Những câu chuyện Bác Hồ với đồng chí Phạm Hùng

Cập nhật, 05:42, Thứ Năm, 09/06/2022 (GMT+7)

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đồng chí Lê Giản, Phạm Hùng tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V tháng 1/1950. Đồng chí Lê Giản- Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương (bên phải), đồng chí Phạm Hùng- Phó Giám đốc Sở Công an Nam Bộ (bên trái).Ảnh: TL
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đồng chí Lê Giản, Phạm Hùng tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V tháng 1/1950. Đồng chí Lê Giản- Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương (bên phải), đồng chí Phạm Hùng- Phó Giám đốc Sở Công an Nam Bộ (bên trái).Ảnh: TL

Gặp Bác Hồ lần cuối

Đồng chí Phạm Hùng bí mật ra miền Bắc dự Hội nghị Bộ Chính trị vào tháng 4/1969. Đây là cuộc họp rất quan trọng bàn về đấu tranh cách mạng miền Nam, động viên toàn bộ lực lượng cả hai miền nỗ lực cao nhứt để giành thắng lợi.

Sau cuộc họp, Bộ Chính trị tổ chức ăn cơm chung với Bác tại nhà sàn. Bữa cơm thân mật có đủ các đồng chí trong Bộ Chính trị.

Ngày hôm sau 12/4/1969, Bác Hồ có buổi làm việc riêng với đồng chí Phạm Hùng trước khi đồng chí về Nam.

Trong cuộc gặp, trước tiên, Bác nhắc nhở đồng chí Phạm Hùng phải quán triệt tinh thần nghị quyết của Bộ Chính trị.

Phải chỉ đạo tỉ mỉ, sâu sát, sáng tạo, nhanh chóng củng cố và phát triển cơ sở chính trị, các đoàn thể ở nông thôn và thành thị. Phương châm chống phá âm mưu bình định của địch phải kết hợp đấu tranh chính trị với ngoại giao, kết hợp 3 mũi giáp công (vũ trang, chính trị, binh vận), kết hợp 3 thứ quân (chủ lực, quân địa phương và dân quân du kích), trên cả 3 vùng chiến lược (nông thôn, thành thị và rừng núi).

Phải xây dựng vùng giải phóng, hậu phương vững chắc, đào tạo lực lượng bổ sung, chú trọng xây dựng tình đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Củng cố phương tiện, điều kiện nắm bắt tình hình, phân tích, chủ động xử lý kịp thời mọi tình huống.

Bác gợi mở chi tiết và đề nghị chú ý tính năng động sáng tạo của mỗi cấp Đảng bộ. Đồng chí Phạm Hùng ghi chép cẩn thận lời căn dặn của Bác.

Lời cuối cùng, qua đồng chí Bí Thư Trung ương Cục miền Nam Phạm Hùng, Bác ân cần: “Gởi lời thăm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, chúc miền Nam giành nhiều thắng lợi! Bởi miền Nam luôn luôn trong trái tim tôi!”.

Đồng chí Phạm Hùng hứa quyết tâm làm tròn nhiệm vụ theo lời căn dặn của Bác, chúc Bác nhiều sức khỏe, sống lâu.

Đâu ngờ đây là lần cuối cùng đồng chí Phạm Hùng được gặp vị cha già kính yêu của dân tộc.

Hiểu sâu sắc về Bác

Đồng chí Phạm Hùng là một trong những người con ở miền Nam gặp Bác Hồ từ rất sớm.

Tại Việt Bắc, mùa Xuân năm 1950, đồng chí Phạm Hùng dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ năm, đồng chí tham gia Đoàn chủ tịch hội nghị, ngồi bên cạnh Bác Hồ và trình bày dự thảo: Đề án Công an nhân dân Việt Nam, một trong năm đề án được hội nghị thảo luận sôi nổi.

Sau cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, đồng chí công tác ở phủ Chủ tịch có dịp gần gũi với Bác Hồ, hiểu tấm lòng của vị cha già dân tộc kính yêu đối với đất nước, đặc biệt đối với đồng bào cả nước, đồng bào miền Nam gian khổ, chết chóc tù đày dưới ách xâm lược của đế quốc Mỹ.

Năm 1967, là Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí Phạm Hùng có dịp gặp Bác Hồ bàn về tình hình đất nước, đặc biệt là sự nghiệp chiến đấu giải phóng miền Nam, cũng như tấm lòng Nhân dân miền Nam ghi lòng tạc dạ công ơn của Bác, đồng chí Phạm Hùng thấy có trách nhiệm lớn phải sớm thực hiện nhiệm vụ giải phóng miền Nam thống nhứt đất nước, sớm rước Bác Hồ vào thăm.

Bỗng nghe tin đau xé lòng! Bác Hồ từ trần. Đồng chí Phạm Hùng cũng như đồng bào miền Nam, đồng bào cả nước vô cùng thương tiếc Bác.

Trong cuộc họp khẩn, Trung ương Cục miền Nam thông qua bức điện chia buồn giởi Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Phạm Hùng chính tay sửa và viết một đoạn trên bức điện dự thảo nội dung rất sâu sắc: “Dân tộc ta, Nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sản sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, Nhân dân ta, và non sông đất nước ta!”.

Câu văn đã khắc họa chân dung Bác Hồ kính yêu, được Bộ Chính trị đưa vào Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương, do đồng chí Lê Duẩn trình bày trong lễ truy điệu của Người.

Đây là tiếng lòng của Nhân dân viếng Bác, là tình cảm của Nhân dân, đồng chí, đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ mà đồng chí Phạm Hùng là một trong những người con tiêu biểu của miền Nam ruột thịt đúc kết, thể hiện.

Nhắc đến Bác Hồ

Các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến viếng Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH
Các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến viếng Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH

Sau khi ký Hiệp định Pari năm 1973, Mỹ rút quân về nước, chính quyền Sài Gòn tiếp tục dùng không quân, pháo binh, bộ binh càn quét nhiều ngày, chà đi xát lại, đánh phá ác liệt ngày đêm, chứng tỏ quân ngụy đủ sức mạnh thay quân Mỹ hòng trấn an binh sĩ đang hoang mang cao độ.

Trong hoạt động chống quân thù, do sự đánh giá khác nhau về so sánh lực lượng giữa ta và địch mà trên chiến trường miền Nam có những kết quả khác nhau.

Chỉ tính ở cấp quân khu, có nơi lực lượng ta địch tỷ lệ một chọi tám (ta một, địch tám), nhưng do biết nắm chắc chỗ mạnh của ta, chỗ yếu của địch, biết chủ động tấn công nên vẫn giành thắng lợi, tạo thế lực đi lên.

Có quân khu, lực lượng một chọi lại hai, song do đánh giá quá cao chỗ mạnh của địch mà không thấy hết chỗ nhược, chỗ yếu cơ bản của chúng, nên chỉ đạo thiên về phòng ngự cố thủ, thiếu tin tưởng tấn công, làm cho ta bị thất thế để địch lấn tới, thực hiện bình định phân tuyến, phân vùng.

Trước tình hình và nhận thức như thế, đồng chí Phạm Hùng trong hội nghị bao giờ cũng gợi mở, dân chủ thảo luận, bàn bạc để mọi người phát biểu, sau đó phân tích lý giải rồi mới kết luận, tạo sự nhất trí thuyết phục cao.

Vấn đề mấu chốt, đồng chí nhắc lại câu nói của Bác Hồ: “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng!”. Cuối năm 1974, nhờ việc nắm tình hình chiến trường và phân tích đánh giá của Trung ương Cục và Quân ủy Miền đã xây dựng kế hoạch thời cơ chiến lược, đi đến quyết tâm giải phóng miền Nam vào mùa xuân 1975, rút ngắn một năm so với kế hoạch chung.

Ngày 8/4/1975, cuộc họp Trung ương Cục, có Quân ủy Miền, Bộ Tư lệnh B2 và cán bộ Tổng Tham mưu tham dự. Đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị quyết định thành lập, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong không khí tràn đầy phấn khởi hội nghị hạ quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Cuối cuộc họp, đồng chí Phạm Hùng triều mến nói với các đồng chí trong Bộ Tư lệnh, các quân đoàn trước khi các đồng chí về triển khai kế hoạch trong đội hình chiến dịch.

- “Thời cơ giải phóng miền Nam đã đến. Đây là cuộc họp đồng tác chiến tuyệt đẹp để hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân trong cả nước từ khi có Đảng đến nay, đây là giờ phút lịch sử vinh quang nhứt.

Trước kia Quang Trung đánh quân xâm lược hành quân thần tốc, nhưng có điểm dừng chân. Ngày nay, các binh đoàn ta từ miền Bắc vào phối họp với lực lượng tại chỗ miền Nam thì không phải dừng chân ở đâu hết, đánh đâu được đấy, đánh nhanh thắng lớn!”.

Bằng giọng tự hào, cảm động và tin tưởng đồng chí Phạm Hùng- vị chính ủy đặt câu hỏi đầy trách nhiệm cho mỗi người suy nghĩ để hành động:

- “Làm sao kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ, chúng ta đã có mặt ở Sài Gòn!”

Nhắc đến Bác Hồ để mọi người suy nghĩ nâng cao trách nhiệm ra sức hoàn thành trọng trách mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân giao phó trước thời cơ lịch sử của dân tộc. Ý nghĩa đồng chí Phạm Hùng trước giờ phút thiêng liêng nhắc đến Bác Hồ là như thế đó.

NGUYỄN CHIẾN THẮNG