Học phong cách dân vận của Bác- xây quê hương đổi mới

Kỳ 2: Huy động sức dân, chăm lo cho dân

Cập nhật, 18:42, Thứ Sáu, 21/05/2021 (GMT+7)

>> Kỳ 1: “Điểm sáng” cho bức tranh nông thôn

Chăm lo đời sống nhân dân là nhiệm vụ chính trị trung tâm, là thước đo đánh giá sự hoàn thành trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân. Và đó cũng chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của tập thể Chi bộ ấp Trà Sơn (xã Hựu Thành- Trà Ôn).

Với phương châm “lấy sự đoàn kết làm sức mạnh, lấy đời sống nhân dân là đích đến của mọi chủ trương”, chi bộ ấp đã tạo được sự đồng thuận trong tập thể cán bộ, đảng viên và khơi được sức dân cùng nhau vượt khó vươn lên, chung tay xây dựng quê hương ngày thêm đổi mới.

Chăm lo đời sống người dân

Trà Sơn là ấp xa trung tâm xã lại có đông đồng bào Khmer. Người dân địa phương chủ yếu trồng trọt và chăn nuôi nên đời sống còn nhiều khó khăn. Làm cách nào để nâng cao đời sống của người dân chính là điều trăn trở lớn nhất của tập thể chi bộ ấp.

Theo Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác mặt trận ấp Trà Sơn Đặng Văn Chính, để giải quyết vấn đề này, trước tiên chi bộ đã tích cực vận động người dân tự phát huy nội lực trong phát triển kinh tế gia đình thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư sản xuất các loại cây trồng mới hiệu quả như nhãn Ido, cam sành, bưởi da xanh…

Đi cùng với đó là tiến hành thống kê, rà soát và phân công từng đảng viên phụ trách tìm hiểu từng hoàn cảnh hộ nghèo, cận nghèo và khó khăn để trên cơ sở đó có giải pháp hỗ trợ thiết thực, xem người dân cần gì, thiếu gì thì hỗ trợ nấy. Chẳng hạn như dân chưa có nhà ở ổn định thì tìm cách vận động hỗ trợ kinh phí xây nhà; cho vay vốn xoay vòng hay hỗ trợ con giống với những hộ chí thú làm ăn nhưng thiếu kinh phí; còn chưa có việc làm thì giới thiệu tham gia các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm…

Đồng thời, để tiếp thêm động lực cho người dân, chi bộ còn quan tâm vận động mạnh thường quân tặng nhu yếu phẩm, quần áo, mùng mền cho các hoàn cảnh khó khăn và trao học bổng, quà cho các em học sinh vượt khó vươn lên học tốt…

Từ sự chăm lo nghĩa tình ấy mà nhiều hoàn cảnh vươn lên thoát nghèo, đời sống ổn định, nhiều hộ có “của ăn của để”, chất lượng cuộc sống cũng nâng lên. Như gia đình chú Thạch Thenl, kể từ khi được chuyển diện tích hơn 3 công đất lúa kém hiệu quả sang trồng cam sành thì kinh tế phất hẳn lên. Trong căn nhà khang trang chú phấn khởi cho biết: “Nhờ cam sành mà gia đình tui tích lũy kha khá vốn sửa sang nhà mới, sắm sửa các vật dụng thiết yếu phục vụ cho cuộc sống và mua thêm ruộng đất”.

Đặc biệt, có nhiều hộ được “trao cần câu” vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống giờ đây lại tiếp tục hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động khác, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội địa bàn.

Đến thăm gia đình chị Thạch Búp Pha, gần chục chị em vừa thoăn thoắt đan ghế nhựa lại vừa pha trò rôm rả. Từ hộ nghèo, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của địa phương nên gia đình chị thoát nghèo. Trong căn nhà mới khang trang, chị Búp Pha cho biết: “Nhờ được địa phương hỗ trợ kinh phí xây nhà mà gia đình tui mới có nơi ở ổn định. Từ khi có nhà mới, vợ chồng tui cùng nhau cố gắng vươn lên làm ăn và đã thoát nghèo hơn 3 năm nay”. Hiện vợ chồng chị là chủ CLB đan ghế nhựa, giải quyết việc làm cho 45 lao động địa phương…

Tuy không có ruộng đất nhưng gia đình chị Thạch Hoanh Na vẫn “sống ổn” nhờ nghề đan nhựa này. Theo chị, nếu chịu khó và có hàng làm đều đều thì vợ chồng chị mỗi tháng có thể kiếm khoảng 5- 6 triệu đồng.

Phó Bí thư chi bộ ấp cho hay: Ấp không chỉ có 167ha diện tích trồng cam sành được chuyển đổi từ lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn có các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm cho lợi nhuận từ 100- 200 triệu đồng/năm; có thêm cơ sở may gia công với hơn 20 thành viên, thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng/người.

5 năm qua, chi bộ đã vận động hỗ trợ xây trên 40 căn nhà, tặng hơn 2.000 phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo và các hoàn cảnh khó khăn... Nhờ đó, hộ nghèo của ấp giảm rõ rệt qua từng năm. Tính đến cuối năm 2020, ấp chỉ còn 7 hộ nghèo (chiếm 0,13%), 13 hộ cận nghèo (chiếm 0,24%).

“Giờ đây, đời sống người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc Khmer ngày càng đổi thay theo hướng tích cực. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người là 51,5 triệu đồng/người/năm, đứng thứ 2 trong toàn xã”- Phó Bí thư Chi bộ ấp Trà Sơn phấn khởi nói.

Huy động sức dân làm việc có lợi cho dân

Cùng với việc chăm lo phát triển sản xuất cho bà con, chi bộ ấp còn đặc biệt quan tâm và dành phần lớn thời gian cho việc thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn để “vừa đảm bảo cho dân đi lại dễ dàng vừa tạo diện mạo mới cho địa phương”. Nhận thấy đường sá giao thông chưa thuận tiện, chưa có đèn đường là hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt người dân, chi bộ đã họp bàn và tiến hành tổ chức lấy ý kiến của nhân dân để nâng cấp đường, làm đèn đường thắp sáng.

Phó Bí thư Chi bộ ấp Trà Sơn cho biết: “Ở chi bộ, tất cả chuyện lớn nhỏ đều vì lợi ích chính đáng của nhân dân. Sau khi bàn bạc thống nhất trong nội bộ, chúng tôi đưa những vấn đề cần thực hiện tại địa phương công khai ra dân để cho dân nêu ý kiến”.

Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Chi bộ ấp Trà Sơn ban đầu gặp rất nhiều khó khăn do một số hộ dân chưa “thông” về tư tưởng. Để việc vận động người dân hiệu quả, chi bộ lựa chọn những công trình bức xúc, dễ tiến hành trước. Bắt đầu là thi công đèn đường theo tuyến Đường tỉnh 901 và 907, vì đây là 2 tuyến lộ chính với lượng người lưu thông ngày càng đông đúc.

Mặt khác, chi bộ phối hợp với ban ngành, đoàn thể, tổ nhân dân tự quản đẩy mạnh tuyên truyền vận động song song với kêu gọi các mạnh thường quân cùng chung tay mang ánh sáng cho địa phương cũng là giảm bớt gánh nặng cho người dân. Cùng với đó, nhiều gia đình đảng viên đã tiên phong đóng góp kinh phí, ngày công lao động để dân thấy, dân tin rồi làm theo…

“Rồi khi tuyến đường có đèn điện thắp sáng, đêm đêm qua đây, bà con ai cũng yên tâm vì có đèn đường sáng trưng, an ninh trật tự càng đảm bảo”- anh Thạch Cường phấn khởi nói.

Từ việc thực hiện các công trình có lợi cho địa phương và sáng tạo, mềm dẻo trong cách vận động mà mỗi khi chi bộ phát động phong trào hay hoạt động gì cũng đều được người dân nhiệt tình ủng hộ. Như việc nâng cấp mở rộng, bê tông hóa đường liên Tổ 3 và 4, Tổ 9 và 11; thực hiện tuyến kinh Sáu Nửa đến phát động nhân dân cùng nhau trồng hoa dừa cạn, mắt ngọc và hơn 1.700 cây bông trang ven các trục đường chính…

Trò chuyện với chúng tôi, cô Thạch Thị Phượng ở ấp cho hay: Cán bộ, đảng viên nơi đây làm việc có trách nhiệm lại sống có tình, có nghĩa với dân, vì dân. “Chính vì vậy mà tui và bà con đều tham gia các phong trào như ủng hộ làm đường, trồng hoa và chí thú làm ăn phát triển kinh tế gia đình”- cô nói.

Diện mạo ấp Trà Sơn hôm nay ngày càng khởi sắc.
Diện mạo ấp Trà Sơn hôm nay ngày càng khởi sắc.

Về Trà Sơn hôm nay, điều mà ai cũng cảm nhận được là diện mạo nông thôn ngày càng tươi sáng, giao thông thuận tiện, đời sống vật chất lẫn tinh thần người dân thay đổi thấy rõ. Đến nay, ấp không còn đường đất, tất cả các đường liên tổ đều là đường đá, các tuyến trục chính giao thông đều có đèn đường, có tuyến đường hoa đẹp mắt…

“Và “quả ngọt” ấy chính là minh chứng rõ nét cho tinh thần đoàn kết, quyết tâm một lòng với quan điểm “việc gì có hiệu quả, có lợi cho dân, cho nước thì quyết tâm làm và làm tới cùng” của cả tập thể chi bộ ấp”- Phó Bí thư Chi bộ ấp Trà Sơn khẳng định.

Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN

>> Kỳ 3: Khắc ghi lời Bác “dân vận khéo” xây dựng nông thôn