Nâng cao đạo đức công vụ để tạo sự hài lòng cho người dân

Cập nhật, 19:31, Thứ Hai, 27/06/2022 (GMT+7)

"Nâng cao đạo đức công vụ, cũng như tinh thần trách nhiệm của đội ngũ công chức trong giải quyết công việc cho người dân phải có một hệ thống theo dõi được hành vi của công chức".

 Kết quả đo lường về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong năm qua cho thấy, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính nói chung cả nước là 87%. Mặc dù vậy, vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt… của các bộ công chức, gây phiền hà sách nhiễu cho người dân. 

Trong những năm qua, nhiều địa phương đã tích cực chủ động thực hiện cải cách, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, tổ chức.

Điều này đã được khẳng định qua kết quả báo cáo vừa được Bộ Nội vụ công bố mới đây, theo đó kết quả đo lường về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính nói chung cả nước là 87%, tăng 1,68% so với năm 2020.

Tăng cường xử lý công việc trên môi trường mạng để tránh việc người dân với công chức tiếp xúc với nhau nhằm hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực.
Tăng cường xử lý công việc trên môi trường mạng để tránh việc người dân với công chức tiếp xúc với nhau nhằm hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, bên cạnh những kết quả tích cực, hiện vẫn còn hiện tượng người dân tổ chức phải đi lại nhiều lần hơn so với quy định để nhận được kết quả dịch vụ; tình trạng công chức gây phiền hà sách nhiễu tiêu cực đối với người dân, tổ chức trong quá trình cung ứng dịch vụ vẫn còn; cùng với đó, tỷ lệ người dân, tổ chức tham gia điều tra trả lời bị công chức gây phiền hà sách nhiễu vẫn tồn tại; 0,14% người dân, tổ chức cho rằng phải đưa tiền ngoài phí, lệ phí theo quy định…

Do đó, đây vẫn là những trở ngại không nhỏ trong quá trình cải cách hành chính, cần phải được các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác cải cách.

Qua đó, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thái độ phục vụ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, ông Nguyễn Hữu Dũng nêu ý kiến: "Bộ Nội vụ cần tiếp tục phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương, Hội Cựu chiến binh Việt Nam tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức trong hệ thống của mình phối hợp, để tổ chức thực hiện bảo đảm phát huy dân chủ, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị xã hội đối với quá trình triển khai cải cách hành chính tại các địa phương trong cả nước.

Tăng cường thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết và tinh thần trách nhiệm của người dân, tổ chức trong việc tham gia đánh giá kết quả cải cách hành chính."

Hiện vẫn còn hiện tượng người dân tổ chức phải đi lại nhiều lần hơn so với quy định để nhận được kết quả dịch vụ hành chính.
Hiện vẫn còn hiện tượng người dân tổ chức phải đi lại nhiều lần hơn so với quy định để nhận được kết quả dịch vụ hành chính.

Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính- Bộ Nội vụ, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cho rằng, đây là những hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Đồng thời cho biết, Bộ sẽ đẩy mạnh việc đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, kiểm tra theo dõi, đánh giá để đem lại sự hài lòng khi người dân, tổ chức tham gia thực hiện thủ tục hành chính.

Cùng với đó sẽ tăng cường xử lý công việc trên môi trường mạng để tránh việc người dân với công chức tiếp xúc với nhau nhằm hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực.

Ông Phạm Minh Hùng cho biết: "Nâng cao đạo đức công vụ, cũng như tinh thần trách nhiệm của đội ngũ công chức trong giải quyết công việc cho người dân, ngoài việc nỗ lực của công chức này thì phải có một hệ thống theo dõi được hành vi của công chức chỉ ra những thời điểm nào hoặc những vị trí nào công chức đang có những phiền hà sách nhiễu người dân có những chỉ báo để người đứng đầu có thể xử lý được.

Phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và xã hội để người ta cùng đồng thuận với mục tiêu cải cách hành chính, mà không tạo điều kiện cho công chức có cơ hội để mà tiêu cực"./.

Theo Thúy Hằng/VOV