Phải đổi mới phương pháp dạy và học môn Lịch sử cho hấp dẫn

Cập nhật, 17:41, Thứ Tư, 01/06/2022 (GMT+7)

(VLO) Ngày 1/6, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh- đơn vị tỉnh Vĩnh Long có nhiều ý kiến đề xuất trong phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Chính phủ đã thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát lạm phát, tốc độ tăng trưởng đạt khá, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, đặc biệt là chính sách an sinh xã hội đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân và sự ổn định chính trị - xã hội.

Trong quá trình ứng phó đại dịch COVID-19, Đảng, Nhà nước ta đã kiên định mục tiêu bảo vệ quyền con người, bảo hộ công dân, bảo đảm sức khỏe và tính mạng của nhân dân với những chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, nhân văn và triển khai thực hiện kịp thời. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế và khó khăn theo đánh giá trong báo cáo của Chính phủ.

Do đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm sớm tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP; xem xét có giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ hơn trong các chính sách bảo hiểm xã hội, lợi ích lâu dài của việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội bền vững, hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, không để xảy ra tình trạng trục lợi bảo hiểm xã hội; khẩn trương hỗ trợ cho người lao động còn khó khăn về nhà ở yên tâm làm việc, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giữ chân lao động để phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế xã hội.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, về giảm nghèo bền vững, về ứng phó với biến đổi khí hậu; đổi mới đào tạo nghề, trong đó cần đổi mới công tác tuyên truyền như vấn hướng nghiệp, định hướng cho nông nghiệp, cho nông dân gắn với cơ cấu lao động, sinh kế và việc làm tại chỗ cho người lao động, tăng thu nhập cho người dân, coi đây là một trong những khâu đột phát trong xây dựng nông thôn phát triển bền vững và hiện đại.

Hiện nay, vấn đề đang được cử tri cả nước và đại biểu quan tâm là môn Lịch sử phải là môn học bắt buộc ở cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông. Với nhiều ý kiến phân tích và nhìn nhận từ nhiều góc độ đã khẳng định tầm quan trọng của môn học Lịch sử.

Lịch sử là quá khứ, là nơi chứa đựng giá trị văn hóa, kho tàng tri thức, tinh hoa văn hóa nhân loại, là những bài học kinh nghiệm phong phú, là sự thật khách quan về cuộc sống trong suốt quá trình tồn tại, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển.

Có lịch sử mới có tương lai, học lịch sử sẽ giúp học sinh biết về nguồn cội để biết ơn tổ tiên; hiểu về đức tính chịu thương, chịu khó; tinh thần đoàn kết, anh dũng, sáng tạo và thông minh của biết bao thế hệ trong đấu tranh bảo vệ bảo vệ non sông, bờ cõi để trân trọng giá trị cuộc sống và nuôi dưỡng niềm tin; giúp học sinh có kiến thức về tinh hoa của văn hóa nhân loại để học hỏi, giao lưu và hội nhập.

Ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm trong đổi mới phương pháp dạy và học lịch sử; có những mô hình và cách dạy lịch sử rất hay và sinh động. Tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của cử tri.

Vì vậy, trân trọng đề nghị Bộ GD-ĐT quyết liệt hơn nữa trong đổi mới phương pháp dạy và học môn Lịch sử sao cho hấp dẫn học sinh; chú trọng hơn việc dạy học sinh kỹ năng tìm hiểu, phân tích các thông tin về lịch sử thay cho phương pháp học vẫn còn khá nặng hiện nay là học sinh phải cố học thuộc để nhớ; dẫn dắt học sinh tìm đến môn học bằng sự chủ động, biến những bài học lịch sử thành những câu chuyện sinh động, dễ nhớ, nhớ lâu; khơi gợi và hình thành ở các em sự yêu thích đối với môn học Lịch sử.

Bên cạnh đó, để hình thành ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, hình thành thế giới quan và nhân sinh quan đối với học sinh không chỉ có ở môn học Lịch sử trong nhà trường mà còn có trong mọi sinh hoạt từ gia đình đến xã hội; từ mọi nguồn thông tin mà học sinh tiếp cận hàng ngày; từ các hoạt động mà học sinh được tham gia, trải nghiệm từ cộng đồng.

Thực tế hiện nay là học sinh chưa có nhiều điều kiện để học lịch sử từ cuộc sống; các thông tin các em tiếp cận hàng ngày cũng chưa có nhiều thông tin về lịch sử.

Bên cạnh đó, học sinh nói riêng và giới trẻ hiện nay nói chung có quan điểm, cách nhìn, cách nghĩ về cuộc sống có nhiều thay đổi; các em tìm sự chia sẻ, đồng cảm, giao tiếp và học hỏi qua môi trường mạng với nguồn thông tin vô tận và khó kiểm soát.

Do đó, tôi nghĩ rằng giáo dục về lịch sử nói riêng và giáo dục nói chung còn là trách nhiệm của toàn xã hội và của mỗi gia đình, cần có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

TÂM NHƯ (ghi)