Kỷ niệm 30 năm trận hải chiến Gạc Ma (14/3/1988-14/3/2018)

Tinh thần và khí phách Gạc Ma sẽ được truyền dạy cho thế hệ mai sau

Cập nhật, 04:10, Thứ Tư, 14/03/2018 (GMT+7)

Theo TTXVN, trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1998 sẽ chính thức được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống trường phổ thông.

Tổng chủ biên Chương trình môn Lịch sử, Chương trình giáo dục phổ thông mới, GS Phạm Hồng Tung- Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội- khẳng định: Tinh thần và khí phách của 64 chiến sĩ trên đảo Gạc Ma đã anh dũng hy sinh trong trận đánh không cân sức để chống lại quân xâm lược nhằm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, sẽ được truyền dạy cho các thế hệ mai sau.

GS Phạm Hồng Tung khẳng định sự kiện Gạc Ma 14/3/1988 sẽ được đưa vào chương trình với những phương thức, mức độ, nội dung và vị trí khác nhau ở từng cấp học với thời lượng khác nhau.

Theo ông, sỡ dĩ sau tròn 30 năm các nhà sử học, nhà giáo dục mới đưa Gạc Ma vào chương trình giảng dạy vì có những lý do khách quan như: Các sự kiện lịch sử cần có độ lùi thời gian nhất định để cho nhà sử học làm công tác nghiên cứu thu thập đủ tư liệu, nghiên cứu thật sâu sắc.

 Đặc biệt là với các sự kiện lịch sử tương đối phức tạp, liên quan đến quan hệ đối nội, đối ngoại của đất nước thì phải nghiên cứu thật kỹ càng trước khi công bố và đưa vào giảng dạy.

Liên quan đến định hình nhận thức, định hướng văn hóa và tư tưởng cho thế hệ mai sau và bạn bè quốc tế thì càng phải thận trọng hơn.

Việc đưa trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 vào sách giáo khoa môn Lịch sử chính là hình thức mà những nhà sử học coi đây là hoạt động tri ân với 64 chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến ấy để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

PV