Nhức nhối bạo lực học đường

Cập nhật, 07:47, Thứ Tư, 15/03/2023 (GMT+7)

 

Hình ảnh nữ sinh N.D. bị bạn đánh, đăng tải trên mạng xã hội.  Ảnh cắt từ video clip
Hình ảnh nữ sinh N.D. bị bạn đánh, đăng tải trên mạng xã hội. Ảnh cắt từ video clip

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện 2 video clip quay lại cảnh một nữ sinh bị một nhóm nữ sinh khác đánh bằng nón bảo hiểm, bị túm tóc, dùng chân đạp liên tiếp vào người, đầu, mặt, xung quanh có nhiều tiếng reo hò.

Qua điều tra, xác minh, 2 đoạn video clip trên ghi lại vụ việc xảy ra ngày 31/1 và 23/2, tại đoạn đường vắng và công viên trên địa bàn huyện Tam Bình. Nạn nhân được xác định là em L.T.N.D. (14 tuổi, học sinh lớp 8 tại một trường THCS ở huyện Tam Bình). Người được xác định “chủ mưu” vụ đánh bạn là V.P.T. (19 tuổi, ngụ phường Cái Vồn, TX Bình Minh).

Theo xác minh ban đầu, khoảng cuối tháng 12/2022, nhóm của T. hẹn D. ra đoạn đường vắng thuộc ấp Phú Ninh (xã Song Phú, huyện Tam Bình) để đánh D.. Hành vi của nhóm nữ sinh trên có dấu hiệu cố ý gây thương tích.

Khi xem 2 video clip này, nhiều người bất an trước tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ). Hiện nay, các vụ BLHĐ không đơn thuần là những mâu thuẫn trong nội bộ các em học sinh mà còn là của những học sinh đã bỏ học. Nhiều học sinh còn nhờ những người bên ngoài đến tận trường học để đe dọa, hành hung bạn học. Rất nhiều vụ việc đánh nhau hiện nay có sử dụng nhiều hung khí như gậy, nón bảo hiểm với khả năng gây thương tích cao. Đặc biệt, có nhiều vụ đánh nhau còn được quay video clip và đăng tải lên các trang mạng xã hội như để khoe một chiến tích. Cá biệt, có em thì đứng nhìn vụ việc bạo lực xảy ra một cách vô cảm, xem như một trò đùa. Có em thì hùa vào để kích động, cổ vũ cho những người trong cuộc tiếp tục kéo dài hành vi bạo lực hoặc kích động trả đũa,…

Hậu quả của những vụ việc BLHĐ ảnh hưởng rất lớn về cả thể chất và tinh thần của nạn nhân, tạo tâm lý bất an cho học sinh, phụ huynh và xã hội. Trước thực trạng trên, nhằm chủ động bảo vệ học sinh và phòng chống BLHĐ, thiết nghĩ nhà trường cần có biện pháp giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của các em học sinh về hành động, hậu quả của BLHĐ. Phân loại, khoanh vùng những học sinh cá biệt trên cơ sở đó có những kế hoạch, biện pháp giáo dục tư tưởng, để các em có nhận thức đúng đắn, tích cực.

Đồng thời, nâng cao công tác nắm bắt tư tưởng học sinh, phát huy vai trò của ban cán sự lớp, ban đại diện phụ huynh học sinh và giáo viên chủ nhiệm trong việc phát hiện mâu thuẫn, xích mích của các học sinh trong lớp học để có cách xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, nhà trường cần thường xuyên phối hợp với phụ huynh học sinh để tăng cường biện pháp quản lý, nhắc nhở, nhất là giải pháp tư vấn tâm lý học đường để có thể hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của các em, giúp các em giải tỏa những mâu thuẫn, xích mích với các học sinh khác.

Phía gia đình cần nghiêm túc nhìn nhận về cách giáo dục con cái. Cha mẹ hãy là bạn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ với con, uốn nắn kịp thời những biểu hiện tiêu cực của trẻ cũng như sớm phát hiện và có biện pháp bảo vệ con em mình trước nguy cơ là nạn nhân của BLHĐ.

T. THỊNH