lồ ô có sâu là các đốt tre lồ ô của cây có sùng ngắn lại.

hi quan sát kỹ thân cây, thấy một lỗ tròn bằng đầu mút đũa, thì đó chính là nơi sùng tre ở, chỉ cần chặt xong cây lồ ô đó là sẽ có một ống đầy sùng tre mang về.

Để làm món “sâu tre nướng mộc”, anh Crới trụng sâu tre qua nước sôi để làm sạch cặn bã. Sau đó, anh ướp với Amót (tiêu rừng), củ lá kiệu, ớt nướng, muối rang giã mịn rồi trộn vào ống tre.

Vừa nướng, anh Crới vừa cho hay, ăn sâu tre nướng ống tre rất thích hợp bởi hương tre lồ ô hòa quyện với sâu tre trở thành món ăn tuyệt diệu. Món này chính là món gốc của đồng bào Cơ Tu mình.

Ngày xưa, thợ săn, người đi làm rẫy cũng như cư dân nhờ món này mới duy trì được sức khỏe để chống lại “lam sơn chướng khí” nơi rừng thiêng nước độc.

Già Đinh Văn Bớt (70 tuổi, trú tại thôn Tà Lâu, xã Ba) cho hay: Theo truyền thuyết ông bà kể lại, ngày xưa có đôi nam nữ cùng làng yêu nhau nhưng gia đình không đồng thuận bởi sợ cận huyết thống.

Đôi trai gái liền bỏ làng ra đi, dắt nhau lên rừng tìm đất sống.

Những ngày chưa có lương thực, họ được một cụ già tốt bụng mách cho cách bắt con sâu tre và hái tiêu rừng, đọt thiên niên kiện về trộn lại gói trong lá thiên niên kiện rồi mang nướng trên lửa than.

Sùng tre nướng mộc rất thơm ngon.
Sùng tre nướng mộc rất thơm ngon.

Từ đó, lớp con cháu người Cơ Tu đều biết cách bắt và chế biến loài sâu tre hấp dẫn này. Món này ăn rất ngon bởi cái vị béo, bùi và rất ngọt của sùng tre chín hòa quyện với hương vị lá thiên niên kiện thơm nức mũi khiến cho món ăn trở thành “ngàn năm tráng kiện”.

Không gì hấp dẫn hơn vào ngày đông rét mướt, hương thơm món sùng tre lan tỏa bên bếp lửa hồng ấm áp của đồng bào và xúm xít người già, trẻ con xúm xít, quây quần thưởng thức.

Sâu tre nướng ống lồ ô hay nướng mộc là món ăn truyền thống, hấp dẫn của đồng bào Cơ Tu. Tuy nhiên, sâu tre chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn của năm vào khoảng tháng 10 dương lịch nên rất hiếm và ít người có dịp thưởng thức.

Du khách có dịp lên Đông Giang mùa này sẽ được thưởng thức “món ngon nhớ đời” từ những gia đình người Cơ Tu vốn hiếu khách và tốt bụng.

Hiện nay, một số người Kinh đã biết thưởng thức món ăn dân dã từ sâu tre và họ cũng biến tấu thành những món ăn quá ngon, “kêu không thấu trời”, như món sâu tre nướng lồ ô.

“Nướng sâu tre trong ống tre lồ ô phải trở đều tay, sao cho lớp vỏ tre không cháy vào bên trong mà gia vị cùng thân con sùng tre quyện đều vào nhau để khi chín dậy mùi thơm nức mũi.

Thưởng thức món sâu tre nướng mộc nhâm nhi cùng chén rượu tà vạt hoặc tr’đin giữa lúc bên ngoài trời mưa sụt sùi thì không có gì thú vị bằng.

Hiện nay, món sâu tre trở thành đặc sản, người dân tìm về không có nhiều để bán nên họ chế biến món ăn trong gia đình cũng như đãi khách quý hay làm quà tặng cho sui gia…”- anh Crới cho hay.

Bài, ảnh: TIÊN SA (Đà Nẵng)