Quy định về làm thêm giờ đối với người lao động

Cập nhật, 12:47, Thứ Sáu, 23/09/2022 (GMT+7)

(VLO) Tôi có cơ sở chuyên sản xuất bánh kẹo, do những tháng cuối năm đơn hàng tăng nhiều nên tôi muốn cho công nhân làm thêm giờ thì phải đáp ứng yêu cầu gì?

Lê Hoàng Tín (TP Vĩnh Long)

Trả lời:

Pháp luật quy định thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động (LĐ) tập thể hoặc nội quy LĐ.

Điều 107 Bộ luật LĐ quy định, người sử dụng LĐ được sử dụng người LĐ làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây: Phải được sự đồng ý của người LĐ; bảo đảm số giờ làm thêm của người LĐ không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày;

trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày và không quá 40 giờ trong 1 tháng; bảo đảm số giờ làm thêm của người LĐ không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 điều này.

Ngoài ra, người sử dụng LĐ được sử dụng người LĐ làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây: Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản;

sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp, thoát nước; trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi LĐ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường LĐ không cung ứng đầy đủ, kịp thời;

trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất; trường hợp khác do Chính phủ quy định.

Khi tổ chức làm thêm giờ theo quy định tại khoản 3 điều này, người sử dụng LĐ phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về LĐ thuộc UBND cấp tỉnh.

NT. PHÒNG BẠN ĐỌC