Tầm quan trọng của việc kiểm soát nhiễm khuẩn

Cập nhật, 15:00, Thứ Năm, 28/03/2024 (GMT+7)
Phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện tốt thì bệnh nhân sẽ được hưởng lợi, giảm đề kháng kháng sinh, giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí...
Phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện tốt thì bệnh nhân sẽ được hưởng lợi, giảm đề kháng kháng sinh, giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí...

Hội thảo khoa học kiểm soát nhiễm khuẩn quốc tế 2024 vừa được Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức với chủ đề chính “Kiểm soát nhiễm khuẩn tại đơn vị trọng yếu và đáp ứng dịch tại cơ sở y tế”.

Tại hội thảo, nhiều báo cáo về kiểm soát nhiễm khuẩn cho người bệnh ghép thận, người bệnh phẫu thuật, người bệnh có các vết thương khó lành, kiểm soát nhiễm khuẩn tại các khu phẫu thuật, đơn vị lọc máu;… đã được chia sẻ.

Theo TS.BS Nguyễn Tri Thức- Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, hội thảo mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc góp phần thay đổi góc nhìn về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn ở Việt Nam.

Trong quá trình phẫu thuật, điều trị của người bệnh tại các cơ sở y tế thì vai trò của kiểm soát nhiễm khuẩn rất quan trọng nhưng hiện nay tư duy, suy nghĩ của nhân viên y tế ở Việt Nam nói chung về kiểm soát nhiễm khuẩn thật sự chưa đầy đủ và chưa đúng vai trò của nó.

“Cứ nghĩ rằng bác sĩ mổ xong, lột đôi găng tay ra là thành công. Điều này là hoàn toàn sai, vì trước mổ, trong mổ và sau mổ thì vai trò của kiểm soát nhiễm khuẩn rất quan trọng. Phải điều trị một cách toàn diện thì người bệnh mới giảm thiểu nhiễm trùng, người bệnh mới được hưởng lợi, giảm đề kháng kháng sinh, giảm chi phí và đảm bảo an toàn cho người bệnh. Phải thay đổi tư duy về kiểm soát nhiễm khuẩn trong quá trình điều trị bệnh nhân và Bệnh viện Chợ Rẫy đề cao vấn đề này”, TS.BS Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh.

Tính đến tháng 2/2024, trên cả nước mới chỉ có 96 bệnh viện tham gia giám sát và thực hiện báo cáo trong mạng lưới giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện quốc gia. Thực tế này cho thấy các bệnh viện vẫn chưa chú ý tới giám sát kiểm soát nhiễm khuẩn, một số nơi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc tập hợp dữ liệu.

Bên cạnh đó, nhân sự trong giám sát kiểm soát nhiễm khuẩn cũng không ổn định, thường xuyên có sự luân chuyển, thay đổi, không được tập huấn, đào tạo đầy đủ nên đôi khi chưa hiểu đúng, hiểu đủ về việc giám sát. Việc thiếu hụt sinh phẩm xét nghiệm do đấu thầu bị chậm giai đoạn hậu COVID-19 cũng ảnh hưởng đến công tác xét nghiệm giám sát nhiễm khuẩn….

Những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự xuất hiện và tái xuất hiện nhiều dịch bệnh từ COVID-19 đến virus Zika, Ebola và nhiều loại virus.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và di chuyển quốc tế ngày càng tăng, sự bùng phát các bệnh trên, cùng sự xuất hiện của các mầm bệnh mới đã đe dọa sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới và gây ra hậu quả nặng nề về kinh tế, xã hội. Việc giám sát kiểm soát nhiễm khuẩn và phản ứng kịp thời trước các bệnh dịch không chỉ là trách nhiệm của mỗi quốc gia, cơ sở y tế và mỗi cá nhân.

Bài, ảnh: MAI ANH