Thường xuyên đau đầu- cảnh báo nguy cơ đột quỵ

Cập nhật, 16:11, Thứ Sáu, 16/07/2021 (GMT+7)

Thời gian gần đây, các bệnh viện (BV) cấp cứu và điều trị nhiều ca đột quỵ ngày càng trẻ hóa và hầu hết đều có dấu hiệu cảnh báo bệnh nhưng bệnh nhân (BN) chủ quan bỏ qua, điển hình nhất là các cơn đau đầu kéo dài.

Hình ảnh túi phình mạch máu não khổng lồ của bệnh nhân 29 tuổi.Ảnh bệnh viện cung cấp
Hình ảnh túi phình mạch máu não khổng lồ của bệnh nhân 29 tuổi.Ảnh bệnh viện cung cấp

Đừng chủ quan với những cơn đau đầu khó chịu

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Phong- Phó Giám đốc BV Đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ, thời gian qua, BV tiếp nhận và điều trị cho nhiều ca đột quỵ, xuất huyết não. BN không giới hạn độ tuổi, giới tính, song có ghi nhận tình trạng trẻ hóa. Điểm mấu chốt để có thể can thiệp cứu sống BN chính là yếu tố tầm soát phát hiện sớm và cấp cứu BN trong “giờ vàng” (khoảng 6 tiếng tính từ khi BN xuất hiện triệu chứng đột quỵ).

BN P.N.T. (27 tuổi; ngụ tỉnh Sóc Trăng) được tuyến trước chuyển đến giữa khuya trong tình trạng nhức đầu nhiều, đột ngột hôn mê với chẩn đoán xuất huyết nội sọ. Tại BV, sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định thực hiện chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền. Kết quả chụp cho thấy có búi dị dạng động tĩnh mạch não vị trí gần não thất bên ở bên trái. Các bác sĩ tiến hành nút dị dạng và bảo toàn các nhánh mạch máu lành. Sau khi nút dị dạng thành công, BN được tiếp tục phẫu thuật để dẫn lưu máu và dịch trong não thất ra ngoài làm giảm áp lực trong sọ. Tổng thời gian can thiệp và phẫu thuật khoảng 3 giờ cứu sống BN.

Chị Nguyễn Thị Thanh Quyên (Phường 2- TP Vĩnh Long) thường xuyên bị đau phía nửa sau đầu, thỉnh thoảng bị choáng. Chị đi khám, được cho thuốc giảm đau cùng lời khuyên của bác sĩ là nghỉ ngơi, tránh stress, song vẫn không hết.

Vừa qua, chị nhức buốt đầu, không thể chịu đựng được, nên người nhà đưa đến BV Đột quỵ- Tim mạch Cần Thơ. Tại đây, qua kết quả chụp MRI 3Tesla, bác sĩ phát hiện vị trí túi phình ở động mạch cảnh não và các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn, chụp DSA mạch máu não, nhận định BN tiến triển nặng, phải can thiệp nhanh chóng nếu không túi phình sẽ vỡ dẫn đến tử vong. “Cơn đau đầu này rất lạ, tôi chưa bao giờ trải qua cơn đau đầu như thế. Đau như bị ai đó đập vào đầu. Nhớ đến những cơn nhức buốt đầu, ngồi không quá 15 giây mà tôi còn sợ”- chị Quyên kể.

Vừa qua, BV Đột quỵ- Tim mạch Cần Thơ cấp cứu cho một BN nam mới 29 tuổi. Trước đó, anh bị đau đầu, đi khám uống thuốc không đỡ, vài ngày sau đột quỵ do vỡ túi phình khổng lồ, kích thước kỷ lục: 5cm, to bằng quả chanh. BN trong tình trạng hôn mê sâu, tiên lượng xấu.

Đây là một trong rất nhiều trường hợp đáng tiếc vì BN còn quá trẻ và việc thăm khám, điều trị cơn đau đầu trước đó đã bỏ sót nguyên nhân nguy hiểm. TS.bác sĩ Trần Chí Cường- Giám đốc BV Đột quỵ- Tim mạch Cần Thơ- cảnh báo: “Xin đừng chủ quan với những cơn đau đầu khó chịu; có rất nhiều trường hợp nhầm lẫn về đau đầu. Tùy theo triệu chứng và hiểu biết của BN, họ sẽ phản ứng với việc đau đầu của mình như thế nào”.

Cần đi khám nếu thường xuyên bị đau đầu

Theo TS.bác sĩ Trần Chí Cường, ví dụ một người có kiến thức y khoa hay có kinh nghiệm về nhiều trường hợp đau đầu, khi ai đó trong gia đình than phiền về cơn đau đầu họ sẽ lo lắng và tìm đến bác sĩ để thăm khám. Song, phần lớn nhiều người rất chủ quan, họ ra nhà thuốc mua thuốc đau đầu hoặc uống vài viên paracetamol để giảm đau.

Phần lớn các trường hợp cơn đau đầu do nguyên nhân nguy hiểm bị bỏ sót liên quan đến thái độ của BN và người thân trong việc nhìn nhận, đánh giá về cơn đau đầu.

Rất nhiều trường hợp đau đầu ở trẻ em và thanh thiếu niên tiềm ẩn một trong các bệnh lý đe dọa tính mạng của các BN tuổi này, ví dụ: dị dạng mạch máu não. Đau đầu là một trong các triệu chứng sớm, khi BN than phiền, chúng ta nghĩ do em đó tránh né việc học. Rồi BN bị nôn mửa, phụ huynh lại nghĩ đến rối loạn tiêu hóa, không đưa BN đi khám sẽ dẫn đến tình trạng BN bị hôn mê, nôn mửa và động kinh. Lúc đó bệnh rất nặng.

TS. bác sĩ Trần Chí Cường lưu ý, BN và người nhà cần trang bị kiến thức phân biệt các cơn đau đầu thông thường, đau đầu cảnh báo đột quỵ. Cụ thể, đau đầu do các nguyên nhân như mất ngủ, căng thẳng, uống rượu bia quá nhiều… chỉ cần nghỉ ngơi sẽ dứt cơn đau. Đau đầu bệnh lý tiềm ẩn đó là đau đầu do rối loạn chức năng của cơ thể như đau đầu migraine, đau đầu do nhiễm trùng (viêm màng não, sốt cao), đau đầu do tăng huyết áp khiến BN choáng váng, nôn ói.

Đau đầu migraine là chứng đau đầu nguyên phát, xuất hiện thành đợt. Triệu chứng thường kéo dài từ 4 đến 72 giờ và có thể trầm trọng hơn. Đau thường ở một bên, kiểu mạch đập, nặng hơn khi gắng sức, kèm theo các triệu chứng như buồn nôn và nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh hoặc mùi hôi.

Đau đầu nguy hiểm đó là những cơn đau kéo dài khoảng 10-15 phút hoặc vài giờ khiến BN mất tập trung trong công việc và thường hay cáu gắt, bực bội. Tình trạng đau đầu diễn ra thường xuyên, nhất là khi đi tàu xe đường dài, suy nghĩ nhiều hoặc khi mới ngủ dậy… BN cần tới các cơ sở y tế để thăm khám, đánh giá tình trạng bệnh có thể là đau đầu do thiếu máu não (hẹp mạch máu não).

Còn nếu đau đầu mà chúng ta đã khám nhiều nơi, điều trị nhiều nơi không hiệu quả thì phải đi tầm soát xem liệu có các nguyên nhân nguy hiểm tiềm ẩn như: dị dạng mạch máu não, khối u não, túi phình động mạch, tắc nghẽn mạch máu não… có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của chúng ta.

SÔNG TRĂNG