Giòn thơm bánh xèo

Cập nhật, 07:51, Thứ Ba, 21/03/2017 (GMT+7)

Giữa lòng phố thị một trưa hè nắng gắt. Mất điện. Không khí oi ả đến ngột ngạt. Trong tiếng còi xe inh ỏi, dòng người gấp gáp nhanh chân tìm nơi trốn nắng.

Bức bối, bực bội, tôi mang võng ra hông nhà phe phẩy quạt mà vẫn thèm cái bóng mát của vườn cây nơi quê nhà.

Cái vườn rộng, với những tán cây to tha hồ cho anh em tụi tui xúm xít vây tròn trên chiếc chiếu bày dĩa rau sống đủ loại cùng tô nước mắm chua ngọt sẵn sàng chờ đợi những chiếc bánh xèo đầu tiên của mẹ.

Không biết bánh xèo ra đời khi nào và ở đâu mà nó lại gần gũi và phổ biến đến vậy? Phải chăng tiếng xèo xèo khi đổ đã làm nên cái tên gọi cho chiếc bánh? Để rồi dù mỗi một vùng miền có một hình thức bánh khác nhau nhưng tựu trung vẫn cho ra chất dân dã của bánh xèo.

Món ngon dân dã: Bánh xèo.
Món ngon dân dã: Bánh xèo.

Bánh xèo Nam Bộ thường thì mùa nào thức nấy. Phổ biến nhất là dùng giá, củ sắn xắt sợi cùng với tép bạc, hến hoặc thịt vịt làm nhân.

Đến mùa mưa, măng mọc, nấm mối rộ trong vườn, bánh xèo được thay nhân mới bằng măng tươi xắt sợi hay nấm mối xào thịt ba chỉ thì còn gì bằng.

Qua mùa nước nổi, nhân bánh lại rực một màu vàng của bông điên điển. Và đôi khi ở một số quán ăn, nhà hàng, nhân bánh lại được sáng tạo bằng hải sản, thịt gà, nấm kim châm,... cũng hấp dẫn không kém.

Với những chiếc bánh đầy màu sắc lẫn mùi vị đó, khi ăn cuốn bánh trong các loại rau xanh và chấm với nước mắm chua ngọt có cà rốt, củ cải trắng xắt sợi ngâm giấm thì ai cũng phải ngấu nghiến ăn no thôi.

Những lúc tụ họp gia đình, mẹ tôi thường hay đổ bánh xèo. Món ăn theo mẹ, theo gia đình tôi là ngon, mùa nào thức nấy và cũng phù hợp với những buổi con cháu tề tựu.

Trong khoảng sân vườn mát rượi, trên bếp từng chiếc bánh xèo vàng ruộm được tạo nên từ bàn tay khéo léo của mẹ, dưới bếp tiếng trò chuyện rôm rả chảy dài theo những ngón tay thoăn thoắt cuốn cuốn, quấn quấn.

Cứ thế, ai cũng no đến căng cả bụng mà không hay. Cực cho mẹ tôi, lúc nào mẹ cũng giành phần đổ bánh. Mà thật ra cũng chỉ có mẹ mới đổ ra được những chiếc bánh tròn đều, chục cái như một. Biết con mình thích ăn bánh xèo, dù giờ cuộc sống đã khá tiện nghi nhưng mẹ vẫn giữ nguyên cái chái bếp sau vườn.

Mẹ hay bảo: “Để cái bếp cho tụi bây về còn có chỗ đổ bánh xèo mà ăn”. Đối với những người mẹ đâu có gì quý giá cho bằng phút giây sum họp gia đình.

Nghe con bảo là sẽ rủ nhau về, mẹ lui cui đi pha nước chấm, chuẩn bị bột và nhân làm bánh, còn cha thì vội cắp nón ra vườn ngó lại vạt rau xem đã đủ những thứ rau mà từng đứa ưa thích hay chưa. Cha không hái rau trước. Cha thường nói với mẹ: “Cứ để đó, tụi nhỏ về đứa nào thích rau gì thì mặc sức hái mà ăn”.

Nhìn vạt rau xanh mướt với đủ các loại rau vườn từ cải bẹ xanh, xà lách, diếp cá, rau thơm cho đến lá cách, đọt xoài, đọt cóc, cát lồi,... hứa hẹn một cuộc hòa phối thật tuyệt cùng với những chiếc bánh xèo.

Bánh vừa lấy ra khỏi chảo còn nóng hôi hổi, tay xé một miếng vỏ vàng ruộm, thêm nhân, cuốn thành cuốn dày với đủ các loại rau rồi chấm vào chén nước mắm cay cay. Vị béo của nước cốt dừa trong bột hòa cùng vị ngọt của thịt, tép quyện chặt với cái vị nhân nhẩn của cải bẹ xanh, thơm nồng của rau sống.

Bao nhiêu hương vị mặn, ngọt, chua, cay thay nhau đánh thức toàn bộ vị giác trong mùi thơm lựng của những chiếc bánh đang “xèo xèo” trên chảo nóng.

Thật ra bây giờ dù ở bất cứ đâu nếu muốn ăn bánh xèo thì ra hàng quán là sẽ có ngay. Nhưng tôi vẫn muốn được về ăn cái bánh xèo do chính tay mẹ đổ để được sống lại cái tuổi thơ quây quần bên mẹ, để tôi biết mẹ vẫn còn đấy bên tôi.

Bánh xèo nơi hàng quán cũng ngon, có sự sáng tạo, cầu kỳ, bắt mắt về hình thức nhưng đối với những người con thì bánh xèo của mẹ bao giờ cũng là ngon nhất.

Bài, ảnh: NHẬT LAN