Đồng chí Võ Văn Kiệt và mùa xuân đại hội

Cập nhật, 05:16, Thứ Sáu, 24/01/2020 (GMT+7)

Cho đến bây giờ mỗi lần đại hội Đảng, các đồng chí am hiểu thường nhắc đến chuyện về chuẩn bị nhân sự cho đại hội. Câu chuyện đã xảy ra hơn 70 năm rồi nhưng vẫn còn nóng hổi về ý nghĩa thời sự của nó.

Đồng chí Võ Văn Kiệt- Phó Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá (trái)- và đồng chí Nguyễn Thành Nhơn- Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Rạch Giá (ảnh chụp năm 1948).
Đồng chí Võ Văn Kiệt- Phó Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá (trái)- và đồng chí Nguyễn Thành Nhơn- Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Rạch Giá (ảnh chụp năm 1948).

Hồi đó năm 1947…

Đồng chí Võ Văn Kiệt lúc ấy là Tỉnh ủy viên, được phân công làm Bí thư quận Phước Long (tức quận Hồng Dân) mới 6 tháng (từ tháng 1 đến tháng 6/1947) thì được nhận quyết định trở về tỉnh Rạch Giá nhận công tác mới: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Rạch Giá, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Bắt tay vào công việc mới vừa tròn 2 tháng, thì bất ngờ vào tháng 8/1947, đồng chí Võ Văn Kiệt nhận được quyết định của Xứ ủy Nam Bộ chỉ định làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá. Đồng chí Ngô Tam- Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá- được quyết định điều về công tác ở tỉnh Sóc Trăng.

Tỉnh ủy Rạch Giá gấp rút chuẩn bị tổ chức đại hội. Nhân sự được đề cử sáng giá nhất là đồng chí Võ Văn Kiệt dự kiến làm Bí thư Tỉnh ủy thay đồng chí Ngô Tam. Lúc này đồng chí Nguyễn Thành Nhơn đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Rạch Giá.

Đại hội dự kiến sẽ bầu Nguyễn Thành Nhơn làm Phó Bí thư Tỉnh ủy tiếp tục làm Chủ tịch tỉnh, còn đồng chí Võ Văn Kiệt sẽ làm Bí thư Tỉnh ủy.

Trong hội nghị bàn bạc, có số ý kiến phân tích rằng, hiện trong Tỉnh ủy, đồng chí Võ Văn Kiệt gốc là thành phần cơ bản, là cán bộ tiền khởi nghĩa (nghĩa là tham gia cách mạng trước Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940), là tỉnh ủy viên lớp đầu của tỉnh Rạch Giá, có quá trình cách mạng kiên cường, tư cách cá nhân và uy tín lãnh đạo cao… nên làm Bí thư Tỉnh ủy là hoàn toàn xứng đáng.

Lần lượt các đồng chí trong Tỉnh ủy đương nhiệm là Nguyễn Thành Danh, Trần Văn Hinh, Phạm Xuân Hòa, Trần Hữu Phước,… phát biểu bổ sung bày tỏ đồng tình. Tuy nhiên, coi như “bị ép”, đồng chí Võ Văn Kiệt bình tĩnh, phát biểu một cách thẳng thắn cương quyết và khóc: “Tôi đã tự nhận mình học hành không bao nhiêu, lãnh trách nhiệm quá lớn e sẽ gặp khó khăn cho tập thể và công việc chung”.

Đồng chí xin rút khỏi danh sách bầu cử và giới thiệu đồng chí Nguyễn Thành Nhơn làm bí thư. Sau khi trao đổi bàn bạc kỹ lưỡng, cuối cùng đại hội chấp nhận phương án của đồng chí Võ Văn Kiệt là đồng chí Nguyễn Thành Nhơn sẽ làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh, đồng chí Võ Văn Kiệt tiếp tục làm Phó Bí thư trực.

Chuyện “bị ép” làm lãnh đạo mà “khóc” là chuyện rất hiếm. Ở đây, hiểu sâu vấn đề, còn thể hiện sáng ngời tấm gương đạo đức của người cách mạng chân chính, đã tỏ rõ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân, biết tự trọng nhân cách, biết lượng sức mình với tấm lòng đắn đo trong sáng.

Đánh giá về hành động này, hiện nay nhiều đồng chí cho rằng đây là bài học quý giá vì không ít người ham chức ham quyền, không biết năng lực của mình, đua đòi, kéo bè kéo cánh, chạy chức chạy quyền không biết xấu hổ, làm những điều sai trái, vi phạm nguyên tắc của Đảng.

Bài học thứ hai là quá trình sau đó, ở cương vị của mình, đồng chí Võ Văn Kiệt hết lòng xây dựng khối đoàn kết nội bộ, trên dưới một lòng đánh giặc cứu nước, cứu dân, đưa tỉnh Rạch Giá phát triển đi lên toàn diện.

“Tổ chức Việt Minh cũng như vũ khí của họ được bổ sung dần. Họ có kinh nghiệm, có kỷ luật chặt chẽ, đang là lực lượng mạnh đáng kể mà ta không thể đánh giá thấp…”

“Toàn tỉnh, ta chỉ “bình định” được 6 làng, “bình định” bộ phận được 12 làng. Không “bình định” được 59 làng (tức Việt minh giải phóng) trong tổng số 77 làng của tỉnh Rạch Giá” (theo báo cáo của Tỉnh trưởng Rạch Giá gửi Thủ tướng ngụy quyền Sài Gòn tháng 10 và tháng 12/1947). Qua đó cho thấy Rạch Giá là tỉnh có phong trào kháng chiến mạnh.

Năm 2020 là năm tập trung đại hội Đảng các cấp, đánh giá kết thúc thắng lợi nhiệm kỳ 5 năm qua và đề ra phương hướng nhiệm vụ 5 năm tới góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.

Chào mùa xuân đại hội, nhắc lại chuyện đồng chí Võ Văn Kiệt “khóc” khi “bị ép” làm “lãnh đạo” để mỗi chúng ta tự thấy phải có tấm lòng trong sáng đề cao đạo đức cách mạng của người cộng sản, năng lực gắn với công việc, nhiệm vụ phải đảm bảo hoàn thành và chống chạy chức chạy quyền.l

NGUYỄN CHIẾN THẮNG