Áp lực điểm số

Cập nhật, 12:06, Thứ Tư, 21/09/2022 (GMT+7)

(VLO) Đa phần các bậc phụ huynh luôn nghĩ rằng con đang tuổi ăn học thì phải học giỏi, luôn vâng lời làm theo sự chỉ dẫn của cha mẹ thì mới là con ngoan, trò giỏi.

Mong muốn con mình biết nhiều, biết sớm để không thua kém bạn bè, bắt con học cũng chỉ vì tương lai của con sau này. Điều này khiến các em càng không thể nói được cảm nhận của mình và sống theo sự áp đặt của cha mẹ.

Không hiếm để bắt gặp các em học sinh mang chiếc cặp to đùng hối hả vừa ăn bánh mì khi ngồi sau yên xe được cha mẹ chở đến lớp học thêm với lịch học thêm dày đặc. Các em dường như không còn thời gian để nghỉ ngơi. Nhìn những gương mặt mệt mỏi, ủ rũ, thậm chí là vô hồn!

Áp lực học tập quá lớn dễ tạo tâm lý uất ức, mệt mỏi, lầm lì, dẫn tới những suy nghĩ tiêu cực và cảm thấy bế tắc trong cuộc sống, ảnh hưởng xấu đến quá trình hình thành tính cách của các em sau này. Vậy cha mẹ có thể làm gì để giúp con có động lực trong học tập?

Thứ nhất, không tạo áp lực điểm số. Những câu nói chê bai và so sánh, một ánh mắt thất vọng, một tiếng thở dài của cha mẹ đều sẽ tạo ra áp lực vô hình khiến con luôn sợ kiểm tra, sợ điểm kém, mất đi hứng thú học tập, trở nên tự ti, khép kín…

Phụ huynh đừng chỉ đánh giá khả năng của trẻ vào những con số. Trước một bài kiểm tra, một bảng xếp hạng không như kỳ vọng, phụ huynh hãy cố gắng tìm ra điểm tích cực, động viên để tạo thêm động lực cho con cố gắng hơn.

Thứ hai, hãy hỗ trợ con trong việc học nếu cần thiết. Phụ huynh có thể ở cạnh, cho những lời khuyên và hướng dẫn con những cách làm tốt hơn, sáng tạo hơn cho bài học. Dành thời gian cho con, cùng con học, nhờ con giảng lại bài, đây là cách giúp con ghi nhớ sâu những gì đã học.

Thứ ba, quan tâm cảm xúc và suy nghĩ của con. Mọi mối quan hệ đều sẽ tốt đẹp hơn khi được xây dựng trên nền tảng tình bạn. Trước khi là một bậc phụ huynh, phụ huynh hãy là một người bạn tâm lý với con cái.

Quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ của con, thử đặt mình vào vị trí của bé, tôn trọng ý kiến... là những cách bạn dần gầy dựng lòng tin tưởng ở con. Điều này sẽ giúp con trở nên tự tin hơn, tạo động lực cho con trong học tập và trong các hoạt động khác.

Thứ tư, trân trọng sự cố gắng và thành tích của con. Bất kể con đạt được kết quả tiến bộ trong việc gì, phụ huynh hãy nhận ra và trân trọng sự tiến bộ đó. Nếu bạn liên tục “tiếp lửa” sẽ giúp truyền cảm hứng cho con học tập và hãy tập trung vào các điểm mạnh, khuyến khích phát triển tài năng của con.

Thứ năm, tìm kiếm môi trường giáo dục phù hợp cho con. Thay vì bắt con làm mọi thứ rập khuôn một cách nhàm chán, cha mẹ có thể khéo léo đưa con vào môi trường- nơi bé có thể được làm điều mình thích, phát huy khả năng của con.

Việc tạo quá nhiều áp lực sẽ khiến con luôn bị căng thẳng, hạn chế khả năng tư duy và sáng tạo cần có. Cho nên cha mẹ cần cho con động lực cần thiết và một tinh thần tích cực! Lúc ấy, phụ huynh sẽ thấy con có thể làm được những điều mình chưa từng ngờ tới!

MAI THẮM