Trà Ôn lan tỏa việc học tập và làm theo Bác

Cập nhật, 05:55, Thứ Năm, 27/05/2021 (GMT+7)

(VLO) Thời gian qua, việc “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành việc làm thường xuyên, thiết thực của mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi cá nhân trên địa bàn huyện Trà Ôn với nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả…

Học Bác, cán bộ, đảng viên ở cơ sở luôn gần gũi, quan tâm đến đời sống người dân.
Học Bác, cán bộ, đảng viên ở cơ sở luôn gần gũi, quan tâm đến đời sống người dân.

Trở thành hoạt động thường xuyên

Xác định việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là một trong những nhiệm vụ chính trị thường xuyên, trọng tâm, lâu dài, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội trên địa bàn đã đẩy mạnh công tác lãnh, chỉ đạo tổ chức triển khai, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 05 sâu rộng trong toàn Đảng bộ và nhân dân.

Cùng với đó, các cấp ủy cơ sở, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện chuyên đề hàng năm; 100% đảng viên, công chức, viên chức, người lao động cam kết đăng ký tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở đó, các tập thể, cá nhân đã đề ra giải pháp làm theo Bác một cách cụ thể, thiết thực gắn với nhiệm vụ chuyên môn của từng cá nhân, đơn vị…

Anh Nguyễn Văn Thành (xã Thới Hòa, bên phải ảnh) không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn chia sẻ kinh nghiệm cho người dân địa phương phát triển kinh tế.
Anh Nguyễn Văn Thành (xã Thới Hòa, bên phải ảnh) không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn chia sẻ kinh nghiệm cho người dân địa phương phát triển kinh tế.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Trà Ôn- Lê Hoàng Hậu, nhiều cấp ủy cơ sở đã thể hiện sự sáng tạo, lựa chọn và quyết tâm thực hiện Chỉ thị 05 bằng những cách làm hay, thiết thực, hiệu quả.

Từ đó đã đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành hoạt động thường xuyên, tự giác, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của các tổ chức đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên.

Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình, điển hình tiêu biểu như: mô hình “Phát huy quyền làm chủ của học sinh qua mô hình Ngôi nhà 200 đồng” của đồng chí Bạch Thái An- Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Tích Thiện; mô hình “Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer” của đồng chí Thạch Việt- Bí thư Chi bộ ấp Ngãi Lộ A (xã Trà Côn); mô hình “Vận động hội viên thực hiện mô hình tuyến đường hoa góp phần nâng chất tiêu chí xây dựng nông thôn mới” của đồng chí Nguyễn Thị Hà- Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Vĩnh Hòa (xã Hựu Thành); mô hình “Vận động thực hiện công tác xã hội hóa xây dựng cầu đường” của Chi bộ ấp Long Thạnh (xã Lục Sĩ Thành).

Hay như mô hình “Cấp phát giấy chứng minh nhân dân cho người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” và “Quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú” của Chi bộ Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội” (Công an huyện Trà Ôn); mô hình “Tiếp sức đến trường” của tập thể Chi bộ Trường Tiểu học Xuân Hiệp B... đã góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Từ đó, đã tạo sức bật để việc học tập và làm theo Bác trở thành phong trào thi đua lan tỏa trong toàn Đảng bộ và nhân dân.

Nhiều cách làm hay, điển hình tiêu biểu

Đến ấp Phú Hưng (xã Phú Thành), chúng tôi nghe người dân khen tuyến đường đan dài 900m vừa được đưa vào sử dụng. Trước đây, tuyến đường này xuống cấp trầm trọng, mùa mưa sình lầy, trơn trợt người dân đi lại rất bất tiện, còn học sinh thì hay bị té quần áo lấm lem…

Chi bộ ấp Trà Sơn (xã Hựu Thành) quan tâm vận động làm đường, đèn đường góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.
Chi bộ ấp Trà Sơn (xã Hựu Thành) quan tâm vận động làm đường, đèn đường góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.

Và để làm được tuyến đường đan mới này, phải kể đến công sức không nhỏ của đồng chí Nguyễn Thị Thưởng- Phó Bí thư Đảng ủy xã Phú Thành.

Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Phú Thành, là đảng viên sinh hoạt tại chi bộ ấp Phú Hưng nên hơn ai hết, bản thân thấu hiểu những khó khăn của người dân.

Nhận thấy đường sá chưa thuận tiện gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, đồng chí đã bàn với BCH Đảng bộ xã quyết tâm làm tuyến đường này.

Mặt khác, đồng chí không ngại vận động các mạnh thường quân, kêu gọi sự hỗ trợ của các gia đình có điều kiện ở địa phương để hỗ trợ kinh phí. Rồi bản thân cũng trực tiếp phân tích cho người dân về những cái lợi khi làm đường…

Bằng sự nhiệt tình, trách nhiệm của đồng chí và sự chung tay góp sức của mạnh thường quân và người dân, tuyến đường đan này được khánh thành trong sự phấn khởi của người dân
địa phương.

Đồng chí Nguyễn Thị Thưởng cho rằng: “Đảng và chính quyền muốn vững mạnh, trước hết phải được nhân dân tin yêu và tín nhiệm. Mà để làm được điều đó, Đảng và chính quyền phải biết chăm lo lợi ích chính đáng cho dân, biết cách phát huy sức mạnh đoàn kết của nhân dân”.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Chi bộ ấp Trà Sơn (xã Hựu Thành) luôn lắng nghe nguyện vọng của nhân dân để đưa ra nghị quyết, chủ trương đúng đắn chăm lo đời sống người dân ngày càng tốt hơn.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Trà Sơn Đặng Văn Bé Tư cho biết, xác định phương châm “nói thì phải làm, làm thì phải thật tốt”, cùng với việc hỗ trợ và vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế, chi bộ còn quan tâm vận động làm đường, đèn đường góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.

Đến nay, ấp không còn đường đất, tất cả các đường liên tổ đều là đường đá; các tuyến trục chính giao thông đều có đèn đường. Đặc biệt, hộ nghèo của ấp giảm rõ rệt qua từng năm, thu nhập bình quân đầu người là 51,5 triệu đồng người/năm.

“Đó là thành quả của sự đồng thuận trong tập thể cán bộ, đảng viên và khơi được sức dân cùng nhau vượt khó vươn lên, chung tay xây dựng quê hương”- Bí thư Chi bộ ấp Trà Sơn nói.

Thực hiện lời dạy của Bác, nhiều tập thể, cá nhân đã có những cách làm hay, sáng tạo góp phần dấy lên phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp.

Điển hình như cô Bùi Lê Xuân Trang- giáo viên Trường THPT Vĩnh Xuân- đã xây dựng tập thể lớp đoàn kết, biết quan tâm, yêu thương và chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Thông qua các chuyên đề “Khi sở thích xích mích với giới tính”, “Bạn gái lớp tôi”, “Xin lỗi- quẳng muộn phiền” hay lồng ghép các câu chuyện giáo dục học sinh theo từng giai đoạn… lớp học của cô chủ nhiệm được đánh giá là đoàn kết, sáng tạo trong học tập đến tích cực tham gia đạt thành tích cao trong tất cả các phong trào.

Còn anh Nguyễn Văn Thành (ấp Tường Hưng, xã Thới Hòa), không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn tận tình hướng dẫn kinh nghiệm trồng cam cho người dân để cùng nhau phát triển kinh tế. Từ đó, mà có không ít hộ dân địa phương “ngày càng ăn nên làm ra”.

Anh chia sẻ: “Nông dân giàu thì nước ta giàu mạnh. Chính vì thế, tôi luôn vươn lên và giúp đỡ bà con nông dân cùng làm giàu bằng chính mồ hôi, công sức của mình để góp sức xây dựng địa phương ngày thêm phát triển”.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ