Sinh hoạt tư tưởng

Nhận diện "bệnh" công thần

Cập nhật, 05:12, Thứ Năm, 03/12/2020 (GMT+7)

Công thần theo ý nghĩa của danh xưng thuần túy trong thời phong kiến là sự tôn vinh của Nhà nước phong kiến trước đây đối với các vị quan có công trạng lớn được vua tôi trọng dụng, nể phục ban tặng chức tước xứng đáng, quần thần thiên hạ lấy đó làm gương noi theo.

Như vậy, công thần theo đúng nghĩa chính là một bậc hiền tài, với nghĩa khí trung quân ái quốc, là công bộc luôn một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Ai cũng biết, cuộc đời của mỗi con người khi chào đời chắc chắn không thể có ngay được cốt cách, phong thái hơn người, mà phải trải qua một quá trình được dạy dỗ, giáo dục tích lũy từ lúc “nhân chi sơ tính bổn thiện”, đến sự tự tu dưỡng, rèn luyện trao dồi, cọ xát với thực tiễn mà hình thành nên nhân cách sống cả về đạo đức và tài năng.

Theo đúc kết của các nhà Nho học tiên tiến trước đây thì con đường trưởng thành, thăng tiến đến vinh hoa của một vị công thần phải tuần tự theo một lập trình là: Chính tâm- Thành ý- Tu thân- Tề gia- Trị quốc- Bình thiên hạ. Đó là thời nhà nước phong kiến, còn thời đại ngày nay thì sao?

Thời đại ngày nay, không ít người vỗ ngực xưng ta đây không ai bằng, họ chẳng qua là “sa cơ thất thế!” nên chịu thiệt thòi! Bởi vậy, họ coi cán bộ trẻ bây giờ chẳng là “cái đinh rỉ” gì so với cống hiến của họ trước đây. Nào là họ đã từng vào sống ra chết, chiến đấu trên bom dưới đạn, hết mặt trận này tới chiến trường khác.

Do đó, bây giờ cán bộ đương chức triển khai làm công việc gì mà “không xin” ý kiến họ, coi như hỏng (?) Thậm chí họ “chụp mũ” đối với đội ngũ cán bộ trẻ, cho rằng như thế là thiếu dân chủ, là khinh xuất đối với họ.

Chứ họ không nghĩ rằng đó là sự năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của lớp đàn em, đàn cháu mà họ đã từng tâm đắc rằng “hậu sinh khả úy”, có người ví họ như Thái Thượng hoàng thời @ quả không sai!

Thời đại ngày nay, có người lại lấy sự so sánh về tuổi tác, điều kiện công tác… mà suy diễn rằng: Nếu bây giờ họ còn làm việc thì chắc chắn họ đã có vị trí xã hội thế này, thế kia, chức này, chức nọ, thậm chí đã là cán bộ cấp cao, học hàm, học vị không thiếu thứ gì, chẳng thua ai (!) So sánh khập khễnh như vậy vô hình trung họ xem cán bộ trẻ bây giờ chỉ là hạng “tép riu” không hơn không kém.

Tôi đã từng nghe một cán bộ quân đội nghỉ hưu “phân trần” với một sĩ quan đương chức rằng: “Nếu đến bây giờ tớ vẫn tại ngũ, thì chí ít quân hàm cũng phải là đại tá chứ chẳng chơi!”

Điều đó cho thấy dưới cái nhìn rất chi là thiển cận của những người có suy nghĩ đơn giản như trên thì cán bộ trẻ trong quân đội hiện nay chẳng có công trạng gì, có người ví họ như là công thần biến tướng đấy thôi!

Thời đại ngày nay, “bệnh” công thần trong đội ngũ cán bộ chủ chốt hiện nay chính là những người dám “phủ nhận sạch trơn” những giá trị cống hiến to lớn của lớp cán bộ tiền nhiệm, thậm chí trong suy nghĩ của không ít cán bộ có chức, có quyền rằng truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông ngày xưa là chuyện của… truyền thống(!?)

Vậy nên, khi vấp phải nhiệm vụ khó khăn thì né tránh, đùn đẩy; gặp phải công việc gian khổ hiểm nguy thì chùn bước; luôn mang tư tưởng “dễ làm khó bỏ”; hay tranh công đổ lỗi; thấy việc đúng không ủng hộ, bảo vệ; thấy việc sai không đấu tranh, phê phán. Rõ ràng, đây là biểu hiện rõ nét nhất của chủ nghĩa cá nhân, một nét đặc trưng cơ bản của “bệnh” công thần cần phải loại trừ.

Cũng phải thừa nhận rằng hiện không ít cán bộ có công lao đóng góp nhất định, nhưng không tiếp tục cống hiến mà sinh ra kiêu ngạo, xem công trạng người khác không ra gì, lại đòi hỏi đãi ngộ quá đáng, nên phát “bệnh” công thần.

Điều đáng mừng là số cán bộ mắc “bệnh” công thần hiện nay trong bộ máy của Đảng và Nhà nước ta không nhiều, nó lại không lây lan tác hại như một số loại bệnh truyền nhiễm như COVID- 19, bạch hầu,… Tuy nhiên, nó cũng gây phản ứng tiêu cực cho các mối quan hệ xã hội hiện nay, cần nhận diện đúng và tẩy chay càng sớm càng tốt!

MAI MỘNG TƯỞNG