Dành một đời để thấm nhuần và làm theo lời dạy "gần dân" của Bác

Kỳ 2: Bài học từ phum sóc đến NTM cấp huyện đầu tiên của tỉnh

Cập nhật, 06:34, Chủ Nhật, 02/05/2021 (GMT+7)

Ông Lê Văn Xứ- nguyên Bí thư xã Đông Thạnh- thăm lại con đường từ Nhà Văn hóa xuống Chú Kiểng đang được nâng cấp mở rộng.
Ông Lê Văn Xứ- nguyên Bí thư xã Đông Thạnh- thăm lại con đường từ Nhà Văn hóa xuống Chú Kiểng đang được nâng cấp mở rộng.

(VLO) Nói về tầm quan trọng của công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”; “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Thực tiễn đã chứng minh tính chân lý lời Bác nói, khi những địa phương có cán bộ- nhất là cán bộ đứng đầu cấp ủy, chính quyền thì mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều được thực hiện thông suốt đến tận địa bàn dân cư nhỏ nhất.

Sau hơn 10 năm nhìn lại, những thành quả đặc biệt của TX Bình Minh khi trở thành nông thôn mới (NTM) cấp huyện đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long, là nhờ cán bộ có trách nhiệm trước Đảng và hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Riêng trong cộng đồng người Khmer, những “tà mê phum” (ông trưởng ấp) lại đóng vai trò quan trọng đặc biệt.

Lá cờ đầu xây dựng NTM

Đường về xã Đông Thạnh (TX Bình Minh) giờ đây đã khác, khác xa lắm hồi cái thời mới bắt đầu câu chuyện NTM.

Những con đường rộng mở liên xã, liên tuyến huyện thênh thang đã bật dậy một vùng đất nằm sâu giữa nội đồng; những địa danh nghe thật xa xôi, hẻo lánh: Giáo Mẹo, Đồng Đế, Đìa Vịt… giờ đây đã “mở mặt” ra những “xa lộ” ô tô qua lại bon bon, những vụ mùa xe tải nối đuôi nhau chuyển hàng nông sản tỏa đi các tỉnh.

Xây dựng NTM ngày nay đã được thông suốt, thông hiểu thấu đáo từ cán bộ lãnh đạo cơ sở cho đến người dân; nhưng nhớ lại cái buổi ban đầu quả là một hành trình gian nan, khó khăn đủ điều.

Do đó, khi bắt đầu chủ trương chọn xã điểm Đông Thạnh xây dựng NTM, Đảng bộ TX Bình Minh đã cân nhắc chọn lựa một đồng chí có đầy đủ năng lực, bản lĩnh trong Ban Thường vụ đưa về cơ sở.

Ông Lê Văn Xứ được phân công về Bí thư xã Đông Thạnh giai đoạn 2010- 2015 với nhiệm vụ xây dựng xã NTM đầu tiên của huyện.

Không thể nào quên được lần đầu tiên gặp ông Bí thư xã- Lê Văn Xứ, thấy ông đang xắn quần lội phăm phăm qua cánh đồng mênh mông nước đi vào xóm nhỏ có gần chục hộ tuốt trong đồng sâu.

Không biết ổng “òn ỉ” thế nào, mà giữa trưa đứng bóng thấy dân rần rần kéo nhau ra đốn cây, phá vườn, dẹp hàng rào nhường chỗ cho một con đường mới sắp được thi công và công trình nạo vét con kinh dẫn nước, lưu thông vô nội đồng.

Xế chiều, cô Tám Nga còn biểu tụi nhỏ bắt cặp vịt nấu cháo, ông Bí thư nhanh nhảu móc túi… hùn mấy kết bia.

Chúng tôi nghĩ đó chính là thành công lớn của công tác dân vận, làm sao để chẳng những dân tin mà còn yêu thương quý mến nữa; muốn vậy phải thật hiểu lòng dân.

Có lần xuống cơ sở thấy ông Bí thư xã bơi xuồng dọc theo con kinh vô nội đồng, rề rà theo mấy nông dân đặt dớn, câu lưới, lại hỏi thăm chuyện gia cảnh làm ăn, khi lại ngồi trà sớm nói cười rôm rả cùng mấy lão nông… Vậy nên, những cuộc vận động có khó khăn mấy rồi “cũng trôi”.

Chuyện nạo vét con kinh từ Chà Và vô Giáo Mẹo, cần mở rộng ra mỗi bờ 1m, cuối cùng chỉ còn hộ ông Sáu Mết mà đoàn vận động kiên trì từ xã đến cấp huyện, đến đoàn tỉnh cũng không êm. “Sáu Mết tuyên bố: “Bắn cái bùm, tao cũng không đồng ý!”

Cái lần cuối cùng đeo từ ngoài ruộng vô tới bụi tre sau hè, vô tới sàn nước rồi lên nhà trên, ra tới hàng ba ngồi tâm tình rỉ rả, từ sáng đến trời đứng bóng vẫn “không là không”.

Vậy mà cuối cùng trong bữa rượu đế tâm tình mà Sáu Mết gật đầu cái rụp”- ông Lê Văn Xứ cười khà khà nhớ lại. Còn biết bao nhiêu trường hợp khó khăn, “cứ đi thẳng, rồi đi vòng vòng, nhưng chạm được lòng người thì khó mấy cũng xong”.

Đông Thạnh ngày đó thật sự đã tạo nên một khí thế vô cùng hứng khởi, cán bộ lãnh đạo, cán bộ phụ trách đầy tâm huyết đi cơ sở khác nào “gõ cửa từng nhà” mà thuyết phục, giải thích một chủ trương lớn của Đảng, để khơi dậy lòng dân, tập hợp sức mạnh quần chúng.

Ông Lê Văn Xứ thường tâm sự: “Mỗi lần công tác xuống cơ sở, không phải là một “ông Bí thư” xuống chỉ đạo, chỉ thị này nọ mà phải lấy cái tâm, cái tình, là đứa con của xóm làng này đến với bà con giải thích cái hay, cái tầm quan trọng về đường lối, chủ trương của Đảng, tất cả đều vì lợi ích của nhân dân.

Xuống cơ sở như “cắm rễ” ở đó mà lưu lại sự kết nối thâm tình với bà con, đó chính là ý nghĩa sâu xa của công tác dân vận”.

Gần 30 năm làm “Tà mê phum”

Xã Đông Bình (TX Bình Minh) với 30% hộ dân trong xã là người dân tộc Khmer tập trung ở ấp Phù Ly 1 và Phù Ly 2, lại có đặc thù khó khăn riêng mà nhiều đồng chí lãnh đạo nhận định: “Chọn được Trưởng ấp Phù Ly 1, Phù Ly 2 còn khó hơn quy hoạch một bí thư, chủ tịch xã”.

Không phải ngẫu nhiên mà ông Vita Valey làm “Tà mê phum” Phù Ly 1 gần 30 năm nay. Có lẽ là trưởng ấp lâu đời nhất xứ miền Tây này.

Địa bàn còn nhiều hộ dân không có việc làm, không có đất sản xuất, thanh niên thường xuyên tụ tập nhậu nhẹt rồi đánh nhau, tệ nạn cờ bạc, đá gà thì “như cơm bữa”, rồi trộm cắp… đó là chuyện của hơn 10 năm trước, khi lần đầu chúng tôi về với Phù Ly:

“Nhớ lần đầu ghé hai ấp Phù Ly

nghe chuyện mưu sinh buồn như đèn dầu lụn bấc

tuổi trẻ ly hương người già ôm phum sóc

ruộng rẫy buồn, mùa gặt cũng buồn theo

nhớ lần đầu mình “pi net muôi keo” (2 người 1 ly)

chếnh choáng đêm sâu mơ nông thôn đổi mới

chuyện làm giàu nghe sao xa vời vợi…”

Trên địa bàn có 275 hộ đồng bào Khmer với 1.100 dân, ông Valey nói: “Mắt dân như mắt khóm, mình nói trật hay làm trật một cái thử coi, nói họ dễ gì nghe. Mình là cán bộ phải làm gương, gia đình mình phải gương mẫu”. “Vậy làm “Tà mê phum” cần điều gì nhất?”- chúng tôi hỏi.

“Nhiều lắm à, nhưng quan trọng nhứt là “sâl la thor” (đạo đức), rồi phải “sô phiêp” (khiêm tốn), phải hiểu phong tục tập quán, văn hóa (văp pă thor) đồng bào. Hông thôi khó lắm à!”- ông Valey giải thích.

Câu chuyện đổi mới nông thôn như một phép màu, đường về Phù Ly giờ đây nhà tường xây mới mọc lên san sát, những dự án chuyển đổi cây trồng mở rộng hàng chục mẫu đất, có hộ đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động điều khiển bằng điện thoại di động, những chuồng bò “đẻ ra vàng”, cuộc vận động người trẻ làm công nhân xa nhà quay về xây dựng làm ăn tại địa phương, những hộ nghèo “không có đường ra” cũng đã vươn lên thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, điện sáng, nước sạch kéo đến tận những hộ ở đồng sâu…

Tất cả nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự vận động kiên trì của những “Tà mê phum” như ông Valey (Bí thư kiêm Trưởng ấp Phù Ly 1), ông Sơn Mỹ Duyên (Trưởng ấp Phù Ly 2) mà trước hết chính gia đình họ phải chứng tỏ làm ăn kinh tế hiệu quả, bà con sẽ làm theo.

Căn nhà không thể tệ hơn của vợ chồng ông Sơn Xâm (62 tuổi) và bà Thạch Thị Sa Phi (55 tuổi) nằm ngay đầu ấp Phù Ly 1 là hộ nghèo… nổi tiếng, 2 đứa con nghỉ học đi làm công nhân trên Bình Dương. Giờ đã là căn nhà tường khang trang, chuồng bò từ chương trình hỗ trợ của Nhà nước mỗi năm “đẻ” được 40- 50 triệu đồng, 2 đứa con cũng quay về nhà được tạo việc làm ở Công ty Minh Phú (TP Cần Thơ) có xe đưa rước mỗi ngày, không tốn tiền ăn ở nên mỗi tháng dư ra đưa bà Sa Phi hàng chục triệu đồng. Mua được 1 công rẫy trồng đủ loại rau, bà Sa Phi 3 giờ sáng cắt rau đi chợ mỗi ngày thu nhập 100.000- 200.000đ.

Bà Sa Phi cười rạng rỡ: “Tui nghe lời mà bắt chước làm y chang nhà ông Valey, giờ hết nghèo rồi!” Gia đình bà Sa Phi chỉ là điển hình trong hàng trăm hộ khó khăn của vùng đồng bào Khmer đã vươn lên dư dả, tạo nên bức tranh NTM sinh động sắc màu tươi rói:

“Giờ qua Đông Bình lạc lối dọc, đường ngang

ngỡ ngàng rộng thênh thang cầu liên xã

anh Valey miên man chuyện nhà, chuyện cửa

chuyện bà con đưa cam sành về cho xứ ruộng đổi thay.

Giấc mơ ngày nào là câu chuyện hôm nay trầm mặc mái chùa

Lục Cả bàn chuyện nông thôn mới…”

Trong câu chuyện hứng khởi sự đổi thay của phum sóc, ông Sơn Mỹ Duyên- Trưởng ấp Phù Ly 2- chia sẻ: “Phải hiểu được phong tục tập quán của bà con để mà vận dụng. Mình lồng ghép những buổi bà con lên chùa, Lục Cả cùng các “À cha” (người uy tín) tiếp sức vận động bà con hiến đất làm đường, phấn đấu làm ăn để mà đổi đời.

Nhưng nói phải thiệt lòng bà con mới tin, rồi mình phải nêu gương làm trước. Nói hiến đất là tui hiến trước, vừa rồi tui ra Hà Nội được tuyên dương vì hiến 2 công đất làm đường liên ấp. Bà con trong xã gọi con đường đó là “đường Sơn Mỹ Duyên”. Nói chuyển đổi cây trồng tui làm trước, chuyển đất ruộng sang 2 công cam sành, 5 công chanh không hạt. Mình làm thành công, bà con tin lắm”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rất rõ về tính nêu gương của cán bộ, đảng viên: “Mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong Đảng và trong bộ máy chính quyền lại càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo, như lời Bác dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Kỳ cuối: Bài học “gần dân” làm nên một anh hùng

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY