Hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất: Phải rõ tiêu chí "tốt hơn nơi ở cũ"

Cập nhật, 13:28, Thứ Ba, 15/11/2022 (GMT+7)

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thể hiện nguyên tắc bồi thường, tái định cư khi thu hồi đất phải đảm bảo người dân có chỗ ở và cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Phải có nơi tái định cư trước khi thu hồi đất

Thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong phiên làm việc ngày 14/11, đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, quan điểm hết sức đúng đắn của Đảng tại Nghị quyết 18 trong vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân là khi Nhà nước thu hồi đất là phải có chỗ ở và đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Dự thảo luật đã đưa quan điểm này thành nguyên tắc bồi thường về đất đai khi Nhà nước thu hồi đất tại khoản 2 Điều 97.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) bày tỏ đồng tình với nguyên tắc bồi thường trên và đánh giá đây là một trong những quan điểm tiến bộ, nhân văn theo tinh thần Nghị quyết 18 của Đảng, phù hợp với lợi ích và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, nhất là những người có đất bị thu hồi.

Tuy nhiên, theo đại biểu, thực tế cho thấy để lượng hóa được vấn đề này, nhằm vừa thực hiện đúng và vừa đáp ứng được đầy đủ theo yêu cầu của người dân là rất khó và rất dễ dẫn đến tình huống người dân không chấp nhận phương án bồi thường do quy định không rõ ràng.

Do đó, việc quy định rõ ràng để hiểu đúng và vận dụng đúng các quy định của pháp luật về đất đai là một trong những cách thức để tránh tình trạng tranh chấp, khiếu kiện phát sinh.

Chính vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm các tiêu chí cụ thể hơn để định lượng, xác định rõ cơ chế quy định việc hướng dẫn, đồng thời phân công cụ thể trách nhiệm thẩm định, giám sát liên quan đến vấn đề này, nhằm đảm bảo tín hiệu lực hiệu quả và khả thi trong thực tiễn.

Cũng theo bà Trần Thị Thanh Hương, nguyên tắc bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi nhằm tạo sự linh hoạt và bảo đảm việc bồi thường phù hợp với nhu cầu của người có đất bị thu hồi và điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, do đó cần đánh giá kỹ tác động trên cơ sở nghiên cứu bảo đảm việc bồi thường bằng đất khác phải có giá trị tương đương với đất bị thu hồi.

Đồng thời, đại biểu đề nghị cần quy định thứ tự ưu tiên trong các hình thức bồi thường về đất với tinh thần thỏa đáng, công bằng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân một cách tốt nhất, tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện sau này.

Đồng quan điểm, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) đề nghị bám sát quan điểm xuyên suốt, đó là nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ và phải thể chế thật kỹ vấn đề này.

“Điều đầu tiên quy định của pháp luật phải chặt chẽ là phải có nơi tái định cư trước, đưa vào trong quy định Luật Đất đai một điều cấm, nếu như anh chưa bố trí tái định cư thì dứt khoát không được thu hồi đất. Có những trường hợp thu hồi đất 5, 7 năm sau chưa bố trí tái định cư, quỹ đất tái định cư chưa có, dẫn đến rất ảnh hưởng đời sống người dân” – ông Bình nói.

Tiêu chí cần cụ thể, trách nhiệm phải rõ ràng

Đại biểu Phan Thái Bình cũng đánh giá, hướng đền bù nhà cửa, vật kiến trúc trên đất theo đơn giá xây dựng mới là cách tiếp cận rất hay. Vì lâu nay khi nhà nước chưa đền bù thì người dân vẫn có thể ở trong nhà cũ, song khi áp giá đề bù lại khấu khấu hao tài sản nên người dân không thể xây dựng nhà mới được.

“Bây giờ chúng ta tiếp cận theo hướng đền bù theo đơn giá xây dựng mới, có nghĩa rằng đảm bảo có đủ điều kiện để xây dựng một chỗ ở mới, bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Đây là một cách tiếp cận rất tiến bộ, cần phát huy và quy định chặt chẽ trong luật” – ông Phan Thái Bình nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng
Đại biểu Phạm Hùng Thắng

Cũng liên quan đến việc bồi thường, đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) đề nghị xem xét nghiên cứu lại đối với quy định về đảm bảo thu nhập, vì việc tính toán thu nhập của người có đất bị thu hồi ở nơi ở mới so với nơi ở cũ là rất khó khăn, không xác định được chính xác và rất khó làm căn cứ để thực hiện.

Dự thảo quy định về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu án riêng nhằm giải quyết ách tắc, khó khăn của các dự án hiện nay.

Vấn đề này cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến trong các kỳ họp vừa qua, tuy nhiên, theo ông Phạm Hùng Thắng, nếu chỉ quy định chung là trường hợp cần thiết và giao thẩm quyền phân loại dự án thì cũng chưa chắc đã giải quyết được khó khăn, thậm chí còn tạo ra cơ chế xin - cho phức tạp hơn. Ông đề nghị nên quy định rõ tiêu chí để thống nhất áp dụng.

Cũng có ý kiến lưu ý, khi Nhà nước thu hồi đất, người dân mất đi một tư liệu sản xuất rất quan trọng, bởi vậy, việc bồi thường, hỗ trợ không chỉ bằng tiền mà điều quan trọng nhất là đảm bảo kế sinh nhai lâu dài, bền vững cho người dân.

Nếu không đảm bảo được điều này, họ sẽ rơi vào nguy cơ tái đói nghèo. Do đó, dự thảo cần có những quy định cụ thể về việc tạo sinh kế cho người dân khi bị thu hồi đất./.

Theo Ngọc Thành/VOV.VN