Phải bồi thường khi để vật nuôi tấn công người khác

Cập nhật, 22:19, Thứ Ba, 16/08/2022 (GMT+7)

Tôi thấy ở thành thị có những hộ nuôi chó, mèo nhưng không có biện pháp bảo đảm an toàn cho những người xung quanh. Xin hỏi trường hợp để cho vật nuôi tấn công, gây thiệt hại thì chủ phải bồi thường thế nào?

Nguyễn Công Tạo

(Long Hồ)

Trả lời:

Theo Điều 66 Luật Chăn nuôi 2018, chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu: Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y; khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho UBND cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y; có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y; trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra, Điều 603 Bộ luật Dân sự quy định như sau:

- Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

- Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

- Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

TP. PHÒNG BẠN ĐỌC