Để lễ hội được an toàn

Cập nhật, 11:41, Thứ Tư, 02/11/2022 (GMT+7)

(VLO) Nước ta là quốc gia có rất nhiều lễ hội, theo thống kê của Bộ Văn hóa - TT - DL, hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử - cách mạng, 544 lễ hội tôn giáo và gần 30 lễ hội du nhập.

Có thể nói bản chất sâu xa của lễ hội là hướng con người tới cội nguồn dân tộc, cội nguồn tự nhiên, nhớ về các sự kiện lịch sử, các anh hùng dân tộc được tôn thờ,...

Song hiện nay với nhiều vấn đề xã hội được đặt ra trong việc tổ chức lễ hội như một số địa phương coi lễ hội là nguồn lợi của địa phương chỉ chú trọng tập trung khai thác giá trị kinh tế làm phai mờ bản sắc văn hóa của lễ hội.

Nhiều nơi lập ban thờ, hòm công đức, nhiều du khách đặt tiền lẻ lộn xộn ở mọi nơi mọi chỗ, làm mất đi sự trang nghiêm thanh tịnh, gây phản cảm cho sinh hoạt lễ hội. Ngoài ra, các hiện tượng như du khách xả rác tùy tiện, đốt vàng mã còn nhiều, bất chấp quy định của ban tổ chức lễ hội giờ trở nên phổ biến...

Bên cạnh những mặt trái còn tồn tại của lễ hội thì vấn đề đảm bảo an toàn trong công tác tổ chức lễ hội cần được ban tổ chức đặt lên hàng đầu. Mặc dù những thảm họa nghiêm trọng trong các lễ hội tại nước ta chưa xảy ra nhưng tại một số quốc gia chuyện này xảy ra không phải là hiếm. Mà sự cố tại lễ hội Halloween ở Hàn Quốc vừa qua là một ví dụ điển hình.

Nguyên nhân gây nên những sự cố từ các lễ hội trên có rất nhiều nhưng chung quy lại là do sự chủ quan trong công tác quản lý của ban tổ chức, người tham gia lễ hội thiếu kỹ năng xử lý tình huống trong đám đông,...

Không chỉ ở các lễ hội mà hiện nay tại các điểm du lịch, phố đi bộ, chợ đêm, hay các sự kiện thể thao, âm nhạc ở nước ta có sự tập trung số lượng người rất lớn. Nếu không được quản lý tốt thì khi xảy các tình huống bất ngờ do cháy nổ sẽ khiến người tham gia bị hoảng loạn.

Những sự cố từ lễ hội hay các sự kiện là điều không ai mong muốn. Nhưng qua đó, bài học kinh nghiệm cần được rút ra cho công tác tổ chức quản lý lễ hội ở nước ta.

VĂN THI HOÀNG