Ngăn nước hay đón nước?

Cập nhật, 05:10, Thứ Sáu, 28/10/2022 (GMT+7)

Trong những năm gần đây, hễ đến mùa nước lũ tràn về kết hợp với triều cường dâng lên thì một số tỉnh ở ĐBSCL lại bị ngập cục bộ. Có nơi bị ngập sâu trong biển nước (nhất là ở khu vực đô thị) gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

Vấn đề đặt ra là tại sao hễ đến mùa nước lũ thì tình trạng nước ngập cứ tái diễn? Nguyên nhân do đâu? Thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nước ngập. Nhưng thiết nghĩ nguyên nhân chủ yếu là những cánh đồng ở vùng nông thôn đều được xây dựng đê bao khép kín, người nông dân trồng trọt quanh năm nên không cho nước tràn vào đồng ruộng. Một khi nước lũ tràn về không có chỗ thoát nên dẫn đến chuyện ngập ở khu vực thành thị là chuyện hiển nhiên.

Còn nhớ trước đây, khi chưa có đê bao khép kín thì tình trạng nước ngập không đến mức báo động như hiện nay (mặc dù trước đây mực nước không cao bằng hiện tại). Bởi, khu vực ĐBSCL có rất nhiều cánh đồng rộng lớn. Nếu nước lũ được xả vào các cánh đồng sẽ chia sẻ một lượng nước rất đáng kể. Còn ngược lại, nước không được xả vào những cánh đồng, chỉ có những con sông thôi thì làm sao chứa hết lượng nước? Do đó, nước tràn đến khu vực thành thị cũng là lẽ tự nhiên.

Như chúng ta đều biết, nước lũ từ thượng nguồn tràn về mang theo một lượng phù sa rất lớn. Trong khi đó, những cánh đồng ở ĐBSCL đang “khát” phù sa bồi bổ cho cây trồng. Nếu không xả lũ thì thật lãng phí tài nguyên phù sa. Trong khi, cây trồng có thể sinh trưởng và phát triển tốt thì người nông dân phải sử dụng nhiều lượng phân bón, chất hóa học. Tuy nhiên, làm như thế sẽ gây tốn kém không đáng có cho người nông dân, dẫn đến lợi nhuận sẽ không cao.

Thiết nghĩ, thay vì trồng trọt quanh năm, đến mùa nước lũ người nông dân hãy cho đất được “nghỉ ngơi” và xả lũ vào đồng ruộng để đón phù sa, góp phần giảm chi phí trong sản xuất, tăng thêm lợi nhuận cho người nông dân. Không những thế, xả lũ vào đồng ruộng còn là giải pháp hữu hiệu để chia sẻ áp lực ngập nước ở nhiều đô thị hiện nay.

NGUYỄN VĂN DÔ