Dành một đời để thấm nhuần và làm theo lời dạy "gần dân" của Bác

Kỳ cuối: Bài học "gần dân" làm nên một anh hùng

Cập nhật, 05:45, Thứ Ba, 04/05/2021 (GMT+7)

(VLO) Tham gia hoạt động cách mạng từ hồi kháng Pháp, ròng rã mấy mươi năm chống Mỹ, đến chiến tranh biên giới Tây Nam, ông trở thành chuyên gia “số 1” ở tỉnh Kampong Speu (Campuchia). Năm 2004, chuẩn bị về hưu ở tuổi… 73, Tỉnh ủy Vĩnh Long giao cho ông nhiệm vụ thành lập “Hội 4 không” (Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo), cho mãi đến 4 năm trước ông mới thực sự được nghỉ ngơi ở tuổi 85. Ông là nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long Ngô Ngọc Bỉnh (ông Sáu Kỳ).

Cuộc đời ông là minh chứng sinh động cho một tấm gương đảng viên cộng sản, tận hiến cuộc đời phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Đã dành một đời để thấm nhuần và làm theo lời dạy “gần dân” của Bác, đã làm nên một Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Ông Sáu Kỳ đã khơi nguồn cảm hứng cho bao lớp trẻ Vĩnh Long tinh thần học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ông Ngô Ngọc Bỉnh nhận danh hiệu cao quý “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”.
Ông Ngô Ngọc Bỉnh nhận danh hiệu cao quý “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”.

Người “anh hùng” có trái tim nhân ái

Nguyên tắc thực tế, thực tiễn, luôn gần gũi với quần chúng nhân dân, nắm bắt hơi thở cuộc sống đã tạo nên “ông Sáu 01” độc nhất, vô nhị cả nước, cũng là niềm tự hào của người dân quê hương Vĩnh Long, đã góp phần quan trọng tạo nên những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp toàn dân xây đời sống văn hóa khu dân cư từ hơn 20 năm trước.

Có thể nói, đây là cơ sở là lý luận nền tảng để hình thành công cuộc xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị ngày nay.

Đóng góp này mang tầm vóc tư duy, tầm nhìn vượt trước của ông Sáu Kỳ; một điều nữa không kém phần quan trọng so với lý luận, chính là cách thức tổ chức, thực hiện cho mỗi giai đoạn phát triển mở rộng nội dung, nội hàm của Chỉ thị 01.

Ông Sáu Kỳ nhớ lại, kỷ niệm khó quên trên đường ra Hà Nội họp triển khai Thông tri 04 của Trung ương UBMTTQ Việt Nam, xe đoàn Vĩnh Long… bị hư tại Nha Trang nằm lại 2 ngày, ra tới nơi mọi chuyện đã xong.

Coi như “mù tịt”, về triển khai sai thành “Tổ tự quản”, thay vì đơn vị cơ sở phải là ấp. Cho đến sơ kết 1 năm tại An Giang, mới vỡ lẽ và… làm lại từ đầu.

Ông Sáu kể lại: “Về cơ quan giao việc hết cho cấp phó, tôi ôm đống tài liệu “đóng cửa” nghiên cứu. Tôi phát hiện vấn đề là toàn dân, toàn diện, bao trùm, nhưng chỉ có 5 nội dung mà chỉ riêng Mặt trận thì chỉ có vận động tuyên truyền là không thể làm nổi, nên Vĩnh Long đã bổ sung nội dung “chính trị”, chuyển thành chỉ thị của Tỉnh ủy, mới có sức nặng”.

Chỉ thị 01 đã ra đời như vậy đó, Vĩnh Long từ “đi sau, làm sai” đã góp với Trung ương hình thành một chủ trương lớn với 2 nội dung quan trọng: Ban Tổ chức Tỉnh ủy chuẩn bị cán bộ, mỗi tỉnh ủy viên hoặc lãnh đạo đầu ngành nhận chỉ đạo xã; hàng năm Tỉnh ủy phải có dự trù kinh phí. Kế đó, Chỉ thị 01 được xem là “chiếc gậy” để Mặt trận tổ chức thực hiện.

Từ cơ sở ấp, Vĩnh Long xây dựng tiếp nội dung, tiêu chí cho Tổ tự quản, đến hộ gia đình. Không dừng lại ở đời sống văn hóa khu dân cư, lại tiếp tục mở rộng phạm vi, nội hàm ra văn minh cộng cộng, từ: cơ quan, trường học, bến xe, nơi thờ tự…

Như vậy, Chỉ thị 01 đã không để ai đứng ngoài cuộc từ lãnh đạo cao nhất tỉnh cho đến anh xe ôm, chị tiểu thương, giới tu hành…

Mà theo cách nói của ông Sáu Kỳ, là chúng ta đã tiến hành theo chiến thuật “leo thang” và cứ hết nấc này đến nấc khác, công cuộc xây dựng thay đổi bộ mặt nông thôn, đô thị sẽ không có “nấc thang cuối cùng”.

Hình như câu nói này nó cũng “vận đúng vào cuộc đời ông Sáu”, khi mà Chỉ thị 01 đang bước vào giai đoạn “chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu”, thì tuổi hưu réo gọi.

Vậy là bắt đầu cuộc dấn thân mới, mà lạ lùng khi tuổi càng cao thì sự cống hiến của ông Sáu càng tăng thêm nhiệt huyết, càng lan tỏa rộng và sâu hơn ở nhiều lĩnh vực. Để rồi từ “ông Sáu 01”, Vĩnh Long có thêm “ông Bụt” của hàng ngàn, hàng vạn gia đình, cá nhân nghèo, khuyết tật, trẻ em bị tim bẩm sinh…

Bước qua Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo- “Hội 4 không” (không trụ sở cơ quan, không lương, không cơ quan cấp trên, không kinh phí), ông Sáu Kỳ tiếp tục trở thành hiện tượng đặc biệt của cả nước và những con số hàng chục, hàng trăm tỷ vận động, hàng ngàn căn nhà, hàng ngàn ca mổ tim ở Vĩnh Long đã san sẻ bớt cho các tỉnh bạn… chỉ mới nói lên “phần nổi” phẩm chất của một anh hùng lao động.

Có chứng kiến những bước chân ông già “mái tóc bạc phơ” lặn lội khắp xã, ấp trên quê hương này, mới hiểu được một tấm lòng nhân ái, yêu thương cao cả.

Vĩnh Long có bao nhiêu xã, bao nhiêu ấp, thì đều có in dấu chân của “ông Sáu 01” và “ông Bụt” Sáu Kỳ.

Khi đi theo đoàn, lúc ngồi xe ôm cồng cộc vào tận vùng quê nghèo hẻo lánh, những căn nhà gieo neo giữa đồng sâu, ông cũng phăm phăm lội bộ hàng mấy cây số.

Không chỉ trao tặng số tiền mà để hiểu tường tận từng hoàn cảnh, từng tâm tư, từng cảnh đời, để mỗi quyết định, giải pháp đưa ra nó vừa phù hợp với hoàn cảnh thực tế, vừa gửi gắm sự động viên, trao cho nhau hơi ấm chân thành từ trái tim đến những trái tim.

Thực tiễn cuộc sống là trường học lớn

Mỗi lần công tác về xã Bình Phước (Mang Thít), chúng tôi có dịp ghé lại thăm ông Sáu dù ở tuổi sắp bước vào thượng thọ. Mỗi câu chuyện của ông luôn ấm áp thân tình, luôn lôi cuốn chúng tôi như còn tràn đầy nhiệt huyết, năng lượng.

Tấm lòng ông chưa thôi đau đáu về những cuộc đời đâu đó còn khó khăn vì nghèo khó, khổ đau vì bệnh tật trên quê hương mình.

Và bao giờ cũng để lại cho chúng tôi một bài học quý giá, sự cống hiến không ngừng nghỉ, tinh thần trách nhiệm mà không thể “ngồi yên trên bàn giấy”, hãy đi xuống cơ sở, hãy đến tận nhà dân, từng xóm ấp để nắm bắt thực tế và thực tiễn đời sống xã hội sinh động “sẽ dạy mình bao điều hay”.

Ở tuổi 89, hàng ngày ông Ngô Ngọc Bỉnh vẫn cho cá ăn, thăm vườn, xem như một niềm vui.
Ở tuổi 89, hàng ngày ông Ngô Ngọc Bỉnh vẫn cho cá ăn, thăm vườn, xem như một niềm vui.

Cơ sở và quần chúng cũng chính là sức mạnh vô địch giải quyết mọi khó khăn, thách thức. Ông Sáu nói câu chắc nịch: “Bài học quan trọng nhất là thực tiễn, nói là phải làm cho ra chuyện”.

Tác phong hành động và làm tới cùng, đã tạo “tiếng vang” thời ông Sáu qua làm chuyên gia bên Campuchia. Được giao bản đồ to không có chữ nào. Vậy mà mày mò thuộc hết tên tất cả các xã của tỉnh Kampong Speu, rồi ấp nằm cách xã bao nhiêu cũng thuộc hết.

“Lại thấy còn cưỡi voi đi chiến đấu trên núi, phải dùng voi tải đạn, tải gạo lên núi. Lúc đó tôi mới suy nghĩ đánh giặc gì mà như thời bà Trưng, bà Triệu vậy? Tại sao không làm đường giao thông”- ông Sáu kể.

Bí thư tỉnh Kampong Speu mới hỏi ngược lại: “Tiền đâu làm đường anh Sáu?” Vậy là ông đề nghị mua đinh 1 tấc, rồi áp dụng bài học huy động sức dân, phát quang hai bên lối mòn, hàng ngàn xe bò chở đất đỏ đắp lên; không có tiền làm bê tông thì xẻ gỗ làm cầu.

Mấy năm trời làm được hơn 300km đường, xe chạy tới tận xã, tận ấp. Phá thế độc đạo, mình đi cơ sở đường này, khi về đường khác địch biết đâu mà phục kích, tránh nguy hiểm thương vong.

Cũng tác phong như ở bên nhà, tỉnh Kampong Speu có bao nhiêu xã, bao nhiêu ấp đều in dấu chân ông Sáu Kỳ. Bữa tiễn đưa ông Sáu Kỳ về nước, Bí thư tỉnh Kampong Speu ôm hôn bịn rịn: “Tôi mà có quyền là giữ ông ở bên này luôn!”

Ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- đánh giá: “Từ thực tế cơ sở và chủ trương của Trung ương, đồng chí Ngô Ngọc Bỉnh đã đề xuất với Tỉnh ủy phát động phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nếp sống văn minh nơi công cộng” với mong muốn hình thành những cộng đồng dân cư văn hóa.

Với sự tham mưu của đồng chí, phong trào đã chọn việc đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng điện- đường- trường- trạm là điểm chỉ đạo đột phá. Từ phong trào, đồng chí đã giúp cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long có thêm nhiều mô hình hay, nhiều bài học kinh nghiệm quý về công tác dân vận”.

Nói về công tác dân vận, ông Sáu Kỳ khẳng định: “Cán bộ dân vận, mặt trận mà không chịu lao vô phong trào thì không thể xoay chuyển tình thế được. Chỉ ngồi ở nhà nghe báo cáo, ngồi máy lạnh thì không thể nào có tầm nhìn thực tiễn”.

Đây cũng là bài học Bác Hồ đã đúc kết trong 12 từ: “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, 65 tuổi Đảng, ông Sáu Kỳ đã sống nhất quán, thủy chung với phương châm “thực tiễn- hành động và hành động”, thấm nhuần và làm theo bài học “gần dân” cũng để đạt mục đích tối thượng như lời Bác dạy: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân”.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY