Trẻ mắc COVID-19 gia tăng, phụ huynh bình tĩnh chăm trẻ

Cập nhật, 06:17, Thứ Sáu, 18/03/2022 (GMT+7)

 

Trẻ nhỏ mắc COVID-19 được theo dõi, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tam Bình.
Trẻ nhỏ mắc COVID-19 được theo dõi, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tam Bình.

(VLO) Mặc dù các trẻ mắc COVID-19 thường có triệu chứng nhẹ nhưng vẫn có những trường hợp chuyển nặng và trên thực tế, có không ít tình huống phát sinh khi trẻ mắc COVID-19 mà các bậc phụ huynh còn bối rối, chưa biết xử trí sao cho đúng khi tự tay chăm sóc trẻ tại nhà.

Trẻ bị thủng dạ dày do dùng thuốc không đúng

Theo các bác sĩ, hiện có tình trạng cha mẹ mua cả thuốc chống viêm, chống đông cho trẻ đang điều trị COVID-19 tại nhà dù chưa được kê đơn. Thậm chí, có người còn sử dụng cả đơn thuốc của người lớn cho trẻ nhỏ.

Chị N.N.T. (TP Vĩnh Long) có con trai học lớp 3 mắc COVID-19. “Do sốt ruột khi con trai ho và khàn giọng nhiều. Vợ chồng chị uống thuốc kháng vi rút chị cho con uống luôn nhưng giảm liều. Tới khi con gái nhỏ 4 tuổi bị sốt cao, chị đưa đi khám thì kể có cho con trai uống thuốc, bác sĩ la quá chừng”.

Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng liên tiếp ghi nhận và điều trị 2 trường hợp bệnh nhi mắc COVID-19 bị thủng dạ dày nghi do dùng thuốc kháng sinh không đúng cách.

Cụ thể, một bệnh nhi 10 tuổi tại huyện Tiên Lãng dương tính SARS-CoV-2 được các bác sĩ của bệnh viện hội chẩn từ xa sau khi có biểu hiện đau bụng dữ dội vùng trên rốn kèm sốt, nôn. Hình ảnh chụp X-Quang cho thấy bệnh nhi có liềm hơi dưới vòm hoành 2 bên.

Khi được chuyển đến Bệnh viện Trẻ em, bé được chẩn đoán bị viêm phúc mạc do thủng dạ dày/mắc COVID-19. Bệnh viện này sau đó cũng tiếp nhận thêm một bệnh nhi khác mắc COVID-19 với triệu chứng đau bụng dữ dội, nôn và có kết quả thủng dạ dày tương tự.

Các bệnh nhi đã được y, bác sĩ cấp cứu, phẫu thuật nội soi, khâu lỗ thủng dạ dày, dẫn lưu ổ bụng song song điều trị COVID-19. Đến nay, các bé đều đã được điều trị khỏi và xuất viện.

Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng- nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, nhiều phụ huynh dùng đơn của người lớn cho trẻ thì thận, gan của đứa bé có chịu được không, tác dụng phụ của thuốc đã mệt rồi chưa nói đến COVID-19.

Còn loại thuốc kháng vi rút vốn chỉ dành cho người lớn thế nhưng không phải cha mẹ nào cũng hiểu rõ điều này.

Trên thực tế, ở nước ta chưa có chỉ định thuốc kháng vi rút dành cho trẻ em do hầu hết trẻ chỉ ở mức độ nhẹ. Bên cạnh lợi đó, lợi ích của thuốc kháng vi rút không rõ ràng và chưa có bằng chứng cho thấy thuốc này giúp trẻ mau khỏi bệnh.

Trẻ sốt cao do mắc COVID-19, phụ huynh nên làm gì?

Nhiều bậc phụ huynh khác cũng khá bối rối khi gia đình có trẻ nhỏ mắc COVID-19, đặc biệt khi trẻ có triệu chứng sốt và sốt cao khó dứt. Con gái chị Phạm Thị Phương Thảo (Phường 1-TP Vĩnh Long) luôn được gia đình quan tâm chú ý về chế độ dinh dưỡng và hoạt động sinh hoạt thường ngày để tăng sức đề kháng và phòng tránh dịch bệnh.

Mới đây, khi cả gia đình có 3 thành viên đều có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, mặc dù đã có sự chuẩn bị tâm lý và những vật dụng y tế cần thiết từ trước nhưng chị Thảo vẫn lo lắng và sợ khi con mắc COVID-19 bị sốt cao. “Đo nhiệt độ con 39,5 độ, nóng ran và con than lạnh.

Tôi cho uống thuốc hạ sốt và lấy khăn ấm lau cho con thì bé hạ sốt. Ăn uống, chơi bình thường rồi lại sốt tiếp. Đêm tôi phải thao thức canh lau cho con, cho con uống nước ấm. Sốt và hạ vậy kéo dài gần 2 ngày bé mới khỏe hơn”.

Số trẻ mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long tăng nhanh và chiếm hơn 40% số ca mắc COVID-19 ghi nhận trong ngày 16/3.

Tính từ 7/2 đến nay, Vĩnh Long ghi nhận trên 5.800 trẻ mắc COVID-19, tăng nhiều lần so với trước đó. Phần lớn trẻ mắc bệnh trong độ tuổi đến trường, đặc biệt trẻ dưới 12 tuổi, chiếm gần 60% số trẻ mắc bệnh. Do trẻ ở độ tuổi này chưa được tiêm vắc xin và hệ miễn dịch nên dễ bị nhiễm bệnh.

Theo các bác sĩ nhi khoa, đa phần trẻ mắc COVID-19 có biểu hiện nhẹ và sẽ khỏi bệnh trong 10 ngày khi được chăm sóc và dinh dưỡng tốt.

Song, khi con mắc COVID-19 có triệu chứng như sốt, ho, phụ huynh vẫn đưa con đến bệnh viện là tình trạng phổ biến. Dù vậy, vẫn có nhiều trẻ sốt cao, khó hạ, nôn ói nhiều phải nhập viện theo dõi điều trị.

Tại Khoa Nhi BVĐK tỉnh, chị Nguyễn Hồng Thắm (xã Quới An- Vũng Liêm) ẵm bé trai 14 tháng tuổi, chia sẻ: “Bà ngoại bé mắc bệnh nên khi con sốt tôi test cho con thì con lên 2 vạch.

Dù con chỉ bị sốt như mọi khi nhiễm viêu vi, nhưng kỳ này con mắc COVID-19 tôi đưa con đến bệnh viện tỉnh để bác sĩ khám, đánh giá nặng nhẹ thế nào mới cảm thấy an tâm”.

Trẻ bị F0 chủ yếu được chăm sóc tại nhà. Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Chí Công (Phó Khoa Nhi BVĐK tỉnh) cho biết trẻ mắc COVID-19 thường bị sốt.

Tuy nhiên, phụ huynh không quá lo lắng, vẫn cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn. Thông thường trong vòng 24 - 36 giờ trẻ sẽ giảm sốt. Khi trẻ sốt cao khó hạ, phụ huynh cần chú ý cho trẻ uống thuốc hạ sốt đủ liều: 15 mg/1kg cân nặng, trẻ 30- 35kg thì cứ cho uống viên 500mg như người lớn.

“Trong trường hợp trẻ vẫn sốt hay có các dấu hiệu khác như lừ đừ, vật vã, nôn ói liên tục và kéo dài, thở nhanh, lõm bất thường... thì nhanh chóng đưa trẻ đến BV. COVID-19 cũng không khác gì với các bệnh thông thường khác, thường sau 7-10 ngày mắc bệnh trẻ sẽ khỏi”- bác sĩ Công tư vấn.

ThS.BS Nguyễn Trọng Dũng- Bệnh viện Nhi Trung ương: Cha mẹ chủ động phòng dịch

Việc “nới lỏng” mọi hoạt động trong xã hội như hiện nay làm việc lây nhiễm từ gia đình cho trẻ em vẫn có nguy cơ cao. Do vậy việc của các bậc phụ huynh là nên có giải pháp phòng tránh dịch bệnh như vệ sinh nhà cửa sạch, xịt khuẩn thường xuyên, khi đi làm về cần rửa tay, thay đồ, tắm rửa và đeo khẩu trang nếu có dấu hiệu nguy cơ, nghi ngờ, sau đó mới tiếp xúc với trẻ.

Khi trẻ là F0, gia đình cần chuẩn bị một phòng cách ly riêng, đeo khẩu trang cho trẻ trên 2 tuổi, chuẩn bị một số thuốc cho trẻ như thuốc hạ sốt, siro ho thảo dược, nước muối sinh lý để nhỏ mũi, súc miệng cho trẻ, mua một máy đo nồng độ oxy trong máu... Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, những việc cần làm để hỗ trợ, chăm sóc con bị mắc COVID-19, là tâm sự, trấn an con, giải đáp thắc mắc và chia sẻ thông tin thực tế về dịch bệnh. Cố gắng duy trì những thói quen bình thường, sinh hoạt khoa học, lập thời gian biểu cho các hoạt động học tập và nghỉ ngơi hoặc các hoạt động giải trí.

Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ các hành động hàng ngày để giảm sự lây lan của mầm bệnh như: rửa tay thường xuyên; sử dụng khăn giấy hoặc khuỷu tay khi ho hoặc hắt hơi, sau đó vứt khăn giấy vào thùng đựng chất thải; tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động giải trí trong phòng cách ly phù hợp như các trò chơi online hay cùng chơi với cha, mẹ...

MAI ANH (ghi)


Bài, ảnh: THÚY QUYÊN