Quốc hội thảo luận: Không được ngăn chặn, cản trở việc sử dụng, phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca

Cập nhật, 19:34, Thứ Ba, 31/05/2022 (GMT+7)

(VLO) Ngày 31/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Đại biểu cơ bản tán thành với dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ trình tại kỳ họp lần này và báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đáng lưu ý, đại biểu thống nhất cao với việc bổ sung vào dự thảo luật vấn đề liên quan đến thực thi tổ chức, cá nhân mà thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca thì không được ngăn chặn, cản trở việc sử dụng phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Ngoài ra, đại biểu cũng tán thành vấn đề kiểm soát việc sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước để phục vụ cho lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân được hưởng thụ những thành tựu từ phát triển khoa học công nghệ; đại biểu cũng nhất trí cao việc không thu hẹp đối tượng xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghiệp và giữ như luật hiện hành…

Theo các đại biểu, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là luật khó, phức tạp, có tính chuyên môn sâu và liên quan đến nhiều điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong các lĩnh vực về quyền tác giả, quyền liên quan từ các lĩnh vực về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, giống cây trồng,…

Vì vậy, việc nội luật hóa để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, không trái với các cam kết quốc tế, tận dụng được các cơ hội mà các hiệp định tự do đem lại để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội cũng như thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước là cần thiết.

TÂM NHƯ