Thử một lần nhớ đời- măng chua Tây Bắc

Cập nhật, 14:29, Thứ Ba, 11/07/2017 (GMT+7)

 

Chỉ quen biết nhau qua... a lô, nhưng khi vừa ra đến Hà Nội, anh Tân- ông chủ trang “Hoa Ban Food” chuyên giới thiệu văn hóa ẩm thực Tây Bắc- đã cho người mang biếu chúng tôi hũ măng chua Tây Bắc. 

Càng quý hơn, đây là hũ măng do chính tay anh Thêm- đồng bào dân tộc Thái mang từ Lai Châu xuống. Chưa biết nó ngon cỡ nào, nhưng mới hé hé ra khoe, đã thấy mấy bác người Hà Nội xuýt xoa hít hà vẻ thèm thuồng “ôi, đâu mà có hũ măng chua quý thế!”

Theo anh Tân thì bà con người Thái Trắng dùng măng tươi ngâm với nước khe để thành măng chua, nhưng với người Thái Đen thì lại đem măng tươi ngâm ủ với muối để tạo ra thứ măng chua có vị rất khác biệt.

Tuy nhiên, phải đúng là loại măng rừng cây nhỏ mọc hoang dã thịt dày mới cho ra thứ măng chua trắng tinh, vị chua thanh tuyệt hảo, còn măng nhà thì có lẫn vị nhẩn hăng hăng và hơi cứng.

Măng tươi chỉ lấy phần non, rửa sạch, bào thật mỏng. Chú ý không rửa nước sau khi đã bào mỏng. Sử dụng hũ, bình, cho măng tươi vào đổ nước ngập xăm xắp là được. Đậy kín nắp, để khoảng 2 tuần, khi nào thấy nước đã chuyển sang màu đục như nước gạo, có vị chua là có thể sử dụng được.

Măng chua làm đúng kỹ thuật, miếng măng phải giữ nguyên được màu trắng của măng tươi. Nước không được có váng vàng.

Mang đủ thứ lỉnh kỉnh các món đặc sản Tây Bắc nhưng vừa về đến Vĩnh Long, món đầu tiên chúng tôi “khai vị” là nấu món canh măng chua mời cả nhà.

Theo ông chủ Hoa Ban Food, đồng bào Tây Bắc nấu canh măng với loại cá bống suối nhỏ cỡ ngón tay, ở miền Tây chúng tôi thử “phối ngẫu” hương vị núi rừng Tây Bắc với cá bống dừa loại nhỏ, hóa ra nó cũng ngon... trời đất luôn. Những con cá bống đen trũi, ú nu nấu với măng chua thịt trở nên hơi dai, vừa béo vừa bùi, xương mềm mụp.

Điều đặc biệt là canh măng chua hoàn toàn không nêm nếm gì cả, chỉ cho vào chút muối với vài cọng thìa là, nhưng có thể làm mất đi vị tanh của cá bống nước ngọt. Cái cách chế biến đơn giản này mới giữ lại được trọn vẹn hương vị... nhớ đời của món măng chua.

Vị chua thanh vừa chạm đầu lưỡi cảm giác như đánh thức mọi tế bào vị giác, sau đó là cái hậu ngọt lừ dần ngấm vào tận bên trong, đúng là một muỗng canh đủ để đưa cay cho dân nhậu là tỉnh cả người.

Người đồng bằng thưởng thức món canh măng rừng, nó ngon còn vì tình cảm của vợ chồng ông chủ “Hoa Ban Food” và có cả tấm lòng của anh Thêm từ bản làng Lai Châu xa xôi. Một lần thưởng thức nhớ mãi không quên và lại nghe trong lòng thôi thúc thêm những lần trở lại với núi rừng Tây Bắc.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG