Nghe loa phường kêu không lấn chiếm lề đường

Cập nhật, 14:04, Chủ Nhật, 26/02/2023 (GMT+7)

Sáng nào phường cũng phát loa kêu gọi người dân thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn đô thị xanh, sạch… Trong đó, có nội dung thông tin, khuyến cáo người dân không lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè làm nơi buôn bán vừa thiếu an toàn giao thông, vừa gây mất trật tự và mỹ quan đô thị.

Từ hơn tháng nay, chị bán cháo lòng đã dời điểm bán trên vỉa hè đường Nguyễn Thái Học (Phường 1, TP Vĩnh Long) vào con hẻm đối diện. Cùng với xe cháo lòng, kê vài cái bàn, ghế nhựa bán từ trưa tới gần chiều là hết và được dọn sạch sẽ, vỉa hè được trả lại như cũ. Chị cho biết do cán bộ phường vận động và có cả “đòi phạt”, nên chị đã thương lượng với lối xóm dời xe cháo vào con hẻm khá rộng, vẫn đảm bảo xe cộ trong hẻm lưu thông. Chuyện buôn bán lâu dài, bà con ủng hộ nên càng phải chấp hành quy định, đâu để cán bộ rầy rà hoài được.

Cũng tương tự, chị bán bún riêu ở góc cây cột điện gần đó dù bán lề đường “từ trước tới giờ”, người lao động xóm nghèo quen ngồi ăn “bụi bặm”… cũng đã dời vào chỗ bán mới. Mấy ngày hàng bún riêu dời đi ai cũng dáo dát tìm, chừng biết chị thuê được chỗ bán mới tươm tất ai cũng mừng. Bởi không chỉ bớt phiền lòng cán bộ phường cứ tới nhắc nhở hoài, mà không còn lo mưa gió nắng nôi phải chạy vạy che chắn, thiếu an toàn cho cả người bán và khách ngồi ăn. Khách hàng của chị vui vẻ trả thêm vài ngàn đồng một tô bún riêu “phụ tiền thuê nhà”. Vậy là từ hàng bún vỉa hè, tô bún riêu của chị đã ngon nay càng được “nâng cấp” chỗ ngồi ăn đàng hoàng và có thêm nhiều khách mới ghé vào hơn.

Sáng nay, nghe loa phường kêu không lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi buôn bán, nhiều người dân ở Phường 3 gặp nhau cứ gật gù đó là chủ trương đúng. Bởi nhiều tuyến đường được nhà nước đầu tư thông thoáng, vỉa hè sạch đẹp làm bộ mặt phường của mình thay đổi hẳn, mà vỉa hè hay lòng lề đường đều là công trình công cộng phục vụ nhu cầu của mọi người dân, nên dù là nhà ở hay kinh doanh, buôn bán cũng phải tuân thủ quy định, không thể chiếm dụng và coi như “sân nhà mình” được.

Một hộ kinh doanh ở Phường 3 cho biết, khi mới ra kinh doanh việc bày hàng hóa cho khách nhìn thấy để ghé mua rất cần thiết, có mặt hàng mới về và sẵn vỉa hè rộng rãi nên cứ thế bày biện ra càng nhiều càng tốt. Liền sau đó, đội trật tự phường tới thành phố thường xuyên nhắc nhở rồi đòi lập biên bản xử phạt, vì lo ngại ảnh hưởng hình ảnh, uy tín của mình nên sau đó hộ này chỉ trưng bày trong phạm vi cửa hàng không còn dám bày biện ra vỉa hè nữa.

Dù “rất muốn” lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán để giảm bớt chi phí thuê mặt bằng như chị bán cháo, bún riêu hay hộ kinh doanh kia, nhưng họ đã chấp hành khi được nhắc nhở. Nhưng người dân cũng bàn tán nhiều chuyện và đặt nhiều câu hỏi lắm. Vì sao chỗ này làm “căng” mà đôi ba chỗ còn lấn chiếm vỉa hè “chình ình” không bị xử lý? Vì sao hộ buôn bán nhỏ “nghe lập biên bản, phạt tiền là sợ lắm”, nhưng không ít hàng quán, nhà cửa xây dựng kiến trúc “ôm hết vỉa hè” vẫn bình chân như vại?

Chuyện đường thông hè thoáng luôn là mục tiêu các đô thị hướng tới và sẽ rất khó để “căng dây cho thẳng” trong xử lý rốt ráo việc thực hiện các quy định. Nhưng khi đã quyết tâm thực hiện “không lấn chiếm vỉa hè” phải cần có sự công tâm trong xử lý các trường hợp, đừng xử lý chỗ này mà “tình cảm” bỏ qua chỗ kia thì người dân hỏi sẽ trả lời không được.

LÝ AN